Theo Cục Văn thư và Lưu trữ Nhà nước, cuốn sách "Kiến trúc Pháp - Đông Dương, những viên ngọc quý tại Hà Nội" do Trung tâm Lưu trữ Quốc gia I phối hợp với Omega Plus và NXB Mỹ thuật ấn hành.
Là thủ phủ của Đông Dương thời Pháp thuộc, trung tâm quyền lực thuộc địa, Hà Nội có nhiều công trình mang đậm dấu ấn của kiến trúc Pháp - Đông Dương. Đó là những công thự oai vệ như Dinh Toàn quyền, Phủ Thống sứ Bắc Kỳ…; những trường học, viện nghiên cứu như Đại học Đông Dương, Viện Viễn Đông Bác Cổ, Viện Pasteur… hay các công trình dân sự như Bưu điện trung tâm thành phố, Nhà hát Lớn...
Những công trình này cho thấy phần nào diện mạo của đô thị Hà Nội những năm đầu thế kỷ XX, mang nét cổ kính, hài hòa cùng vẻ đẹp hiện đại ngày nay.
“Kiến trúc Pháp - Đông Dương, những viên ngọc quý tại Hà Nội” giới thiệu hàng trăm tài liệu lưu trữ về 37 công trình kiến trúc Pháp - Đông Dương tại Hà Nội. Sách do nhà báo Nguyễn Phúc Tiến (người từng làm một cuốn sách tương tự về Sài Gòn) chủ biên với sự tham gia biên soạn của các viên chức Phòng Phát huy giá trị tài liệu lưu trữ - những người đang làm công tác lưu trữ, đã bảo tồn và khai thác nguồn tư liệu quý giá trong Trung tâm Lưu trữ Quốc gia I.
Tác giả Phúc Tiến cho biết: “Quyển sách này được hình thành trên chủ đích nhằm giới thiệu cái đẹp, thông qua các kiến trúc Pháp - Đông Dương tại Hà Nội. Và chúng tôi gọi đó là những viên ngọc quý, sau đó dẫn dắt du khách du lịch trong từng trang sách".
Theo nhà sử học Dương Trung Quốc, có thể đối tượng khảo tả không mới, vẫn là Nhà hát Lớn, Cầu Doumer, Viện Pasteur, Bảo tàng Louis Finot… nhưng cách khảo tả, lựa chọn ảnh và tư liệu có phần tinh tế hơn… Lại có cả những công trình, mà ngay đến người tự cho là biết nhiều về Hà Nội đến nay mới lần đầu được tiếp cận. Ví như ngôi nhà số 6 Hoàng Diệu, nhiều người biết đó là ngôi nhà Cố Tổng Bí Thư Lê Duẩn sinh thời sống cùng gia đình, thưở đầu là biệt thự của Chánh Sở Mỏ Đông Dương, do hãng tàu Aviat xây dựng vào đầu thập kỷ XX của thế kỷ trước. Hoặc tòa biệt thự 18 Tôn Đản vốn là khu nhà Giám đốc Tài chính Đông Dương… Đương nhiên, nếu mỗi công trình kiến trúc tiêu biểu ấy được ví như một viên ngọc, thì chuỗi ngọc di sản “kiến trúc thuộc địa” của Thủ đô chắc chắn còn dài hơn nữa, cũng có nghĩa là còn dư địa cho nhiều tác giả khác quan tâm và nhiều cuốn sách nữa sẽ ra mắt bạn đọc…