Nhiều sự kiện hấp dẫn cuối năm
Lãnh đạo Sở Du lịch Kiên Giang thông tin, hiện ngành du lịch chỉ đạo các hiệp hội du lịch, hiệp hội đầu bếp và các doanh nghiệp du lịch tổ chức các hoạt động, sự kiện gắn với tết dương lịch dành cho du khách, nhất là khách quốc tế đến Kiên Giang tham quan, du lịch kết hợp vui chơi và đón năm mới. Sẽ có chuỗi các sự kiện đặc sắc diễn ra tại TP. Phú Quốc như chương trình đại nhạc hội quốc tế 8Wonder Winter Festival; trình diễn, giải trí, pháo hoa gắn với sự kiện Countdown đón mừng năm mới phục vụ du khách và người dân.
TP. Hà Tiên tổ chức sự kiện lễ hội Tao đàn Chiêu Anh Các. Huyện Hòn Đất tổ chức các hoạt động kỷ niệm ngày hy sinh Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân Phan Thị Ràng… Kiên Giang sẽ tổ chức các hoạt động, sự kiện, chương trình nghệ thuật gắn với lễ hội pháo hoa đón giao thừa dịp Tết Nguyên đán Giáp Thìn tại TP. Rạch Giá và các địa phương vùng du lịch trọng điểm. Đây sẽ là điểm nhấn đặc biệt để phục vụ người dân và du khách.
Đặc biệt, tại TP Phú Quốc, ngành du lịch đã phối hợp với UBND TP. Phú Quốc, Hội Đầu tư phát triển du lịch Phú Quốc và cộng đồng doanh nghiệp tại Phú Quốc tập trung triển khai nhiều nhiệm vụ, giải pháp với chuỗi các hoạt động, sự kiện thu hút khách du lịch.
Theo đó, từ nay đến Tết Nguyên đán Giáp Thìn, Phú Quốc sẽ tập trung tổ chức các hoạt động, sự kiện sau: Chuỗi hoạt động truyền thông và xúc tiến quảng bá du lịch Phú Quốc với thông điệp “Tôi yêu Phú Quốc - I love Phu Quoc”. Truyền thông về mùa vàng Phú Quốc nhằm quảng bá vẻ đẹp của thiên nhiên, thu hút du khách đến trải nghiệm trong mùa đẹp nhất năm trên các phương tiện truyền thông, báo chí trong nước và quốc tế.
Tổ chức “Ngày Phú Quốc” lan tỏa đến các thị trường trọng điểm trong nước như các thành phố Hà Nội, Đà Nẵng, thành phố Hồ Chí Minh; tổ chức hội chợ chủ đề gặp gỡ các đại lý du lịch, KOL, triển lãm, trại nghệ thuật...
Xây dựng website www.visitPhuQuoc.com.vn kết nối với các trang thông tin điện tử, các kênh truyền thông chính thống của Kiên Giang. Gửi tin nhắn Zalo/sms chào mừng khi du khách đến với Phú Quốc. Kết nối đến landing page www.visitPhuQuoc.com.vn để khách truy cập, lấy thông tin tra cứu trải nghiệm khi tới với Phú Quốc.
Xây dựng và triển khai hệ thống nhận diện chung chiến dịch “Tôi yêu Phú Quốc - I love Phu Quoc” trên toàn thành phố. Quảng bá bộ nhận diện riêng của các chương trình kinh doanh, marketing của doanh nghiệp.
Truyền thông quốc tế về điểm đến Phú Quốc. Quảng bá vẻ đẹp, trải nghiệm Phú Quốc trên phương tiện truyền thông với thị trường trọng điểm Hàn Quốc, Thái Lan, Ấn Độ và một số nước khác. Tổ chức đón đoàn TikToker quốc tế, tổ chức đoàn fesstrip cho phóng viên quốc tế thường trú tại Việt Nam.
“Countdown 2024” đón năm mới. Tổ chức đại nhạc hội quốc tế 8 Wonder Winter Festival với sự góp mặt của một trong những ban nhạc được yêu thích nhất thế kỷ 21 - Maroon 5. Tổ chức sự kiện định kỳ “Ngày xanh Phú Quốc”.
Ông Bùi Quốc Thái – Giám đốc Sở Du lịch Kiên Giang, chia sẻ: “Ngành du lịch sẽ tăng cường công tác quản lý nhà nước về du lịch; trong đó tập trung tuyên truyền, phổ biến pháp luật về kinh doanh du lịch và các quy định của pháp luật khác có liên quan đến hoạt động du lịch để các tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động du lịch. Củng cố, kiện toàn tổ kiểm tra liên ngành giám sát, kiểm soát chất lượng và giá cả dịch vụ du lịch Phú Quốc”.
Đặt mục tiêu đón 9,2 triệu lượt khách năm 2024
Theo Sở Du lịch Kiên Giang, trong năm 2024, ngành du lịch tỉnh đặt mục tiêu đón 9,2 triệu lượt khách đến tham quan, du lịch; trong đó có 680.000 lượt khách quốc tế, tổng thu từ du lịch đạt 20.000 tỷ đồng.
