Hợp tác với 24 doanh nghiệp, xây dựng nhiều mô hình trên 15.000ha
- Tuần trước, Cục Bảo vệ thực vật tiếp tục ký hợp tác với doanh nghiệp và nhà khoa học để xây dựng các mô hình sản xuất cây trồng bền vững, ưu tiên sử dụng phân bón "5 đúng". Mục tiêu của sự hợp tác này là gì, thưa ông?
- Thời gian qua, Cục Bảo vệ thực vật đã ký kết hợp tác với nhiều cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp... nhằm nâng cao hiệu quả sản xuất nông nghiệp theo hướng bền vững và thích ứng với biến đổi khí hậu. Trong lĩnh vực phân bón, chúng tôi đã lựa chọn ký kết, đồng hành phát triển phân bón hữu cơ với 23 doanh nghiệp, để tập huấn nông dân, sản xuất tại chỗ quy mô nông hộ, xây dựng mô hình mẫu trên cây trồng chủ lực như lúa, cây ăn quả, cây công nghiệp. Trong số này có các doanh nghiệp sản xuất hàng đầu trong cả nước như Đạm Phú Mỹ, Đạm Cà Mau, Tập đoàn Quế Lâm, Công ty CP Thiên Sinh...
Mới đây, chúng tôi tiếp tục hợp tác với Viện Thổ nhưỡng Nông hóa và Công ty TNHH Yara Việt Nam triển khai các mô hình sản xuất cây trồng bền vững, ưu tiên sử dụng phân bón "5 đúng". Đây là doanh nghiệp thứ 24 ký kết với Cục.
Thông qua sự hợp tác này, chúng tôi mong muốn đạt được 3 mục tiêu. Một là, cùng nhau thiết lập các quy trình chăm sóc cây trồng chủ lực nhằm đem lại hiệu quả về năng suất, chất lượng và giá trị kinh tế, giảm bớt chi phí đầu vào. Hai là, nâng cao nhận thức cho cả doanh nghiệp, nông dân và cơ quan quản lý địa phương từ việc rà soát chất lượng phân bón, nâng cao nhận thức và hiệu quả sử dụng phân bón. Ba là, phát triển, nhân rộng các mô hình sử dụng phân bón "4 đúng", "5 đúng" theo hướng vừa tiết kiệm, vừa tăng năng suất cây trồng và đem lại hiệu quả kinh tế cho bà con nông dân, góp phần thúc đẩy nền nông nghiệp bền vững.
- Việc hợp tác với các doanh nghiệp đã mang đến những kết quả gì, thưa ông?
- Chúng tôi đã phối hợp xây dựng được nhiều mô hình sản xuất phân bón hữu cơ, sử dụng phân bón tiết kiệm, cân đối và hiệu quả trên diện tích hơn 15.000ha tại nhiều tỉnh trong cả nước. Trong đó, lúa 5.742ha, rau màu 3.742ha, cây ăn quả, cây công nghiệp 2.725ha, chè 2.660ha và các cây trồng khác.
Đồng thời, tổ chức tập huấn cho hàng chục nghìn nông dân và gần 2 nghìn cán bộ chuyên môn thuộc Cục và cán bộ chuyên môn ở địa phương về sử dụng phân bón hữu cơ; sử dụng phân bón tiết kiệm, cân đối, hiệu quả; sử dụng phân bón theo nguyên tắc “5 đúng”. Đây là giải pháp hết sức thiết thực, hiệu quả để thay đổi thói quen lạm dụng phân bón vô cơ, gây lãng phí, tăng chi phí đầu vào trong trồng trọt hiện nay.
Bên cạnh đó, một số địa phương hoặc một số doanh nghiệp sản xuất kinh doanh phân bón cũng đã chủ động xây dựng mô hình sử dụng phân bón hữu cơ, sử dụng phân bón tiết kiệm trên các cây trồng chính, các cây trồng có lợi thế của địa phương. Tuy nhiên, số lượng và diện tích mô hình còn ít và chưa tương xứng với tiềm năng.
Xây dựng chính sách nhằm đa dạng sản phẩm phân bón
- Chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn bền vững đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đặt mục tiêu xây dựng một nền nông nghiệp xanh, hiện đại, có năng suất, chất lượng, hiệu quả, bền vững và sức cạnh tranh cao thuộc nhóm dẫn đầu trong khu vực và trên thế giới. Việc thúc đẩy sản xuất và sử dụng phân bón hữu cơ, sử dụng phân bón tiết kiệm, cân đối, hiệu quả có ý nghĩa như thế nào trong quá trình thực hiện mục tiêu này, thưa ông?
