Vận động người dân chuyển đổi đất canh tác
Bà Phạm Thị Luân, Thôn Quyết Tiến, xã Chi Khê, trước đây cuộc sống chỉ dựa vào mấy sào đất màu, đất nông nghiệp không có nên cuộc sống gia đình gặp nhiều khó khăn.Với suy nghĩ phải làm gì để phát triển kinh tế, thay đổi cuộc sống trên chính mảnh đất quê hương, bà Luân đã bàn với con chuyển đổi một số diện tích trồng hoa màu kém hiệu quả sang trồng cây ăn quả.
Tuy nhiên, do phương thức canh tác cũ nên hiệu quả thấp. Không nản chí, với lòng say mê lao động và tinh thần ham học hỏi, năm 2016, bà Luân đã học hỏi kinh nghiệm trồng bưởi Phúc Trạch. Bà Luân đã quyết định trồng 130 gốc bưởi Phúc Trạch theo phương pháp mới và thành công ngay mùa đầu tiên. Bằng sự cần cù, chịu khó cùng với việc áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, vườn bưởi của bà phát triển xanh tốt và năng suất cao, có những cây bưởi trên 100 quả.
Bưởi được chăm sóc tốt nên quả to, ngọt. Chất lượng bưởi Phúc Trạch của gia đình bà Luân đã tạo dựng được uy tín và thương hiệu trên địa bàn.Trong năm 2021, vườn bưởi của bà cho thu nhập hơn 100 triệu đồng. Đến nay vườn bưởi của gia đình đang cho thu hoạch đại trà, thương lái thương lái thu mua và bao tiêu sản phẩm tại vườn.
Bà Phạm Thị Luân cho biết: “Trước đây, trên diện tích này gia đình trồng ngô, lạc hiệu quả thấp, công lao động bỏ ra lại nhiều. Từ khi trồng cây bưởi hiệu quả kinh tế cao gấp nhiều lần. Nhờ trồng bưởi mà thu nhập của gia đình được cải thiện rõ rệt.”
Cũng ở thôn Quyết Tiến, xã Chi Khê, Gia đình anh Trịnh Xuân Tạo là người tiên phong đưa giống bưởi Phúc Trạch về trồng đầu tiên.Trước đây, trên 9 sào đất của mình, gia đình anh Tạo trồng đủ các loại cây lương thực nhưng hiệu quả kinh tế thấp, mùa cao nhất sau khi trừ chi phí, gia đình anh chỉ thu về từ 5 đến 10 triệu đồng. Dù làm thêm nhiều nghề khác nhau nhưng kinh tế gia đình anh vẫn khó khăn.
Qua tìm hiểu và biết được giá trị kinh tế của cây bưởi, năm 2015 gia đình anh Tạo mạnh dạn trồng trên 200 gốc bưởi. Nhờ đầu tư chăm sóc, sau 3 năm, vườn bưởi đã cho thu hoạch vụ đầu tiên. Đến nay, vườn bưởi của gia đình đã cho thu hoạch 4 năm nay được thương lái đến thu mua tại vườn.Với giá 15-20 nghìn đồng một quả, trung bình mỗi năm cho thu nhập gần 200 triệu đồng.
Anh Tạo cho biết, bưởi là loại cây dễ trồng và dễ chăm sóc hơn so với cây cam. Thu nhập từ trồng bưởi cao gấp 7 lần so với trồng lạc trên cùng 1 đơn vị diện tích. "Cũng may nhờ chuyển đổi trồng cây bười gia đình tôi mới khấm khá như thế này".
Nhiều gia đình đã có cuộc sống khá hơn
Đời sống của người dân xã Chi Khê còn gặp nhiều khó khăn. Nhằm giúp người dân phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập, chính quyền đã tuyên truyền vận động người dân mạnh dạn chuyển đổi đất canh tác kém hiệu quả sang trồng các loại cây khác có giá trị kinh tế cao hơn, nhờ đó, nhiều gia đình đã có cuộc sống khấm khá hơn so với trước đây.
Bà Nguyễn Thị Thắng, Phó Chủ tịch UBND xã Chi Khê cho biết: “Thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ xã Chi Khê và thực hiện đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp của huyện, xã Chi Khê đã chú trọng phát triển kinh tế hộ gia đình. Trong đó, cây bưởi là cây ăn quả được xã xác định trở thành cây hàng hóa của địa phương. Đến nay, toàn xã có khoảng trên 30ha cây có múi, trong đó có khoảng 15ha cây bưởi. Nhiều hộ nhờ cây bưởi đã xóa được đói, giảm được nghèo.
Con Cuông có đất đai, thổ nhưỡng phù hợp cho cây bưởi sinh trưởng tập trung ở các xã Bồng Khê, Yên Khê, Chi Khê... Tuy đây là giống cây ăn quả được bà con trồng từ lâu nhưng chưa được trồng tập trung, còn manh mún phân tán.
Những năm gần đây, bưởi ngày càng chiếm ưu thế trên thị trường, được người tiêu dùng yêu thích lựa chọn. Nhiều gia đình đã mạnh dạn chuyển đổi đất trồng kém hiệu quả sang trồng bưởi, áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, thay đổi tập quán canh tác cũ, nhờ đó, chất lượng và năng suất cao hơn hẳn so với trước đây. Nhiều gia đình cũng mạnh dạn đưa giống bưởi Phúc Trạch vào trồng, bước đầu cho thấy giống bưởi này có thể phát triển tốt trên đất miền Trà Lân. Toàn huyện Con Cuông hiện có khoảng trên 50 ha đất trồng bưởi, tập trung nhiều ở các xã Chi Khê, Bồng Khê, Yên Khê. Nhiều mô hình trồng bưởi hàng năm thu nhập trên 50 triệu đồng.
Ông Lô Văn Lý, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Con Cuông cho biết thêm: Thời gian qua, nhiều hộ dân trên địa bàn huyện đã phát triển cây bưởi với kết quả mang lại rất khả quan. Các giống bưởi được người dân đầu tư trồng chủ yếu giống bưởi Phúc Trạch, bưởi Hồng Quang Tiến, bưởi da xanh. Để nâng cao thu nhập cho người dân và xây dựng thương hiệu bưởi ở miền Trà Lân, trong thời gian tới, chúng tôi sẽ tham mưu cho UBND huyện rà soát, xác định điều kiện thổ nhưỡng của từng vùng để khuyến cáo người dân về trồng bưởi trên địa bàn huyện bên cạnh đó chúng tôi sẽ tham mưu các chính sách hỗ trợ cho người trồng bưởi”.