Để đạt được các chỉ tiêu đề ra, ngành du lịch cùng các ngành, các cấp, địa phương và cộng đồng doanh nghiệp triển khai đồng bộ nhiều nhiệm vụ, giải pháp; trong đó tập trung vào các nội dung chủ yếu như sau:
Một là, xây dựng sản phẩm, dịch vụ hấp dẫn du khách: Khuyến khích, kêu gọi cộng đồng doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân kinh doanh dịch vụ du lịch củng cố, làm mới các loại hình, sản phẩm, dịch vụ du lịch hiện có. Nghiên cứu xây dựng các sản phẩm dịch vụ mới đa dạng, độc đáo trên cơ sở tiềm năng, lợi thế, gắn với phát huy giá trị di sản và bản sắc văn hóa dân tộc như du lịch nghỉ dưỡng biển, đảo, du lịch văn hóa, lịch sử, du lịch sinh thái, du lịch nông nghiệp, nông thôn, du lịch MICE, du lịch golf, du lịch đám cưới…
Hai là, truyền thông, xúc tiến quảng bá du lịch: Tăng cường truyền thông, xúc tiến quảng bá du lịch, đổi mới phương thức, công cụ, ứng dụng công nghệ số trong xúc tiến du lịch; tổ chức xúc tiến có trọng tâm, trọng điểm, phù hợp định hướng phát triển sản phẩm, thương hiệu du lịch trên cơ sở kết quả nghiên cứu, dự báo. Xác định lại thị trường nguồn, thị trường mục tiêu, thị trường tiềm năng trong và ngoài nước để tập trung xúc tiến, quảng bá có trọng tâm, trọng điểm.
Ba là, về liên kết vùng: Tiếp tục triển khai các chương trình liên kết, hợp tác phát triển du lịch với các địa phương cụm phía tây khu vực đồng bằng sông Cửu Long với vai trò cụm trưởng, chương trình liên kết giữa 13 tỉnh, thành phố đồng bằng sông Cửu Long với TP. Hồ Chí Minh. Xem xét liên kết, hợp tác với các tỉnh, thành phố khu vực Tây Bắc, miền Trung, Tây Nguyên và cả liên kết hợp tác ở nước ngoài.
Bốn là, đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực du lịch: Tổ chức các khóa đào tạo, bồi dưỡng về chuyên môn, nghiệp vụ cho người lao động trực tiếp phục vụ khách du lịch đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của du khách trong tình hình mới và hội nhập quốc tế. Tổ chức điều tra, phân loại trình độ nghiệp vụ của người lao động hiện đang làm việc trong ngành du lịch. Tranh thủ sự tham gia của các chuyên gia tư vấn và nhân sự cấp cao trong hoạt động đào tạo thông qua việc đề nghị tư vấn, mời góp ý cho các nội dung chương trình đào tạo, tập huấn, bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ. Hỗ trợ các doanh nghiệp, cơ sở đào tạo trong việc đào tạo phát triển nguồn nhân lực du lịch, tổ chức đào tạo, bồi dưỡng kiến thức cho cộng đồng tham gia phục vụ du lịch.
Năm là, về quy hoạch: Tiếp tục hoàn thiện quy hoạch chi tiết và đầu tư hạ tầng phục vụ phát triển du lịch, đặc biệt tại các vùng du lịch trọng điểm. Tập trung huy động nguồn vốn đầu tư kết cấu hạ tầng đồng bộ, từng bước hiện đại cho 4 vùng du lịch trọng điểm của tỉnh, chú trọng hạ tầng về giao thông, vận tải cả đường bộ, đường biển và đường hàng không.
Sáu là, chủ trì, phối hợp với các đơn vị có liên quan tham mưu UBND tỉnh xây dựng và trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đề án phát triển TP. Phú Quốc thành trung tâm dịch vụ du lịch sinh thái chất lượng cao, du lịch biển đảo tầm cỡ quốc gia và quốc tế.
Bảy là, quản lý nhà nước về du lịch: Tăng cường công tác quản lý nhà nước về du lịch, bảo đảm an ninh, an toàn cho du khách, tạo môi trường đầu tư kinh doanh du lịch thuận lợi, thông thoáng cho các nhà đầu tư và các doanh nghiệp du lịch hoạt động kinh doanh. Phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan cải tiến mạnh mẽ quy trình kiểm soát thủ tục xuất, nhập cảnh, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho khách du lịch quốc tế đến tham quan, du lịch. Đảm bảo vệ sinh môi trường, vệ sinh, an toàn thực phẩm, vệ sinh, an toàn phòng dịch trên địa bàn quản lý. Quản lý chặt chẽ về giá cả dịch vụ du lịch, yêu cầu các đơn vị kinh doanh dịch vụ phải niêm yết giá.