Lộ trình hướng tới xanh hóa sản phẩm
Trong quá trình tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu, sức ép lớn nhất là về xu hướng. Phải đáp ứng các nhu cầu, yêu cầu về môi trường, hay như “xanh hóa” sản phẩm, cũng như giảm phát thải khí nhà kính, phù hợp với tình trạng biến đổi khí hậu hiện nay.
Cùng với đó là sức ép từ các cam kết của quốc gia trong vấn đề về giảm phát thải khí nhà kính. Đối với Việt Nam sẽ cam kết đến năm 2050 phát thải ròng bằng 0, như vậy, ngành công thương nói chung và doanh nghiệp dệt may, da giày nói riêng cũng phải có lộ trình để hướng tới.
Đối với dệt may, hiện đang phát thải khoảng 5 triệu tấn CO2 hằng năm, như vậy phải có lộ trình cắt giảm. Trong Thông tư 13 năm 2024 của Thủ tướng Chính phủ vừa công bố các doanh nghiệp phải kiểm kê khí nhà kính trong đó có khoảng gần 100 doanh nghiệp dệt may, da giày phải kiểm kê khí nhà kính để hướng tới phát thải ròng bằng 0.
Tại thị trường nội địa, doanh nghiệp dệt may, da giày đối mặt với việc chi phí về năng lượng, nhân công, về nguyên vật liệu ngày càng tăng thì các doanh nghiệp muốn cạnh tranh được bắt buộc phải sử dụng một cách có hiệu quả về năng lượng và nguyên vật liệu để cắt giảm các chi phí đó.
Theo TS. Nguyễn Văn Hội - Viện trưởng Viện nghiên cứu chiến lược, chính sách Công Thương, ngành dệt may, da giày là một trong những ngành tạo ra ô nhiễm môi trường lớn so với một số ngành khác như khai khoáng, dầu mỏ,… Vì vậy, cần phải xanh hóa, và chuỗi cung ứng vậy, đòi hỏi các doanh nghiệp phải thúc đẩy xanh hóa.
Tổng kim ngạch xuất khẩu hàng dệt may của Việt Nam tháng 10.2024 ước đạt 3,86 tỷ USD, tăng 10,7% so với tháng trước và 24,26% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung, tổng kim ngạch xuất khẩu hàng dệt may của Việt Nam 10 tháng 2024 ước đạt 36,11 tỷ USD, tăng 9,86% so cùng kỳ 2023, trong đó kim ngạch xuất khẩu hàng may mặc ước đạt 28,38 tỷ USD, tăng 10,54%; kim ngạch xuất khẩu xơ sợi ước đạt 3,66 tỷ USD, tăng 0,47%; kim ngạch xuất khẩu vải ước đạt 2,22 tỷ USD, tăng 11,12%... Tổng kim ngạch nhập khẩu nguyên phụ liệu dệt may của Việt Nam 10 tháng 2024 ước đạt 20,61 tỷ USD, tăng 15% so cùng kỳ 2023.
Xây dựng một thương hiệu dệt may Việt Nam bền vững
Do đó, kim ngạch xuất khẩu ước đạt 44 tỷ USD như dự kiến, tăng 11,26% so với năm 2023, kim ngạch nhập khẩu ước đạt 25 tỷ USD, tăng 14,79%; xuất siêu 19 tỷ USD, tăng 6,93% so với năm 2023.
Theo Chủ tịch Hiệp hội Dệt May Việt Nam (VITAS) Vũ Đức Giang, thực hiện Chiến lược phát triển ngành dệt may và da giày, từ nay đến năm 2030, ngành sẽ chuyển dần từ phát triển nhanh sang phát triển bền vững. Từ 2031 - 2035, phát triển bền vững một cách hiệu quả theo mô hình kinh tế tuần hoàn; hoàn thiện chuỗi giá trị trong nước và tham gia ở vị trí có giá trị cao trong chuỗi cung ứng toàn cầu.
Trong đó, việc xanh hóa dệt may vẫn một số cơ chế đang làm tắc nghẽn trong dòng tín dụng xanh. Nếu làm được thì thuê các tổ chức quốc tế cấp chứng chỉ để tăng khả năng cạnh tranh... Do đó, các doanh nghiệp dệt may phải xác định rõ lộ trình thực hiện xanh hóa, sử dụng bao nhiêu năng lượng, thải ra bao nhiêu chất thải, khí thải carbon… Từ đó đưa ra chiến lược phù hợp với khả năng, thể hiện sự cam kết mạnh mẽ của Chính phủ.
Giai đoạn mới, với vai trò dẫn dắt ngành dệt may Việt Nam, VITAS sẽ tiếp tục nỗ lực; tập trung trí tuệ, sức sáng tạo, cùng các doanh nghiệp đoàn kết triển khai hiệu quả giải pháp chuyển đổi kép, để xây dựng một thương hiệu dệt may Việt Nam bền vững.
Ông Vũ Đức Giang cũng thông tin hiện các doanh nghiệp đã đẩy mạnh đầu tư, đổi mới trang thiết bị hiện đại và triển khai các giải pháp nhằm xanh hóa sản xuất, đồng thời tự chủ được nguồn cung nguyên phụ liệu, đa dạng hóa thị trường đồng thời kỳ vọng năm 2025 ngành dệt may đặt mục tiêu kim ngạch xuất khẩu đạt 47 - 48 tỷ USD.
Hoạt động xuất khẩu hàng dệt may của Việt Nam tiếp tục được cải thiện thể hiện ở tốc độ tăng trưởng ngày càng mở rộng so với những tháng đầu năm. Trong đó, những thị trường xuất khẩu chủ lực như Mỹ, EU, Nhật Bản, Trung Quốc vẫn duy trì mức tăng trưởng; thị trường ASEAN, Nga, Canada… đang là điểm sáng tiềm năng để doanh nghiệp thúc đẩy sản xuất, xuất khẩu hàng dệt may. Ngoài ra, giá cước vận tải tiếp tục có xu hướng giảm cũng đang hỗ trợ cho sự tăng trưởng xuất khẩu hàng dệt may.