Sáng 15.2, tiếp tục Phiên họp thứ 20, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến về một số vấn đề còn ý kiến khác nhau của dự án Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi).
Áp dụng thủ tục rút gọn giải quyết vụ án dân sự về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng
Báo cáo tại phiên họp, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Lê Quang Huy cho biết, sau khi tiếp thu, chỉnh lý, dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung 45 Điều; bổ sung 2 Điều; chuyển nội dung 2 Điều sang điều khác; bãi bỏ 2 Điều và sửa đổi, bổ sung một số khoản của Điều 317 Bộ luật Tố tụng dân sự để đảm bảo tính thống nhất, đồng bộ của hệ thống pháp luật liên quan đến bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.
Cũng theo Chủ nhiệm Ủy ban Lê Quang Huy, quy định về giải quyết tranh chấp tại Tòa án hiện có 2 loại ý kiến khác nhau. Trong đó, loại ý kiến thứ nhất đề nghị, quy định rõ về việc áp dụng thủ tục rút gọn để giải quyết vụ án dân sự về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trong dự thảo Luật. Lý do là bởi nếu chỉ căn cứ vào các quy định của Bộ luật Tố tụng dân sự hiện hành thì sẽ không thể áp dụng thủ tục rút gọn đối với các vụ án bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, trong khi đa số các vụ tranh chấp bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng có giá trị nhỏ, cần được giải quyết kịp thời để bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của người tiêu dùng. Kinh nghiệm quốc tế cũng cho thấy hầu hết các nước trên thế giới đều quy định áp dụng thủ tục rút gọn trong việc giải quyết các vụ án dân sự bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. Cùng với đó, cần sửa đổi, bổ sung Bộ luật Tố tụng dân sự để đảm bảo tính khả thi, thống nhất của hệ thống pháp luật.
Loại ý kiến thứ hai cho rằng, quy định về thủ tục rút gọn trong dự thảo Luật là không thống nhất với điều kiện giải quyết vụ án theo thủ tục rút gọn quy định tại Điều 100, Điều 317 của Bộ luật Tố tụng dân sự. Điều này sẽ dẫn đến khó khăn trong quá trình áp dụng và ảnh hưởng đến việc bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.
Bên cạnh đó, Tòa án Nhân dân tối cao đã có văn bản đề nghị không quy định về nội dung này trong Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng để bảo đảm tính thống nhất, tránh mâu thuẫn, chồng chéo trong hệ thống pháp luật, vì Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng là luật nội dung nhưng quy định tại Điều 69 và Điều 78 của dự thảo Luật về thủ tục rút gọn trong vụ án dân sự về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng lại quy định về thủ tục tố tụng.
Do đó, Thường trực Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường đề xuất 2 phương án dự kiến tiếp thu để xin ý kiến Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Phương án 1: tiếp tục quy định các điều kiện áp dụng thủ tục rút gọn trong việc giải quyết các vụ án dân sự về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng; sửa đổi, bổ sung Điều 317 Bộ luật Tố tụng dân sự. Cụ thể, tại điểm d khoản 2 Điều 69 dự thảo Luật quy định: “Các đương sự đều có địa chỉ nơi cư trú, trụ sở rõ ràng”; bổ sung tại khoản 3 Điều 69 nội dung “Tòa án nhân dân tối cao quy định chi tiết việc áp dụng thủ tục rút gọn để giải quyết vụ án dân sự về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng”. Đồng thời, sửa đổi, bổ sung một số khoản của Điều 317 Bộ luật Tố tụng dân sự tại Điều 78 dự thảo Luật. Phương án 2: không quy định thủ tục rút gọn đối với vụ án dân sự về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trong dự thảo Luật. "Thường trực Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường thống nhất theo Phương án 1", Chủ nhiệm Ủy ban Lê Quang Huy nói.
Rà soát để bảo đảm tính khả thi
Các Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội cơ bản thống nhất với chủ trương áp dụng thủ tục rút gọn để giải quyết vụ án dân sự về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng cho biết, có những vụ án nhỏ, tranh chấp không lớn, lại xảy ra nhiều và thường xuyên, nếu không quy định thủ tục rút gọn sẽ gây phiền toái cho tổ chức kinh doanh, người tiêu dùng và cả Tòa án do số vụ án tăng cao.
