Nâng cao năng lực, chất lượng hoạt động của các trung tâm kiểm nghiệm
Các ĐBQH thống nhất cao với sự cần thiết sửa đổi, bổ sung Luật Dược nhằm thể chế hóa kịp thời, đầy đủ chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước về lĩnh vực dược; bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ trong hệ thống pháp luật hiện hành, giải quyết kịp thời các khó khăn, vướng mắc, bất cập nhằm cung ứng thuốc kịp thời, có chất lượng cho Nhân dân; đổi mới mạnh mẽ quy trình thủ tục hành chính, đẩy mạnh phân cấp, phân quyền gắn với tăng cường trách nhiệm của các đơn vị.
Về xử lý các mẫu thuốc vi phạm chất lượng, tại khoản 29 Điều 1 dự thảo Luật đã sửa đổi, bổ sung một số khoản của Điều 65 Luật Dược hiện hành. Tán thành cao với quy định này, ĐBQH Dương Tấn Quân (Bà Rịa – Vũng Tàu) nêu rõ, theo quy định khoản 1 Điều 65 Luật Dược, các mẫu thuốc vi phạm chất lượng ở tất cả các mức độ đều được báo cáo kết quả về Bộ Y tế để xử lý và ra quyết định thu hồi. Quy định này giúp Bộ Y tế nắm được tổng thể việc vi phạm chất lượng trong cả nước.
Mặc dù vậy, quy định này yêu cầu Bộ Y tế phải tiến hành xử lý số lượng báo cáo rất lớn và trong thời gian rất ngắn (trong vòng 24 giờ kể từ khi báo cáo của các trung tâm kiểm nghiệm của các tỉnh, thành phố gửi đến), dẫn đến quá tải cho Bộ Y tế, một số trường hợp không được xử lý kịp theo thời gian quy định khiến chậm thu hồi thuốc vi phạm chất lượng trên địa bàn.
Mặt khác, việc ban hành, thu hồi thuốc thuộc trách nhiệm của Bộ Y tế nhưng trách nhiệm kiểm tra, giám sát, lấy mẫu kiểm tra, xử lý vi phạm của các cơ sở vi phạm trên địa bàn vẫn thuộc trách nhiệm của Sở Y tế tỉnh, thành phố. Vì thế, nhất trí việc phân cấp, phân quyền cho địa phương là cần thiết và phù hợp với thực tiễn, song đại biểu Dương Tấn Quân cũng đề nghị Bộ Y tế cần tiến hành kiểm tra, đánh giá, có giải pháp nâng cao năng lực, chất lượng hoạt động của các trung tâm kiểm nghiệm tại các tỉnh để bảo đảm tính khả thi khi thực hiện Luật.
Chỉ nên kinh doanh qua thương mại điện tử với những thuốc không cần kê đơn
Dự thảo Luật cũng bổ sung quy định về các quyền của cơ sở kinh doanh dược đối với trường hợp có kinh doanh theo phương thức thương mại điện tử trên sàn giao dịch thương mại điện tử, ứng dụng thương mại điện tử bán hàng.
ĐBQH Nguyễn Hoàng Uyên (Long An) cho rằng, việc sửa đổi, bổ sung một số điểm của Điều 32 về kinh doanh được, nguyên liệu làm thuốc bao gồm cả hoạt động kinh doanh thuốc, nguyên liệu làm thuốc theo phương thức điện tử là phù hợp với tình hình thực tế bởi thời đại hiện nay là thời đại công nghệ thông tin phát triển, giao dịch trên nền tảng điện tử ngày càng trở nên phổ biến.
Tuy nhiên, đại biểu Nguyễn Hoàng Uyên cũng nhấn mạnh, thuốc là mặt hàng đặc biệt, liên quan trực tiếp đến tính mạng, sức khỏe của người sử dụng. Đại đa số người dân có những triệu chứng bệnh lý thông thường như: nhức đầu, đầy hơi, đau bụng, mẩn đỏ... thường tự ý mua thuốc điều trị rất dễ dàng và thuận lợi mà không phải đến cơ sở y tế khám bệnh, chữa bệnh hay cần có đơn thuốc của bác sĩ. Do đó, đại biểu đề nghị, cần có cơ chế quản lý hiệu quả hơn trong việc mua và bán thuốc, nghiên cứu cân nhắc có những quy định chi tiết về danh mục thuốc, hình thức kinh doanh, đối tượng được phép mua hoặc bán thuốc theo hình thức thương mại điện tử; đồng thời phải giới hạn đối tượng mua, bán để tạo sự minh bạch của quy định và tránh rủi ro phát sinh nhằm bảo vệ người sử dụng được an toàn.
Nhấn mạnh, đây là nội dung được cử tri và Nhân dân quan tâm cũng như nhiều ý kiến băn khoăn, ĐBQH Nguyễn Anh Trí (Hà Nội) nêu thực tế, việc mua hàng qua mạng nói chung ở nước ta chưa bảo đảm, rất hay mua phải hàng hóa kém chất lượng. Nhưng ở khía cạnh khác, bán hàng qua mạng thực sự là xu hướng lớn của cả thế giới; nếu hàng bán qua mạng bảo đảm tốt, thật và chuẩn thì cũng mang lại lợi ích cho người cần dùng, cho xã hội.
Vì vậy, đại biểu Nguyễn Anh Trí cho rằng, cần quy định sao cho người bán “không làm được điều xấu, điều sai, không giả dối” và quan điểm này phải xuyên suốt từ khâu quảng bá, giới thiệu, địa điểm, giao hàng, giá cả, đổi thuốc khi không như chất lượng quảng cáo... Các chế tài cũng phải đủ mạnh, đủ nặng, quy định chặt chẽ và đầy đủ hơn so với kinh doanh qua mạng các loại hàng hóa khác. Đồng thời, cần lưu ý, chỉ có các nhà thuốc có tên tuổi uy tín, địa chỉ và người chủ đứng tên rõ ràng, có chuyên gia tư vấn; đội ngũ người giao hàng phải đăng kí và có đầu mối liên hệ khi cần thì mới được phép bán thuốc qua mạng.
Nhất trí với quan điểm trên, ĐBQH Nguyễn Thị Huế (Bắc Kạn) chỉ rõ, kinh doanh thuốc nói chung và kinh doanh thuốc bằng phương thức thương mại điện tử nói riêng cần phải được kiểm soát chặt chẽ; cần thiết phải quy định rõ ràng, cụ thể hơn về đối tượng được tham gia mua bán, những loại thuốc được phép kinh doanh qua thương mại điện tử; quy trình giao thuốc đến khách hàng; truy xuất nguồn gốc...
Cùng với đó, theo đại biểu Nguyễn Thị Huế, cần có biện pháp bảo mật thông tin người mua; giá cả hợp lý, bảo đảm quyền lợi của người tiêu dùng; nếu quy định việc bán lẻ thuốc qua thương mại điện tử thì chỉ nên áp dụng với những loại thuốc không cần bác sĩ kê đơn.