Phát biểu tại phiên thảo luận ở Tổ 8, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội nêu rõ, năm 2021 và 4 tháng đầu năm 2022, trước tình khó khăn chung do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 cũng như diễn biến của thị trường chứng khoán, tiền tệ, bất động sản… đã ảnh hưởng lớn tới quá trình điều hành kinh tế - xã hội của đất nước. Từ tháng 2, xảy ra chiến sự Nga - Ukraine cũng ảnh hưởng rất lớn tới kinh tế thế giới, trong đó có Việt Nam, nhất là giá cả xăng dầu, vật tư, nhiên liệu, trang thiết bị nhất khẩu từ thị trường này cũng như hàng hóa xuất khẩu sang hai thị trường này.
Tuy nhiên, dưới sự lãnh đạo của Đảng, quản lý Nhà nước, điều hành quyết liệt của Chính phủ, sự giám sát, đồng hành của Quốc hội trong việc ban hành nhiều quyết sách kịp thời nhằm tháo gỡ khó khăn cho người dân, doanh nghiệp, tạo điều kiện cho sự chỉ đạo, điều hành linh hoạt của Chính phủ. Nhờ đó, dịch bệnh cơ bản được kiểm soát, kinh tế vĩ mô ổn định, các cân đối lớn của nền kinh tế được bảo đảm. Các ngành, lĩnh vực chủ yếu đều tăng trưởng cao hơn so với cùng kỳ năm trước. Các công việc tồn đọng kéo dài nhiều năm từng bước được giải quyết; các lĩnh vực văn hóa - xã hội, môi trường, quốc phòng - an ninh, đối ngoại… đều đạt hiệu quả tích cực.
"Đây là thành công lớn nhất của toàn Đảng, toàn quân và toàn dân ta. Những kết quả đạt được trong lĩnh vực kinh tế - xã hội đã tạo không khí phấn khởi, góp phần củng cố và tăng cường niềm tin vào sự lãnh đạo của Đảng", Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội khẳng định.
Bên cạnh những kết quả tích cực, báo cáo của Chính phủ cũng nêu rõ những tồn tại, hạn chế, yếu kém. Trong đó, có tình trạng chậm giải ngân vốn đầu tư công, các Chương trình mục tiêu quốc gia, chậm triển khai gói hỗ trợ phục hồi kinh tế - xã hội. "Vừa rồi, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã ký ban hành Nghị quyết về tiếp tục giải ngân trong năm 2022 - 2023 cho thấy, Đảng, Quốc hội, Chính phủ rất quan tâm, nhưng triển khai của các bộ, ngành, địa phương như thế nào để tới đây phân bổ, giải ngân được vốn đầu tư công? Trong 4 tháng đầu năm mới chỉ giải ngân được khoảng 16% - tiền có nhưng tiêu không được là tồn tại rất lớn. Muốn tăng trưởng, thay đổi diện mạo đất nước thì phải đầu tư xây dựng cơ bản", Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội nhấn mạnh.
Thực tế cho thấy, đời sống của một bộ phận người dân ở vùng sâu, vùng xa còn nhiều khó khăn. Công tác quản lý thị trường chứng khoán, phát hành trái phiếu doanh nghiệp, bất động sản... tiềm ẩn quá nhiều rủi ro. Chưa kể còn tình trạng các dự án được giao đất chậm triển khai, gây lãng phí nguồn lực. Thực trạng người lao động không có việc làm rút bảo hiểm xã hội một lần, tình trạng các vụ cháy nổ, bạo hành trẻ em…
Nêu lên một loạt tồn tại, hạn chế, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn đề nghị, thời gian tới, Chính phủ cần quyết liệt chỉ đạo công tác thanh tra, kiểm tra, kiểm toán để phòng, chống tội phạm, vi phạm trong công tác đầu tư, mua sắm công, thu chi ngân sách. Rà soát, thống kê, tổng hợp các dự án đầu tư có sử dụng đất đã quá hạn thực hiện nhưng chưa sử dụng “tới nơi tới chốn”. Kiên quyết không để tình trạng lãng phí, thất thoát kéo dài, gây bức xúc trong Nhân dân.