Ủy viên Thường trực Ủy ban Tài chính - Ngân sách Lê Hoàng Anh:
Bổ sung vốn cho Agribank là cần thiết và cấp bách!
Nông nghiệp tiếp tục là trụ đỡ cho nền kinh tế của Việt Nam trước mọi biến động, thách thức. Agribank đã và đang đóng góp đặc biệt đối với “trụ đỡ” này, kể cả hai chương trình mục tiêu Quốc gia “xây dựng nông thôn mới” và “giảm nghèo bền vững”.
Qua tiếp xúc cử tri Gia Lai cho thấy, đồng bào nơi đây đánh giá rất cao sự hỗ trợ lớn, kịp thời từ Agribank để xóa đói giảm nghèo, phát triển kinh tế. Tuy nhiên, hàng năm chi nhánh Agribank Gia Lai mới đáp ứng vốn huy động cho vay được 60%, còn lại 40% bổ sung từ hội sở nên ảnh hưởng đến đầu tư phát triển ở nơi đây. Nếu nhìn toàn hệ thống, cũng thấy rất rõ Agribank đã vượt khó, nhất là những năm qua thiên tai, đại dịch hoành hành, ảnh hưởng tiêu cực đến toàn nền kinh tế trong đó có lĩnh vực “Tam nông”. Nhưng Agribank đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ mà Đảng, Nhà nước giao và cử tri, nông dân tin tưởng; tổng tài sản tăng trưởng đều hàng năm, bình quân 11,2%, dư nợ tín dụng thời điểm 31.12.2022 cho vay tăng 9,8% so với cuối năm 2022, nợ xấu bảo đảm dưới 2,0%.
Tuy vậy, vốn điều lệ của Agribank còn thấp, tỷ lệ an toàn vốn thối thiểu ở mức 7% dưới ngưỡng chuẩn mực Basell II là 8% đã hạn chế vai trò, vị trí, thứ hạng tín nhiệm của Agribank, gián tiếp ảnh hưởng lớn đến nông dân, nông thôn. Việc bổ sung vốn điều lệ cho Agribank là cần thiết và cấp bách, cần thực hiện ngay vì đã bảo đảm cơ sở chính trị, pháp lý, đáp ứng thực tiễn và quan trọng là có và rõ nguồn để bổ sung.
Phó Trưởng đoàn chuyên trách, Đoàn ĐBQH tỉnh Tuyên Quang Ma Thị Thúy:
Agribank không chỉ đóng góp vào phát triển kinh tế
Trước tiên phải khẳng định, việc bổ sung vốn điều lệ cho Agribank là hoàn toàn phù hợp. Agribank nói chung và Agribank Tuyên Quang nói riêng có đóng góp quan trọng và tác động mạnh mẽ vào phát triển kinh tế - xã hội của các địa phương.
Với mạng lưới rộng khắp gồm 1 hội sở; 7 chi nhánh loại 2; 24 phòng giao dịch và 1 điểm giao dịch lưu động bằng xe chuyên dùng, Agribank Tuyên Quang đã kịp thời có mặt mọi lúc, mọi nơi khi người dân cần. Đặc biệt, thị phần đầu tư của Agribank Tuyên Quang luôn chiếm hơn 1/3 tổng đầu tư tín dụng tại tỉnh và đến hết quý I.2023, tổng dư nợ của Chi nhánh đạt 9.499 tỷ đồng; riêng dư nợ đầu tư cho tín dụng nông nghiệp, nông thôn đạt trên 6.500 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 70% trên tổng dư nợ cho vay tại Chi nhánh. Đặc biệt, Agribank luôn nỗ lực huy động nguồn lực cho vay nông nghiệp, nông thôn. Đến nay, nguồn vốn huy động của Chi nhánh đạt 9.838 tỷ đồng. Nguồn vốn huy động và nội bộ đã đảm bảo cho Chi nhánh có đủ ốn đáp ứng nhu cầu tín dụng của người dân trên địa bàn.