Tuy nhiên, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật cũng đề nghị, phải làm rõ nguyên nhân tại sao thủ tục rút gọn đã được quy định theo Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng hiện hành nhưng lại chưa bao giờ được áp dụng? Do Tòa án không áp dụng hay do quy định của Luật hiện hành không phù hợp nên không áp dụng được? Dự thảo Luật hiện tiếp tục kế thừa luật hiện hành và có bổ sung điều kiện “các đương sự có địa chỉ nơi cư trú, trụ sở rõ ràng”. Phải chăng điều kiện bổ sung là điều kiện thiếu trước đây nên chưa có cơ sở giải quyết các vụ án bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng với giá trị nhỏ? Tại sao Tòa án nhân dân tối cao – cơ quan thực thi nhiệm vụ này lại không đồng tình quy định thủ tục rút gọn trong dự thảo Luật mà áp dụng thủ tục rút gọn theo quy định của Bộ luật Tố tụng dân sự?
Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật cũng đề nghị rà soát thêm phương án 1 trong dự thảo Luật, bởi có những quy định chưa rõ ràng, khả thi. Ví dụ: dự thảo Luật có quy định về vụ án đơn giản, vậy thế nào là vụ án đơn giản? Có phải vụ án đơn giản là vụ án có chứng cứ rõ ràng, Tòa án không cần điều tra bổ sung, làm rõ chứng cứ hay trách nhiệm của bên đương sự là phải cung cấp chứng cứ và Tòa án nhận định là rõ ràng thì mới áp dụng thủ tục rút gọn?
Đồng tình với quan điểm trên, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga đề nghị, ban soạn thảo tiếp tục làm việc với Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao và Bộ Tư pháp để nghe thêm ý kiến về vấn đề này.
Cơ bản tán thành với Phương án 1, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ lưu ý, để bảo đảm tính thống nhất của dự thảo Luật với Bộ luật Tố tụng dân sự, ban soạn thảo cần tiếp tục rà soát kỹ các điều kiện, quy định tại Khoản 2 Điều 69 của dự thảo Luật với quy định áp dụng thủ tục rút gọn tại Điều 317 Bộ luật Tố tụng dân sự.
Chủ tịch Quốc hội cũng nhấn mạnh cần làm rõ quan điểm: bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng không có nghĩa là người tiêu dùng có quyền cao hơn người sản xuất, người phân phối, mà các bên đều bình đẳng trước pháp luật, bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng không làm phương hại đến quyền, nghĩa vụ, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân khác có liên quan. Chủ tịch Quốc hội cũng lưu ý, cần "soi" lại các nguyên tắc, quan điểm lớn đặt ra khi xây dựng dự án Luật này và một số vấn đề phát sinh khi xin ý kiến đại biểu Quốc hội, ý kiến cử tri và nhân dân.
Kết luận nội dung này, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải yêu cầu Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường phối hợp với các cơ quan hữu quan rà soát, tiếp thu, giải trình đầy đủ các ý kiến, hoàn thiện để trình Hội nghị đại biểu Quốc hội chuyên trách cho ý kiến, lấy ý kiến các Đoàn Đại biểu Quốc hội cùng một số cơ quan hữu quan nhằm bảo đảm chất lượng dự án Luật trình Quốc hội.
Đối với hai nội dung còn ý kiến khác nhau là mở rộng khái niệm người tiêu dùng và áp dụng thủ tục rút gọn để giải quyết vụ án dân sự về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, Phó Chủ tịch Quốc hội đề nghị, cơ quan chủ trì thẩm tra phối hợp với cơ quan soạn thảo và các cơ quan hữu quan tiếp tục rà soát làm rõ cơ sở chính trị, cơ sở pháp lý, kinh nghiệm quốc tế, ưu, nhược điểm của từng loại ý kiến để làm rõ và thuyết phục hơn. Tiếp tục rà soát các quy định về bảo vệ thông tin, sử dụng thông tin của người tiêu dùng, trách nhiệm của người tiêu dùng, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng dễ bị tổn thương, trách nhiệm của cơ quan, tổ chức cá nhân; bảo đảm quyền, nghĩa vụ của người tiêu dùng nhưng không làm phương hại đến quyền lợi, nghĩa vụ và chi phí tuân thủ pháp luật của các tổ chức cung cấp dịch vụ.
Cũng trong phiên họp sáng nay, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến về một số vấn đề lớn còn ý kiến khác nhau của dự án Luật Giao dịch điện tử (sửa đổi).