Báo cáo của Sở Tài nguyên và Môi trường cho thấy, thời gian qua, công tác quản lý Nhà nước về đất đai trên địa bàn tỉnh đã có những chuyển biến tích cực, hệ thống quản lý nhà nước về đất đai được kiện toàn ở cả 3 cấp: tỉnh, huyện, xã.
Công tác quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất cấp tỉnh, cấp huyện được tập trung thực hiện trên cơ sở phù hợp với chỉ tiêu được Chính phủ phân bổ. Công tác cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất được chú trọng, từ tháng 7.2014 đến tháng 9.2022 toàn tỉnh đã cấp đổi, cấp lại hơn 213.000 giấy chứng nhận, bảo đảm thực hiện các quyền của người sử dụng đất cho tổ chức, hộ gia đình, cá nhân trên địa bàn. Việc đo đạc, lập bản đồ địa chính mới được thực hiện cho 41 xã, thị trấn; xây dựng cơ sở dữ liệu đất đai cho 59 xã, phường, thị trấn.
Từ năm 2014 đến nay, Sở đã tham mưu UBND tỉnh ban hành quyết định giao đất, cho thuê đất, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất cho 723 dự án; thu hồi gần 800 ha đất để phục vụ mục đích quốc phòng, an ninh, phát triển kinh tế xã hội vì lợi ích quốc gia, lợi ích công cộng; thu hồi gần 600 ha đất từ các dự án sử dụng đất không hiệu quả; bồi thường, hỗ trợ tái định cư cho người dân khi Nhà nước thu hồi đất với số tiền khoảng 90 tỷ đồng.
Bên cạnh đó, Sở xem xét, rà soát, xác minh và tham mưu cho UBND tỉnh giải quyết 48 vụ việc khiếu nại, 4 vụ việc tố cáo, xử phạt 11 vụ việc vi phạm hành chính về đất đai. Ngoài ra, công tác đấu giá quyền sử dụng đất; việc quản lý, bảo vệ khai thác, sử dụng đất lâm nghiệp; chính sách tài chính về đất đai, giá đất... tiếp tục được quan tâm; việc cải cách các thủ tục hành chính trong quản lý sử dụng đất được đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, việc tiếp nhận, giải quyết, trả hồ sơ thủ tục hành chính lĩnh vực đất đai được thông suốt, đảm bảo đúng thời gian quy định.
Tại buổi làm việc, các đại biểu cũng thảo luận, làm rõ những khó khăn, vướng mắc trong các quy định pháp luật về đất đai: việc thu hồi, bồi thường, giải phóng mặt bằng, nhất là tại các dự án đầu tư, phát triển kinh tế và dự án phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng; việc giao đất, cho thuê đất, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất tại một số khu công nghiệp; chính sách tài chính về đất đai như khung giá đất của Chính phủ không theo kịp giá đất trên thị trường, quy định về xác định giá đất còn chồng chéo; các mâu thuẫn giữa Luật Đất đai với Luật Lâm nghiệp, Luật Đầu tư, Luật Đấu thầu...
Từ những tồn tại, hạn chế nêu trên, Sở Tài nguyên và Môi trường kiến nghị, đề xuất 9 nhóm nội dung liên quan đến lĩnh vực đất đai như: Cần quy định quy hoạch sử dụng đất 3 cấp (quốc gia, cấp tỉnh và cấp huyện); bổ sung các quy định cụ thể về trình tự thủ tục giao đất, cho thuê đất đối với trường hợp nhà đầu tư được lựa chọn thực hiện dự án có sử dụng đất thông qua hình thức đấu thầu dự án; quy định cụ thể cách xác định thời hạn sử dụng đất của doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài khi nhận chuyển nhượng vốn đầu tư của dự án là giá trị quyền sử dụng đất; bổ sung quy định việc cưỡng chế thu hồi đất do vi phạm pháp luật đất đai; quy định chế độ quản lý đất nông nghiệp theo các đặc tính chất lượng của từng loại đất...
Thay mặt đoàn khảo sát, Phó trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Ninh Bình Trần Thị Hồng Thanh đã tiếp thu và cho biết sẽ tổng hợp các ý kiến để kiến nghị với Quốc hội theo thẩm quyền.
Trước đó, Đoàn cũng tiến hành khảo sát việc thi hành Luật Đất đai trên địa bàn các huyện Hoa Lư, Yên Khánh. Tại đây, các thành viên Đoàn giám sát đề nghị tiếp tục công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về đất đai và kiện toàn bộ máy thực hiện công tác quản lý đất đai bảo đảm theo hướng hiện đại. Đồng thời, đề nghị quy định về giá đền bù đất tại thời điểm GPMB; điều chỉnh về nhiệm vụ GPMB theo hướng công tác bồi thường GPMB giao toàn bộ cho cơ quan phát triển quỹ đất để khắc phục sự chồng chéo giữa việc lập, thẩm định phương án bồi thường GPMB, góp phần phát huy được vai trò của tổ chức phát triển quỹ đất trong việc tạo lập quỹ đất.
Mặt khác, cần mở rộng đối tượng được giao đất tái định cư đối với trường hợp quy định tại khoản 2, điều 79 Luật Đất đai năm 2013; điều chỉnh cho phép người không trực tiếp sản xuất nông nghiệp được nhận tặng, cho quyền sử dụng đất trồng lúa theo tiêu chuẩn mà người được sử dụng đất trước đây được giao theo Nghị định 64-CP của Chính phủ.