Doanh nghiệp lo ngại thiếu vốn
Chỉ còn vài tháng nữa là lại vào vụ thu hoạch cà phê, nhiều doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh cà phê như ngồi trên đống lửa khi lo ngại “lịch sử” siết room tín dụng sẽ lặp lại. Doanh nghiệp sẽ không xoay xở được nguồn tiền thanh toán các khoản kinh phí trong mua bán cà phê, người trồng cũng phải đối mặt với không ít khó khăn.
Giám đốc Công ty TNHH MTV Cà phê Ia Châm thuộc huyện Ia Grai, tỉnh Gia Lai Lê Anh Tuấn cho biết, Công ty vẫn thường xuyên giao dịch với ngân hàng Agribank chi nhánh huyện Ia Grai. Bình thường, khi vào mùa vụ, doanh nghiệp có thể thoải mái vay vốn để thu mua cà phê cho người dân nhưng mùa vụ 2022, Công ty được ngân hàng thông báo vốn vay sử dụng trong thu mua cà phê là không còn, trong khi hạn mức công ty được vay gần 10 tỷ đồng.
“Thật khó cho chúng tôi quá! Vừa phải khất nợ khách hàng giao dịch mua bán cà phê vừa phải xoay xở kinh phí chi trả cho các hộ dân nhận khoán trồng cà phê. Nếu ngân hàng không có vốn giải ngân, chúng tôi chỉ còn nước tạm ngưng giao dịch...” - Giám đốc Lê Anh Tuấn chia sẻ.
Tương tự, Giám đốc Công ty TNHH Xuất khẩu nông sản Tây Nguyên Nguyễn Minh Đường cho biết, thời điểm cuối năm công ty thu mua vào ít nhất 4.000 - 5.000 tấn cà phê, cả niên vụ khoảng 20.000 tấn. Tuy nhiên, hiện tại, các kho chứa hàng của công ty mới đưa vào khoảng 2.000 tấn, nhiều kho hàng để trống. Năm 2022, Công ty cần vốn vay ngân hàng để thu mua, trả tiền cà phê cho 3.000 nông hộ và 11 doanh nghiệp sản xuất cà phê đóng chân trên địa bàn huyện Ia Grai. Một số Ngân hàng thương mại cho hay, hiện nay đã hết room và doanh nghiệp phải chờ qua năm 2023 mới có nguồn vốn vay tiếp.
“Chúng tôi đang lo ngại liệu khủng hoảng vốn năm 2022 có lặp lại?” - Giám đốc Nguyễn Minh Đường băn khoăn.
Trên thực tế, những khó khăn mà hai công ty trên gặp phải cũng là nỗi lo của nhiều doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn. Bởi nhiều công ty đã ký kết các hợp đồng với đối tác; nhất là các đối tác nước ngoài, nếu không đủ nguồn hàng hoặc cung cấp thiếu, doanh nghiệp sẽ bị phạt hợp đồng từ 5 - 10% giá trị đơn hàng. Nguy hại hơn là mất uy tín với đối tác nước ngoài và những năm sau rất khó để ký lại hợp đồng.
Cùng với đó, các công ty phải đối mặt với hàng loạt chi phí khác như tiền kho bãi, phơi sấy cà phê, tiền để thu mua, giữ mối… Suy cho cùng, nếu room tín dụng bị siết, không chỉ doanh nghiệp gặp khó khăn mà người nông dân cũng phải gánh chịu nhiều tổn thất.
Quy mô chưa tương xứng
Quy mô vốn điều lệ của Agribank hiện nay là 34.328 tỷ đồng. Con số này thấp hơn nhiều so với 3 ngân hàng thương mại Nhà nước còn lại và nhỏ hơn so với một số ngân hàng thương mại cổ phần. Trong khi, Agribank là ngân hàng thương mại có 100% vốn Nhà nước, hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn gắn với hỗ trợ nông dân phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo. Đây cũng là ngân hàng đóng vai trò chủ lực, điều tiết thị trường, tham gia cơ cấu ngân hàng yếu kém.
Agribank đang là ngân hàng có mạng lưới rộng lớn nhất hệ thống, với 171 chi nhánh loại I và 768 chi nhánh loại II cùng 1.285 phòng giao dịch trên cả nước. Năm 2022, Agribank đạt lợi nhuận trước thuế 22.087 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 17.680 tỷ đồng, tăng mạnh 51% so với năm 2021.
Theo ĐBQH Trần Hoàng Ngân (TP. Hồ Chí Minh), trong bối cảnh thị trường có nhiều biến động và bất thường thì việc tăng vốn điều lệ cho Agribank sẽ góp phần tăng sức chịu đựng của ngân hàng. Đồng thời, giúp ngân hàng thương mại tăng khả năng huy động vốn, từ đó mở rộng được tín dụng. Đặc biệt, với 70% nguồn vốn đang đầu tư cho nông nghiệp, nông thôn - Agribank đang góp phần quan trọng vào việc nâng cao chất lượng cuộc sống người dân, phát triển kinh tế nông thôn, phát triển ngành nông nghiệp bền vững hơn.
Đồng quan điểm, ĐBQH Trần Văn Tiến (Vĩnh Phúc) cho rằng, hiện tại vốn điều lệ của Agribank bị giới hạn khoảng 30.600 tỷ đồng, không được bổ sung trong nhiều năm nay, khiến tỷ lệ an toàn vốn của Agribank bị suy giảm và thấp hơn nhiều so với mức bình quân chung của hệ thống tổ chức tín dụng trong nước và sát với ngưỡng tối thiểu bình quân tại Thông tư 22/2019/TT-NHNN của Ngân hàng nhà nước.
Theo đại biểu Trần Văn Tiến, nếu Agribank không được tăng vốn điều lệ thì các chỉ tiêu tăng trưởng của Agribank bị ảnh hưởng trực tiếp và ảnh hưởng đến an toàn trong hoạt động của ngân hàng, giảm vị trí, vai trò trong hệ thống tổ chức tín dụng, không hoàn thành mục tiêu đề án cơ cấu lại ngành ngân hàng; không đáp ứng được nhu cầu vốn phục vụ phát triển kinh tế, đặc biệt là vốn tín dụng cho lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn. Ngoài ra, theo Luật Các tổ chức tín dụng và Thông tư số 41 của NHNN, các tổ chức tín dụng phải bảo đảm tỷ lệ an toàn vốn tối thiểu là 8%. Song, tại thời điểm 31.12.2021, tỷ lệ an toàn vốn của Agribank mới đạt mức 7%. “Do vậy, việc bổ sung vốn điều lệ cho Agribank là cấp thiết” - ĐBQH Trần Văn Tiến nói.
Quan trọng hơn, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng cũng đã khẳng định, việc đầu tư bổ sung vốn điều lệ cho Agribank sẽ không ảnh hưởng đến cân đối thu, chi ngân sách năm 2023.