Thực tế giám sát cũng cho thấy, Agribank Tuyên Quang đã triển khai nhiều giải pháp nhằm thúc đẩy tăng trưởng tín dụng hiệu quả; góp phần kích thích tăng trưởng, lưu thông hàng hóa, thúc đẩy hoạt động sản xuất kinh doanh của người dân và doanh nghiệp. Đặc biệt, không chỉ đóng góp quan trọng vào việc phát triển kinh tế xã hội của tỉnh, 5 năm qua, Agribank Tuyên Quang còn dành gần 40 tỷ đồng triển khai nhiều hoạt động an sinh xã hội như tài trợ cho y tế, giáo dục, làm nhà cho hộ nghèo, phòng, chống dịch Covid-19... góp phần ổn định trật tự xã hội và củng cố niềm tin của người dân với chế độ.
Song song với việc đầu tư vốn cho các hoạt động sản xuất kinh doanh lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn, Agribank Tuyên Quang còn tăng cường triển khai việc phát triển các phương tiện thanh toán không dùng tiền mặt trong nông thôn; cấp hạn mức thấu chi qua thẻ ATM cho khách hàng trong khu vực nông thôn để thanh toán tiền điện, nước, cước viễn thông, hàng hóa nông sản, các dịch vụ nông nghiệp và các nhu cầu chi tiêu của người dân… góp phần hạn chế tín dụng đen theo đúng chỉ đạo của Chính phủ, NHNN.
ĐBQH Bố Thị Xuân Linh (Bình Thuận):
Bảo đảm vốn để “tam nông” phát triển
Đúng như Ủy viên thường trực Ủy ban Tài chính Ngân sách Lê Hoàng Anh đã nói, nông nghiệp luôn là trụ đỡ của nền kinh tế trước mọi biến động, thách thức. Và Agribank - với vai trò là ngân hàng chủ lực đầu tư phát triển “tam nông”, trở thành mắt xích không thế thiếu trong trụ cột đó.
Tại Bình Thuận, nguồn vốn của Agribank tác động mạnh mẽ đến kết quả phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Các chương trình tín dụng do Agribank thực hiện đã góp phần quan trọng làm thay đổi toàn diện bộ mặt nông thôn. Cơ cấu cây trồng, vật nuôi chuyển đổi theo hướng tích cực; năng suất, chất lượng, hiệu quả ngày càng được nâng lên. Hoạt động khai thác thủy sản xa bờ được đẩy mạnh gắn với bảo vệ an ninh, chủ quyền biển, đảo. Đặc biệt, qua các cuộc giám sát chuyên đề cũng như tiếp xúc cử tri Bình Thuận, đồng bào đánh giá cao sự đồng hành của Agribank với người dân trong các hoạt động sản xuất nông nghiệp; hỗ trợ lãi suất và kịp thời xử lý các bất trắc do dịch bệnh, thiên tai gây ra.
Tuy nhiên, các kết quả giám sát tại địa phương cho thấy, nguồn vốn của Agribank Bình Thuận chưa thực sự cân đối với nhu cầu vay vốn của bà con. Đến hết quý I.2023, tổng nguồn vốn huy động đạt 19.039 tỷ đồng, tăng 226 tỷ đồng so với đầu năm; trong khi nhu cầu vay vốn của bà con trên địa bàn cần khoảng trên 27.500 tỷ đồng.
Như vậy, nếu chủ trương bổ sung vốn điều lệ cho Agribank sớm thông qua, không chỉ cử tri Bình Thuận mà rất nhiều địa phương khác sẽ giải quyết được những bức xúc về vốn trong hoạt động sản xuất, kinh doanh lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn. Quan trọng hơn, chủ động nguồn vốn sẽ thúc đẩy các mục tiêu Chương trình hành động về triển khai thực hiện Nghị quyết số 19-NQ/TW ngày 16.6.2022, Hội nghị Trung ương 5 Khóa XIII về nông nghiệp, nông dân, nông thôn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 trên địa bàn.