Gặp khó vì thủ tục
Cục Thuế tỉnh Quảng Ninh vừa có Báo cáo số 6301/CTQNI-KK gửi UBND tỉnh liên quan việc hoàn thuế.
Báo cáo cho biết, thực hiện Công điện số 470/CĐTTg ngày 26.5.2023 của Thủ tướng Chính phủ, Công văn số 5427/BTC-CP ngày 26.5.2023 của Bộ Tài chính và Công văn số 2099/TCT-KK ngày 26.5.2023 của Tổng cục Thuế, ngày 29.5, Cục Thuế tỉnh Quảng Ninh có Công văn gửi đến các đơn vị liên quan, đồng thời phân công việc tham mưu giải quyết hoàn thuế theo đúng quy định.
Ngày 2.6.2023, Cục Thuế đã tổ chức đối thoại với Chi hội Dăm gỗ Việt Nam và 9 doanh nghiệp đang có vướng mắc về hoàn thuế, trong đó 88 doanh nghiệp đang có hồ sơ hoàn thuế và 1 doanh nghiệp có số tiền thuế được khấu trừ lớn.
Thông qua đối thoại cho thấy, công tác xác minh nguồn gốc dăm gỗ hiện gặp một số khó khăn, vướng mắc.
Cụ thể, các doanh nghiệp Fl đa phần là doanh nghiệp ở khâu thương mại, vì vậy cần tiếp tục xác minh thông tin các F2, F3... (theo chỉ đạo của Tổng cục Thuế tại Công văn số 633/TCT-TTKT ngày 7.3.2022), trong khi nhiều F là doanh nghiệp ngoài tỉnh.
Bên cạnh đó, một số doanh nghiệp đã tạm ngừng kinh doanh, không còn hoạt động dẫn đến mất nhiều thời gian trong khâu xác minh đến người dân, hộ gia đình trồng rừng. Một số cơ quan thuế phối hợp xác minh còn chậm, chưa trả kết quả xác minh đến nguồn gốc người dân, dẫn đến một số hồ sơ hoàn thuế phải tạm dừng để đợi kết quả xác minh nguồ gốc, Cục Thuế tỉnh Quảng Ninh cho biết.
Thực tế, các doanh nghiệp ngành gỗ đã nhiều lần kiến nghị giải pháp tháo gỡ khó khăn trong hoàn thuế, nguyên nhân chính là do vướng quy định.
Theo đại diện Chi hội Dăm gỗ Việt Nam, trong hồ sơ để xác minh nguồn gốc hợp pháp khi hoàn thuế, cơ quan thuế yêu cầu ngoài hồ sơ theo quy định của Thông tư 27/2018/TT-BNNPTNT quy định về quản lý, truy xuất nguồn gốc lâm sản, chủ rừng phải cung cấp sổ đỏ diện tích khai thác; chứng minh thư nhân dân của chủ sở hữu; đơn xin khai thác được chính quyền địa phương xác nhận... Tuy nhiên, thực tế, một số diện tích rừng thiếu các bằng chứng pháp lý về nguồn gốc đất đai (không có sổ đỏ, tranh chấp…).
Số liệu của Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam cho biết, cả nước có khoảng 2 triệu hecta rừng trồng của hơn 1 triệu hộ gia đình quản lý, trong đó có khoảng hơn 60% chưa được cấp sổ đỏ. Như vậy, mặc dù gỗ rừng trồng của người dân là hợp pháp nhưng do không có sổ đỏ nên sẽ không được hoàn thuế.
Không cần xác minh đến tận người trồng rừng
Hiện, số tiền chưa được hoàn thuế của doanh nghiệp ngành gỗ rất lớn. Có những doanh nghiệp số tiền này lên tới hàng trăm tỷ đồng, ảnh hưởng trực tiếp tới hoạt động sản xuất kinh doanh.
Để tháo gỡ vấn đề này, ngày 26.5.2023, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Công điện số 470/CĐ-TTg, trong đó yêu cầu Bộ Tài chính kiểm tra, đánh giá, đôn đốc Tổng cục Thuế thực hiện ngay việc hướng dẫn các hồ sơ xem xét xin hoàn thuế một cách nhanh chóng, kịp thời, hiệu quả. chỉ đạo Tổng cục Thuế đẩy nhanh hoàn thuế cho doanh nghiệp. Bộ Tài chính, Tổng cục Thuế cũng đã liên tiếp có công văn yêu cầu các đơn vị liên quan nhanh chóng triển khai.
Theo các doanh nghiệp, vấn đề mấu chốt là phải sớm tháo gỡ từ những quy định bất cập hiện nay.
Trên cơ sở kiến nghị của doanh nghiệp, ông Mai Chiến Thắng, Phó Cục trưởng Cục Thuế tỉnh Quảng Ninh đề nghị Tổng cục Thuế xem xét, giải quyết hai vấn đề.
Thứ nhất, xem xét, nghiên cứu sửa đổi bổ sung nội dung Công văn số 633/TCT-TTKT, trong đó đề nghị việc xác minh nguồn gốc dăm gỗ đến khâu doanh nghiệp trực tiếp thu mua của hộ cá nhân, gia đình trồng rừng là đủ điều kiện đề giải quyết hoàn thuế (không thực hiện xác minh các cá nhân, hộ kinh doanh trồng rừng). Lý do là sản phẩm dăm gỗ bắt đầu chịu thuế ở khâu kinh doanh thương mại, còn ở khâu người dân tự sản xuất bán ra không chịu thuế.
Thứ hai, về lâu dài, Tổng cục Thuế nghiên cứu xem xét, báo cáo Bộ Tài chính, Chính phủ xác định mặt hàng dăm gỗ thuộc nhớm đối tượng không chịu thuế (là sản phẩm trồng trọt chỉ sơ chế thông thường, chưa chế biến thành sản phẩm khác), phù hợp với quy định tại Điều 5 Luật Thuế giá trị gia tăng số 13/2008/QH12, được sửa đổi bổ sung tại Điều 1, Luật số 106/2016/QH13.
Các doanh nghiệp tin tưởng, khi tháo gỡ được hai vấn đề trên sẽ đẩy nhanh quá trình hoàn thuế, giúp doanh nghiệp có nguồn vốn phục vụ sản xuất, kinh doanh.