Hội đồng bồi thường, hỗ trợ tái định cư đường Vành đai 3 đoạn qua TP Hồ Chí Minh trên địa bàn TP Thủ Đức đã tổ chức cuộc họp với những người dân tại phường Trường Thạnh có đất bị thu hồi, nhằm lấy ý kiến người dân về công tác bồi thường giải phóng mặt bằng, hỗ trợ tái định cư.
Tại buổi họp này đa số người dân đều ủng hộ chủ trương thực hiện dự án. Tuy nhiên có nhiều ý kiến, kiến nghị cho rằng mức giá bồi thường chưa hợp lý, cần được xem xét để đảm bảo đời sống người dân được bằng hoặc hơn so với trước khi bị thu hồi đất.
Ông Lê Minh Thắng (cán bộ quân đội về hưu) cho biết, gia đình ông có hơn 3.600m2 đất tại địa chỉ số 200 Nguyễn Xiển (phường Trường Thạnh, TP Thủ Đức) thuộc diện bị thu hồi để phục vụ dự án xây dựng đường Vành đai 3. Trong đó có một phần là đất thổ cư, còn lại đa số là đất trồng cây lâu năm.
“Về đất thổ cư, tôi thấy giá đền bù hơn 73 triệu đồng/m2 là tương đối hợp lý, mặc dù chỉ bằng 80% giá thị trường nhưng gia đình tôi vui vẻ chấp thuận. Tuy nhiên, giá bồi thường đất trồng cây lâu năm của gia đình tôi và các hộ xung quanh thì tôi thấy chưa hợp lý”, ông Thắng chia sẻ.
Theo ông Thắng, khu đất nhà ông nằm ở mặt tiền đường Nguyễn Xiển nhưng chỉ được đền bù hơn 7,6 đồng/m2 đối với đất trồng cây lâu năm. Trong khi đó, hiện nay đất trồng cây lâu năm xung quanh khu vực này đang được giao dịch với giá từ 40-50 triệu đồng/m2. Nếu so sánh giữa giá đền bù đất trồng cây lâu năm và đất thổ cư thì có sự chênh lệch tới gần 10 lần, mặc dù cùng một thửa đất, một tờ bản đồ địa chính.
Ông Thắng cho rằng: “Đường Nguyễn Xiển này kéo dài sang cả địa phận tỉnh Bình Dương, theo tôi được biết, nhiều khu đất trên đường Nguyễn Xiển tại tỉnh Bình Dương cũng thuộc diện giải toả phục vụ dự án đường Vành đai 3. Tuy nhiên theo quyết định số 1322 ngày 22.5.2023 của Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương thì giá đền bù đất nông nghiệp tại khu vực đường Nguyễn Xiển là hơn 16 triệu đồng. So sánh như vậy để thấy giá đền bù đất tại TP Thủ Đức, TP. Hồ Chí Minh lại thấp hơn tỉnh Bình Dương là chưa hợp lý”.
Tương tự như trường hợp của gia đình ông Thắng, ông Bùi Thanh Tuấn và người cháu có 2 mảnh đất ở mặt tiền đường Nguyễn Duy Trinh (phường Trường Thạnh, TP Thủ Đức), nhiều năm nay khu đất này được sử dụng để làm nhà xưởng sản xuất và kinh doanh gạch ốp lát. Ông Tuấn cho biết đây là nguồn thu nhập chính của giá đình ông và tạo công ăn việc làm cho khoảng 30 công nhân.
Để phục vụ dự án đường Vành đai 3, khu nhà xưởng rộng khoảng 1.300m2 của chú cháu ông Tuấn gần như bị giải toả hoàn toàn. Ông Tuấn hoàn toàn ủng hộ việc thu hồi đất để phục vụ dự án nhưng cần xem xét lại mức giá bồi thường cho gia đình ông.
“Hiện mức giá bồi thường được đưa ra đối với khu đất của gia đình tôi chỉ khoảng 7,6 triệu đồng/m2, thấp hơn giá thị trường cả chục lần. Giá đất đền bù cùng trên 1 dự án, cùng trên 1 trục đường nhưng tại tỉnh Bình Dương họ đền bù đất nông nghiệp bằng 50% đất thổ cư, còn đất phi nông nghiệp là bằng 60% đất thổ cư, đất thương mại dịch vụ bằng 80% giá đất thổ cư. Trong khi đó hiện khu vực này đang áp giá đền bù đất nông nghiệp chỉ bằng 10% đất thổ cư là chưa hợp lý.
Chúng tôi kiến nghị sau khi bị giải toả cần đảm bảo cuộc sống cho chúng tôi bằng hoặc hơn trước khi bị giải toả như chủ trương của nhà nước, đó là nguyện vọng duy nhất”, ông Tuấn thông tin.
Tuyến đường Vành đai 3 trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh dài khoảng 47,51km, đi qua 4 địa phương gồm TP Thủ Đức, huyện Củ Chi, huyện Hóc Môn và huyện Bình Chánh. Diện tích đất phục vụ dự án là 410ha với 1.738 hộ dân bị ảnh hưởng; dự toán chi phí bồi thường, hỗ trợ tái định cư khoảng 18.906 tỷ đồng. Trong đó, TP Thủ Đức có diện tích đất bị thu hồi gần 100ha, thuộc 4 phường (Long Trường, Trường Thạnh, Long Thạnh Mỹ và Long Bình), với khoảng 555 trường hợp bị ảnh hưởng. Riêng phường Trường Thạnh có 141 hộ dân có đất bị thu hồi.