Vì sao phải sửa đổi?
Tại dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Chứng khoán, Luật Kế toán, Luật Kiểm toán độc lập, Luật Ngân sách nhà nước, Luật Quản lý, sử dụng tài sản công, Luật Quản lý thuế và Luật Dự trữ quốc gia, Chính phủ đề xuất sửa đổi Luật Chứng khoán theo hướng sửa đổi quy định về quyền của thành viên bù trừ (điểm a khoản 4 điều 56 Luật Chứng khoán). Theo đó, thành viên bù trừ có quyền “thực hiện bù trừ, thanh toán giao dịch cho các chứng khoán giao dịch trên hệ thống giao dịch chứng khoán. Trường hợp thực hiện bù trừ, thanh toán giao dịch chứng khoán phái sinh, thành viên bù trừ là ngân hàng thương mại, chi nhánh ngân hàng nước ngoài chỉ được thực hiện bù trừ, thanh toán giao dịch cho chính thành viên bù trừ là ngân hàng thương mại, chi nhánh ngân hàng nước ngoài”.
Lý giải cho việc sửa đổi này, Cơ quan soạn thảo cho rằng, để được nâng hạng, thị trường chứng khoán Việt Nam cần tháo gỡ một trong các vướng mắc chính là yêu cầu không phải có đủ tiền khi đặt lệnh giao dịch của nhà đầu tư nước ngoài. Theo đó, Bộ Tài chính đã xây dựng Thông tư sửa đổi, bổ sung 04 Thông tư, trong đó có quy định không yêu cầu nhà đầu tư tổ chức nước ngoài phải có đủ tiền khi đặt lệnh mua cổ phiếu. Tuy nhiên, đây cũng chỉ là giải pháp triển khai trước mắt để đáp ứng tiêu chí nâng hạng nêu trên và chỉ áp dụng cho giao dịch mua cổ phiếu với đối tượng áp dụng là nhà đầu tư tổ chức nước ngoài.
Theo đánh giá của các tổ chức quốc tế, thành viên thị trường, các nhà đầu tư tổ chức nước ngoài lớn, để duy trì thứ hạng cũng như được xếp hạng cao hơn thì Việt Nam cần tiếp tục triển khai giải pháp tháo gỡ các rào cản còn lại cũng như cải thiện, nâng cao chất lượng hoạt động của thị trường, trong đó bao gồm việc triển khai CCP cho thị trường chứng khoán cơ sở phù hợp với thông lệ quốc tế - nhiệm vụ này cũng được nêu tại Quyết định 1726/QĐ-TTg ngày 29.12.2023 của Thủ tướng Chính phủ về Chiến lược phát triển thị trường chứng khoán đến năm 2030.
Báo cáo của của Ngân hàng Thế giới (WB) cho thấy, 80% hệ thống thanh toán trên toàn cầu đã áp dụng cơ chế CCP cho hoạt động bù trừ thanh toán giao dịch chứng khoán, trong đó 80% CCP trên thế giới đã cho phép ngân hàng lưu ký làm thành viên bù trừ. Đây cũng là lý do vì sao các tổ chức quốc tế, WB và các tổ chức lớn khác trên thế giới đều coi việc áp dụng CCP là một trong các tiêu chí để xếp loại thị trường chứng khoán lên hạng thị trường mới nổi.
Mặt khác, tại Khoản 4 Điều 56 của Luật Chứng khoán năm 2019 quy định thành viên bù trừ (trong đó có ngân hàng thương mại) có quyền “thực hiện bù trừ, thanh toán giao dịch chứng khoán phái sinh và các chứng khoán khác”. Tuy nhiên, cách diễn đạt tại Điều 56 hiện tạo ra cách hiểu khác nhau, trong đó có cách hiểu thành viên bù trừ là ngân hàng thương mại, chi nhánh ngân hàng nước ngoài chỉ được thực hiện bù trừ, thanh toán giao dịch chứng khoán phái sinh mà không được thực hiện bù trừ, thanh toán giao dịch chứng khoán cơ sở. Chính việc chưa làm rõ ngân hàng được làm thành viên bù trừ CCP cho thị trường chứng khoán cơ sở là một trong các lý do chưa thể triển khai CCP cho thị trường này đúng thời hạn (theo Nghị định 155/2020/NĐ-CP là từ 1.1.2024). Do vậy, cần sửa đổi khoản 4 Điều 56 của Luật để bảo đảm thống nhất trong quy định pháp luật chứng khoán và pháp luật về tổ chức tín dụng cho phép ngân hàng lưu ký được thực hiện bù trừ, thanh toán giao dịch trên cả thị trường chứng khoán cơ sở và phái sinh.
