Phục hồi chưa bền vững
Trong Báo cáo “Triển vọng kinh tế Việt Nam 2024” vừa công bố, Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR) tập trung đánh giá những điểm sáng của nền kinh tế.
Trong đó, đáng chú ý là sự phục hồi của xuất nhập khẩu và đầu tư nước ngoài. Việt Nam duy trì thặng dư thương mại 8 năm liên tiếp, với kim ngạch xuất nhập khẩu 4 tháng đầu năm nay đạt 238,8 tỷ USD, tăng 15,2% so với cùng kỳ năm trước.
Thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) cũng là một điểm sáng đóng góp vào kết quả tích cực của kinh tế 4 tháng qua, tạo khởi đầu thuận lợi. Trong 4 tháng, thu hút FDI ước đạt gần 9,27 tỷ USD, tăng 4,5% so với cùng kỳ năm trước; vốn thực hiện ước đạt 6,28 tỷ USD, tăng 7,4% - đây là số vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài thực hiện cao nhất so với cùng kỳ trong 5 năm qua. Bên cạnh đó, công nghiệp xây dựng có nhiều dấu hiệu cải thiện, khi tăng trưởng 6,28%, đóng góp 41,68% vào mức tăng tổng giá trị tăng thêm của toàn nền kinh tế trong quý I.2024.
Tuy nhiên, VEPR cũng cho rằng, vẫn còn những yếu tố khiến phục hồi kinh tế chưa thực sự bền vững. Quý I.2024, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tăng 8,2%, tuy nhiên so với quý IV.2023, thì lại trên đà giảm. Số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường cao gấp 1,5 lần số doanh nghiệp thành lập mới. Chưa kể, tăng trưởng tín dụng thấp nhất trong 10 năm qua, cho thấy cần tiếp tục có các biện pháp mạnh mẽ để hỗ trợ doanh nghiệp. Một số yếu tố rủi ro cho ổn định kinh tế vĩ mô cũng được VEPR chỉ ra, đó là tỷ giá, giá vàng và "bong bóng" tài sản có thể tăng áp lực lạm phát trong năm nay.
Tăng tốc giải ngân đầu tư công, giảm gánh nặng cho doanh nghiệp
Trước những khó khăn này, VEPR cho rằng nếu như không có những yếu tố bất ngờ thì hầu như kết quả tăng trưởng cuối năm sẽ ở mức trung bình thấp của các dự báo tăng trưởng của các tổ chức quốc tế lớn, tức khoảng 5,5 - 6%.
Liên quan đến diễn biến của thị trường vàng, theo GS.TS. Hoàng Văn Cường, Ủy viên Ủy ban Tài chính - Ngân sách, có một nghịch lý là khi Ngân hàng Nhà nước tổ chức đấu thầu vàng miếng thì giá vàng lại tăng vọt. Từ đó cho thấy giải pháp đấu thầu không đạt mục tiêu hạ nhiệt giá vàng trong nước, thậm chí còn là tác nhân đẩy giá vàng lên cao hơn.
Theo vị chuyên gia này, việc lấy giá thị trường trong nước làm giá tham chiếu cho các phiên đấu thầu chưa phù hợp, khó kéo giá vàng trong nước đi xuống. Để đấu thầu đạt mục tiêu, Ngân hàng Nhà nước cần nghiên cứu, lấy giá vàng thế giới cộng với các loại thuế, chi phí cho ra giá tham chiếu.
Tuy nhiên, để đạt được mục tiêu này, thời gian tới cần những giải pháp tổng thể để kích cầu tăng trưởng. Ưu tiên hàng đầu, theo VEPR, là bảo đảm an sinh xã hội, giữ ổn định môi trường kinh tế vĩ mô, giảm gánh nặng cho các doanh nghiệp phải tạm dừng hoạt động và hỗ trợ các doanh nghiệp còn hoạt động. Đồng thời, tăng cường giải ngân đầu tư công, bảo đảm đúng tiến độ và tập trung vào các dự án cơ sở hạ tầng quan trọng để tạo ra một nền tảng vững chắc và nâng cao khả năng cạnh tranh của nền kinh tế.
Ngoài ra, cần ưu tiên cải cách nhằm tháo gỡ khó khăn, giảm gánh nặng cho các doanh nghiệp, tạo dựng niềm tin vào môi trường đầu tư để khuyến khích doanh nghiệp quay lại thị trường và mở rộng quy mô. Các chính sách hỗ trợ đặc biệt cho doanh nghiệp cần cụ thể và khả thi như chính sách hỗ trợ xuất khẩu khá thành công. Về lâu dài, các chính sách tổng thể nhằm nâng cao năng suất lao động, năng lực cạnh tranh của ngành, doanh nghiệp và sức cạnh tranh của nền kinh tế là điều kiện tiên quyết để thúc đẩy và nâng tầm chất lượng tăng trưởng, Phó viện trưởng VEPR Nguyễn Quốc Việt nói.
Đáng lưu ý, do động lực tiêu dùng nội địa còn yếu, các chuyên gia cho rằng, cần tiếp tục giảm thuế VAT trong năm 2024 và cân nhắc mở rộng đối tượng áp dụng. Bên cạnh đó, cần có thêm chương trình và chính sách kích cầu tiêu dùng cụ thể theo hướng hỗ trợ trực tiếp người tiêu dùng thanh toán chi phí mua sản phẩm/dịch vụ, nhất là để định hướng tiêu dùng theo các xu hướng tiêu dùng xanh, sạch, bảo vệ môi trường, góp phần thực hiện cam kết Net Zero vào năm 2050.