Công ty cổ phần trực tuyến GOSU được biết đến là một trong top 5 nhà phát hành game tại Việt Nam. Trong 10 năm qua, GOSU liên tục mở rộng quy mô. Không chỉ dừng lại ở việc phát hành các game ở cả trong và ngoài nước, mà GOSU còn tự chủ về công nghệ sản xuất, hợp tác quốc tế, tạo ra các sản phẩm mang giá trị toàn cầu. Sau 10 năm hình thành phát triển, GOSU đạt hơn 37 triệu người dùng trong hệ sinh thái, ra mắt được hơn 26 sản phẩm game.
Mặc dù có tiếng trên thị thường phát hành game online nhưng những năm gần đây, tình hình kinh doanh của GOSU không mấy khả quan. Dữ liệu tài chính thể hiện, giai đoạn 2018-2022, GOSU có tới ba năm báo lỗ (2019, 2020, 2022). Năm 2018 GOSU chỉ báo lãi ở mức “cho có” với hơn 500 triệu đồng. Riêng năm 2021, năm đại dịch Covid-19 bùng phát, với việc giãn cách xã hội, người dân có nhiều thời gian ở nhà để chơi game, kết quả kinh doanh của GOSU đã tăng vọt khi báo lãi lên tới 16 tỷ đồng.
Cũng trong năm 2021, doanh thu của GOSU lần đầu tiên vọt qua mốc 200 tỷ đồng, tăng 417% so với doanh thu năm 2018. Sau năm “hoàng kim”, doanh thu của GOSU co lại về mức 145 tỷ trong năm 2022.
Đối chiếu với một số nhà phát hành game online khác như Garena, Funtap hay Gamota, doanh thu của GOSU chưa thực sự nổi bật. Trong nửa thập kỷ vừa qua, tổng doanh thu của doanh nghiệp này chỉ hơn 600 tỷ đồng. Trong khi đó, trong vòng 5 năm, GOSU chỉ có hai năm có lãi với tổng lợi nhuận gần 17 tỷ đồng, ba năm lỗ tổng hơn 7 tỷ đồng.
Về tình hình tài chính, cuối năm 2022, tổng tài sản của GOSU ở mức hơn 170 tỷ đồng, tăng thêm khoảng 140 tỷ đồng so với năm 2018. Cơ cấu tài sản dàn trải khá đều vào tài sản ngắn hạn và tài sản dài hạn. Về chất lượng tài sản, lượng tiền mặt cuối năm 2022 của GOSU chỉ ở mức hơn 9 tỷ đồng, cuối năm 2021 còn hơn 16 tỷ đồng.
Trong cơ cấu nguồn vốn, nợ phải trả của GOSU khi kết thúc năm 2022 đã tăng gấp đôi so với năm 2018 lên mức hơn 26 tỷ đồng. Tuy nhiên, dù hoạt động kinh doanh không mấy khả quan nhưng vốn chủ sở hữu của doanh nghiệp phát hành game này liên tục gia tăng, năm 2018 là 16 tỷ đồng đến năm 2022 lên mức 145 tỷ đồng.
Trước thực trạng kinh doanh nêu trên, dù không “bỏ túi” được bao nhiêu tiền nhưng nhà phát hành game này vẫn mạnh dạn đầu tư chiến lược cho một Startup Việt.
Theo đó, vào tháng 4.2023, giới truyền thông rầm rộ đưa tin về việc GOSU quyết định đầu tư chiến lược vào OplaCRM. OplaCRM được thành lập năm 2022 bởi ông Nam Nguyễn và ba người bạn học cùng Đại học Bách Khoa TP. Hồ Chí Minh. Dù xuất hiện trên thị trường chưa lâu, nhưng OplaCRM đã gây chú ý trong cộng đồng giải pháp chuyển đổi số cho doanh nghiệp. Phần mềm quản lý quan hệ khách hàng “made in Vietnam” này do bản thân nhà sáng lập từng có 15 năm kinh nghiệm làm tư vấn cao cấp về giải pháp CRM cho các hãng công nghệ hàng đầu thế giới như Microsoft, Oracle, Salesforce.
Theo ông Lê Thanh Minh, Chủ tịch HĐQT của GOSU, khoản đầu tư chiến lược mà phía GOSU kỳ vọng rất lớn vào nội lực và cách thức xây dựng, phát triển sản phẩm của đội ngũ OplaCRM.
Với việc vừa trải qua giai đoạn kinh doanh thường xuyên thua lỗ, động thái “bơm tiền” cho Starup Việt khiến giới kinh doanh băn khoăn không hiểu nhà phát hành game GOSU lấy đâu ra tiền để mang đi đầu tư?