Vùng đất có nhiều tiềm năng lợi thế
Miền Tây Nghệ An có diện tích tự nhiên hơn 13.728,97 km2, chiếm 83,3% diện tích toàn tỉnh; có 11 đơn vị hành chính cấp huyện, với 211 đơn vị hành chính cấp xã, trong đó có 27 xã biên giới với hơn 468 km đường biên với nước bạn Lào. Với 4 đường quốc lộ nối hành lang kinh tế Đông - Tây và đường Hồ Chí Minh, tạo thuận lợi trong giao thông với Lào, vùng Đông Bắc Thái Lan và các nước trong khu vực.
Dân số toàn vùng 1,237 triệu người, chiếm 36,28% dân số toàn tỉnh. Trong đó, đồng bào dân tộc thiểu số có 41 vạn người, chiếm 38,4% dân số toàn miền Tây, gồm nhiều dân tộc chung sống như Thái, Thổ, Khơ Mú, Mông, Đan Lai, Ơ Đu, Kinh...
Đây là địa bàn chiến lược đặc biệt quan trọng về kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh và đối ngoại của tỉnh Nghệ An, khu vực Bắc Trung bộ và cả nước; có tiềm năng và lợi thế phát triển về nông nghiệp, lâm nghiệp, thủy điện, khai khoáng, du lịch và phát triển kinh tế cửa khẩu.
Miền Tây Nghệ An cũng là nơi có khu dự trữ sinh quyển lớn nhất Việt Nam và Đông Nam Á, có giá trị về khoa học, môi trường, văn hóa, nhân văn và lịch sử, được UNESCO công nhận là Khu dự trữ sinh quyển thế giới.
Thay mặt Ban tổ chức, phát biểu khai mạc tọa đàm “Tiềm năng, lợi thế và định hướng chiến lược phát triển kinh tế - xã hội miền Tây Nghệ An”, Bí thư Tỉnh ủy Nghệ An Thái Thanh Quý nhấn mạnh: Diễn đàn hết sức có ý nghĩa nhằm cụ thể hóa một trong những nhiệm vụ quan trọng trong thực hiện Nghị quyết số 39 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển tỉnh Nghệ An đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 và Quyết định của Thủ tướng Phê duyệt Quy hoạch tỉnh Nghệ An giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.
“Tọa đàm hôm nay là cơ hội rất quan trọng để bàn luận, trao đổi, đánh giá, phân tích sâu, cụ thể những vấn đề trọng tâm, cốt lõi để giúp miền Tây Nghệ An phát triển bền vững theo định hướng”, Bí thư Tỉnh ủy Nghệ An khẳng định và cho biết: Ban tổ chức tọa đàm rất mong nhận được nhiều ý kiến tâm huyết, thẳng thắn của các vị đại biểu, các nhà khoa học, các nhà quản lý, doanh nhân, doanh nghiệp, để qua đó giúp tỉnh Nghệ An nhận diện rõ hơn những tiềm năng, lợi thế, cơ hội, những khó khăn, thách thức, những nút thắt cần tháo gỡ; xác lập cách tiếp cận phát triển mới; tầm nhìn, chiến lược mới và các giải pháp đột phá phát triển miền Tây của Nghệ An trong thời gian tới.
Cùng với đó, thực hiện Nghị quyết số 39-NQ/TW của Bộ Chính trị, tỉnh Nghệ An đang tập trung phối hợp với các bộ, ngành Trung ương nghiên cứu, tham mưu Chính phủ trình Quốc hội xem xét ban hành cơ chế, chính sách đặc thù để phát triển tỉnh Nghệ An, trong đó có cơ chế, chính sách đặc thù phát triển miền Tây. “Chúng tôi rất mong có sự “hiến kế”, gợi ý, góp ý quan trọng từ các vị đại biểu”, Bí thư tỉnh ủy Thái Thanh Quý phát biểu.
Cần tiếp cận với tư duy mới để phát triển
Phát biểu chào mừng, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Lê Minh Hoan chia sẻ những tình cảm, tâm huyết đối với Nghệ An, đặc biệt đối với khu vực miền Tây.
Bộ trưởng cho rằng, cần phải tiếp cận với tư duy mới, mà trước hết là phải có suy nghĩ, quyết tâm “phải làm, cần làm, nên làm” để tìm ra giải pháp cho phát triển miền Tây Nghệ An, theo đó Bộ trưởng Lê Minh Hoan nhấn mạnh, không nên đóng đinh tư duy đã là miền núi thì nghèo, đồng bào dân tộc là khổ mà cần phải có lạc quan để từ đó có sáng kiến và cùng nhau thay đổi khu vực miền Tây.
“Chúng ta nhìn thấy sức sống các đơn vị miền Tây Nghệ An thông qua các gian hàng, các tiết mục văn nghệ đong đầy các giá trị vô hình, điều đó sẽ kích hoạt giá trị hữu hình của miền Tây Nghệ An”, Bộ trưởng Lê Minh Hoan khẳng định.