- Tôi cho rằng, có rất nhiều việc phải làm để xây dựng được nền nông nghiệp xanh, hiện đại và hiệu quả. Về phía Cục Bảo vệ thực vật, chúng tôi tập trung vào 3 “từ khóa”, cũng chính là 3 đề án, chương trình nhằm đẩy mạnh sử dụng vật tư đầu vào hiệu quả, an toàn, tiết kiệm, giảm phát thải khí nhà kính và chuẩn hóa quy trình sản xuất. Đó là Chương trình đẩy mạnh ứng dụng quản lý dịch hại tổng hợp (IPHM) nhằm nâng cao sức khỏe cây trồng; Đề án phát triển sản xuất và sử dụng thuốc bảo vệ thực vật sinh học đến năm 2030; và Đề án phát triển phân bón hữu cơ và sử dụng phân bón an toàn, hiệu quả, có trách nhiệm.
Đồng thời, chúng tôi cũng xây dựng các giải pháp nâng cao nhận thức cho toàn ngành bảo vệ thực vật, chính quyền địa phương, doanh nghiệp, nông dân; thúc đẩy các chuỗi liên kết và ký kết các chương trình hợp tác nhiều bên nhằm duy trì và phát triển sản xuất nông nghiệp bền vững, gắn với tiêu thụ sản phẩm để bà con yên tâm sản xuất an toàn, bền vững.
Trong đó, Cục Bảo vệ thực vật sẽ xây dựng các chính sách nhằm đa dạng sản phẩm phân bón như phân bón hữu cơ, phân bón thế hệ mới nhằm giảm phát thải khí nhà kính; chuyển giao công nghệ để tận dụng phế phụ phẩm nông nghiệp làm phân bón; nâng cao nhận thức của người dân trong việc sử dụng hài hòa giữa phân bón hữu cơ và phân bón vô cơ để đạt chi phí thấp nhất và hiệu quả kinh tế cao nhất.
- Trong năm 2024, Cục Bảo vệ thực vật sẽ triển khai các giải pháp nào nhằm thúc đẩy sản xuất và sử dụng phân bón hữu cơ, sử dụng phân bón "5 đúng"?
- Từ năm 2017, Cục Bảo vệ thực vật đã triển khai hàng loạt giải pháp nhằm tăng cường sản xuất và sử dụng phân bón hữu cơ. Năm 2022, Cục đã trình Bộ ban hành Quyết định 4324/QĐ-BNN-BVTV về tăng cường sản xuất và sử dụng phân bón hữu cơ, sử dụng phân bón tiết kiệm, cân đối và hiệu quả giai đoạn 2022 - 2025 với các mục tiêu cụ thể.
Năm 2024, Cục Bảo vệ thực vật tiếp tục thực hiện các giải pháp trong Quyết định 4324/QĐ-BNN-BVTV. Trong đó, chú trọng xây dựng các mô hình sử dụng phân bón hữu cơ, sử dụng phân bón tiết kiệm gắn với chuỗi giá trị cho một số sản phẩm chủ lực. Tăng cường tập huấn để nâng cao nhận thức của người dân và đổi mới phương thức hướng dẫn người dân sử dụng phân bón thông qua các mô hình thực tế, hội thảo đầu bờ. Tăng cường công tác khuyến nông, trong đó chú trọng đến sử dụng phân bón hữu cơ, sử dụng phân bón tiết kiệm, cân đối và hiệu quả; hướng dẫn nông dân áp dụng các giải pháp khoa học công nghệ, tiến bộ kỹ thuật trong sản xuất nông nghiệp. Truyền thông rộng rãi về vai trò, tác dụng lâu dài của việc sử dụng phân bón hữu cơ để người dân hiểu, qua đó đẩy mạnh sản xuất, sử dụng phân bón hữu cơ ở cả quy mô công nghiệp và quy mô nông hộ.
- Xin cảm ơn ông!
Một số mô hình sử dụng phân bón hữu cơ, phân bón tiết kiệm cân đối và hiệu quả trên lúa trong thời gian gần đây có thể kể tới:
59 mô hình trên lúa tại Đồng Tháp, Long An, Cần Thơ, Sóc Trăng, An Giang, Kiên Giang với diện tích gần 240ha: lượng phân bón giảm 15%, năng suất tăng 5%, lợi nhuận tăng 19% so với sản xuất đại trà.
Mô hình sử dụng phân bón tiết kiệm, cân đối, hiệu quả trên lúa vụ hè thu tại An Giang: lượng phân bón hóa học giảm 13,5%, chi phí giảm 2,6%, năng suất tăng 11,2%.
Mô hình sử dụng phân bón tiết kiệm kết hợp sử dụng phân bón hữu cơ trên lúa vụ Hè Thu tại huyện Cao Lãnh, tỉnh Đồng Tháp: giảm lượng phân bón hóa học 61%, chi phí cao hơn 11,2 %, năng suất tăng 10,8%, hiệu quả kinh tế tăng 9,5%.
Mô hình trên lúa tại Kiên Giang, An Giang, Đồng Tháp, Hậu Giang, Sóc Trăng, Tiền Giang, Long An với diện tích gần 200ha: giảm số lần bón phân từ 4 - 5 lần xuống 2 - 4 lần, giảm lượng phân bón từ 30 - 50% và giảm chi phí gần 50% so với sản xuất đại trà.