Tiêu chí quan trọng để thu hút nhà đầu tư nước ngoài
Theo các chuyên gia, việc triển khai CCP cho thị trường chứng khoán cơ sở là giải pháp căn bản để tháo gỡ vấn đề về không yêu cầu có đủ tiền khi đặt lệnh của nhà đầu tư nước ngoài, đồng thời cơ chế CCP còn bảo đảm một nguyên tắc cơ bản trong vận hành thị trường theo thông lệ quốc tế. Đó là bảo đảm giao dịch chứng khoán là giao dịch dân sự không thể hủy ngang nhằm bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của các nhà đầu tư - đây là điểm ưu việt hơn so với cơ chế thanh toán mà Việt Nam đang áp dụng khắc phục được trường hợp rủi ro thanh toán dẫn đến phải hủy thanh toán giao dịch chứng khoán hiện nay.
Bên cạnh việc cần thiết phải quy định rõ để cho phép ngân hàng lưu ký là thành viên bù trừ theo thông lệ quốc tế phổ biến, việc cho phép ngân hàng làm thành viên bù trừ còn là yêu cầu cần thiết phải thực hiện để bảo đảm đáp ứng các quy định pháp lý liên quan đến vấn đề an toàn lưu giữ tài sản của nhà đầu tư nước ngoài tại các ngân hàng lưu ký.
Cụ thể, theo các quy định của EU và Hoa Kỳ, tài sản của nhà đầu tư phải được quản lý tại các ngân hàng lưu ký mà không được phép chuyển sang chủ thể như công ty chứng khoán, cho dù chỉ là phục vụ mục đích thanh toán. Do đó, việc các ngân hàng thương mại làm thành viên bù trừ trong cơ chế CCP cũng thể hiện rõ chính sách thu hút và tạo điều kiện cho các nhà đầu tư tổ chức nước ngoài lớn như các quỹ đầu tư toàn cầu thực hiện đầu tư gián tiếp vào Việt Nam. Đây là thông lệ phổ biến và đặc biệt quan trọng, bảo đảm nhà đầu tư nước ngoài tuân thủ các quy định tại thị trường nước sở tại, tránh trường hợp nhà đầu tư nước ngoài phải rút vốn đầu tư gián tiếp tại thị trường chứng khoán Việt Nam do phải tuân thủ quy định pháp lý tại nước sở tại của nhà đầu tư nước ngoài.
Như vậy, có thể thấy, việc sửa đổi, bổ sung điểm a khoản 4 Điều 56 của Luật Chứng khoán sẽ bảo đảm ngân hàng thương mại tham gia CCP với vai trò là thành viên bù trừ trên thị trường chứng khoán cơ sở là phù hợp thông lệ quốc tế do tiền, chứng khoán không phải chuyển sang công ty chứng khoán, mà chỉ cần chuyển giao vào ngày thanh toán, đáp ứng nguyên tắc chuyển giao chứng khoán đồng thời với thanh toán tiền (DVP). Do đó, khi các ngân hàng lưu ký được làm thành viên bù trừ sẽ đáp ứng tiêu chí bảo đảm an toàn tài sản cho nhà đầu tư nước ngoài, dẫn đến thu hút thêm nhà đầu tư nước ngoài vào thị trường chứng khoán Việt Nam, thuận lợi cho việc triển khai cơ chế CCP là một trong những tiêu chí quan trọng để duy trì xếp hạng thị trường chứng khoán sau khi được nâng hạng, góp phần phát triển thị trường chứng khoán Việt Nam an toàn, hiệu quả, bền vững.
Đồng thời, việc sửa đổi, bổ sung Luật Chứng khoán để ngân hàng thương mại tham gia CCP với vai trò là thành viên bù trừ trên thị trường chứng khoán cơ sở, tạo điều kiện thuận lợi cho việc triển khai cơ chế CCP dẫn đến thu hút thêm nhà đầu tư nước ngoài vào thị trường chứng khoán Việt Nam. Đây cũng là một trong những tiêu chí quan trọng để Hoa Kỳ khi xem xét Việt Nam là quốc gia có nền kinh tế thị trường.