Thông qua tọa đàm “Định hướng chiến lược phát triển kinh tế - xã hội miền Tây Nghệ An” và trưng bày, giới thiệu, quảng bá sản phẩm OCOP, sản phẩm đặc trưng của miền Tây Nghệ An, Bộ trưởng Lê Minh Hoan nhấn mạnh, cần đưa ra tầm nhìn mới lạc quan hơn trên cơ sở phối hợp hành động có hệ thống từ Trung ương, đến địa phương, mang tính chất liên ngành, đa ngành để vừa khơi dậy tiềm năng tài nguyên bản địa, tiềm năng văn hóa, cấu trúc xã hội miền Tây Nghệ An.
Bộ trưởng Lê Minh Hoan cũng cho rằng, cần phải tiếp cận miền Tây Nghệ An là một tổng thể không để quản lý phân tầng. Bởi một khi khắc phục được điều đó và có tư duy mở, không gian lớn hơn thì giá trị mang lại sẽ lớn hơn.
Với tình cảm, tâm huyết để “vun trồng mảnh đất, con người và tương lai cho miền Tây xứ Nghệ”, Bộ trưởng Lê Minh Hoan cho biết: Bộ sẽ lấy miền Tây Nghệ An làm “thí điểm”thực hiện những đề án trình với Trung ương, Chính phủ để có cái nhìn tích hợp, đa ngành, đa giá trị cho ngành nông nghiệp.
Trước khi tọa đàm, các đại biểu đã xem video clip về tiềm năng, lợi thế và tình hình phát triển kinh tế-xã hội miền Tây Nghệ An và nghe báo cáo thực trạng phát triển kinh tế-xã hội, tiềm năng và định hướng phát triển miền Tây Nghệ An theo tinh thần Nghị quyết số 39-NQ/TW ngày 18.7.2023.
Tại Tọa đàm với chủ đề “Định hướng chiến lược phát triển kinh tế vùng miền Tây Nghệ An” Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan, Bí thư Tỉnh ủy tỉnh Nghệ An Thái Thanh Quý, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, Tổ phó Tổ tư vấn kinh tế - xã hội tỉnh Nghệ An PGS.TS Trần Đình Thiên, Anh hùng Lao động thời kỳ đổi mới, Nhà sáng lập, Chủ tịch Hội đồng chiến lược Tập đoàn TH Thái Hương và bà Nguyễn Thị Thu Huyền - Điều phối viên Quốc gia Chương trình tài trợ các dự án nhỏ Quỹ Môi trường toàn cầu thuộc Chương trình phát triển Liên Hợp Quốc (UNDP) đã trao đổi, cung cấp thêm những góc nhìn cụ thể hơn về thực trạng, tiềm năng, lợi thế, những khó khăn trong phát triển khu vực; những yếu tố tác động phát triển, đồng thời gợi mở những giải pháp vừa tổng thế, vừa cụ thể, thích hợp để có được định hướng rõ hơn cho sự phát triển của miền Tây Nghệ An.
Thay mặt lãnh đạo tỉnh, phát biểu đáp lời và tiếp thu, Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An Nguyễn Đức Trung khẳng định, tỉnh lĩnh hội tiếp thu một cách đầy đủ, nghiêm túc tất cả ý kiến để từ đó đề ra được những giải pháp, chính sách cụ thể, đặc thù, thậm chí có những chính sách đột phá, nhất là trong điều kiện Nghệ An đang có sự quan tâm rất lớn của Trung ương với việc Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết số 39-NQ/TW về xây dựng và phát triển tỉnh Nghệ An đến năm 2030, tầm nhìn năm 2045 và Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn năm 2050 đã được Thủ tướng phê duyệt.
Đây là hai cơ sở rất quan trọng để phát triển tỉnh Nghệ An, trong đó khu vực miền Tây phát triển nhanh, bền vững, phát huy tối đa lợi thế về kinh tế rừng, dưới tán rừng, cửa khẩu; các giá trị lịch sử, văn hóa; ứng phó hiệu quả với phòng chống thiên tai và biến đổi khí hậu.
Thay mặt lãnh đạo tỉnh Nghệ An, Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An Nguyễn Đức Trung cũng đã chia sẻ và bày tỏ trân trọng cảm ơn Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ trưởng Lê Minh Hoan và lãnh đạo các ban, bộ, ngành cơ quan Trung ương, các chuyên gia, các nhà khoa học, các doanh nghiệp, nhà khoa học luôn quan tâm, dành tình cảm. Đồng thời, mong muốn tọa đàm sẽ là bước khởi đầu tạo được động lực và từ đó biến thành nguồn lực để thực hiện được mục tiêu phát triển tỉnh Nghệ An nói chung, miền Tây Nghệ An nói riêng.