Tạo nền tảng vững chắc, đưa đất nước bước vào kỷ nguyên phát triển thịnh vượng
Đa số ĐBQH tán thành với mục tiêu, yêu cầu, kịch bản tăng trưởng kinh tế năm 2025 của Chính phủ; cho rằng, việc trình Quốc hội điều chỉnh tăng mục tiêu tăng trưởng kinh tế năm 2025 thể hiện quyết tâm, nỗ lực của Chính phủ trong việc thực hiện thắng lợi các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2021 - 2025. Qua đó, góp phần củng cố, tạo nền tảng vững chắc để đạt tăng trưởng 2 con số trong thời gian đủ dài, đưa đất nước ta bước vào kỷ nguyên phát triển thịnh vượng.

ĐBQH Hoàng Đức Thắng (Quảng Trị) đề nghị cần có giải thích rõ ràng, cụ thể hơn về mục tiêu tăng trưởng 8% trở lên để không chỉ Quốc hội mà cử tri, đồng bào cả nước biết, tin tưởng, quyết tâm, nỗ lực phấn đấu, đồng lòng, đồng sức để thực hiện cho được.

Ở khía cạnh khác, ĐBQH Hà Sỹ Đồng (Quảng Trị) cho rằng, nếu không tính giai đoạn biến động do Covid-19, lần gần nhất Việt Nam đạt mức tăng trưởng trên 8% là năm 1997. Từ đó đến nay, chưa khi nào đạt lại tốc độ cao và kéo dài như giai đoạn 1992-1997. Năm 2022, mức tăng trưởng trên 8% có được là do nền kinh tế phục hồi sau đại dịch, nhưng ngay năm sau đó, tốc độ tăng trưởng đã giảm xuống 5%. Với thực tế này, mục tiêu tăng trưởng 8% vào năm 2025 và hai con số từ năm 2026 là một thách thức rất lớn.

Bên cạnh đó, bối cảnh kinh tế toàn cầu cũng đặt ra nhiều thách thức. Dù nước ta có vị trí địa lý, chính trị quan trọng nhưng năm 2025 khó tiên liệu, nhất là nguy cơ xảy ra “thương chiến”.
Cân nhắc phương án tăng thu, nâng bội chi hoặc vay nợ
Theo Đề án Chính phủ trình Quốc hội, phương án sử dụng khoảng 84,3 nghìn tỷ đồng đầu tư công tăng thêm (dự kiến từ nguồn tăng thu, tiết kiệm chi ngân sách nhà nước năm 2024) khiến một số ĐBQH còn băn khoăn.
ĐBQH Nguyễn Hữu Toàn (Lai Châu) cho rằng, với 84,3 nghìn tỷ đồng từ đầu tư công tăng thêm (dự kiến từ nguồn tăng thu, tiết kiệm chi ngân sách nhà nước năm 2024) thì với điều kiện môi trường đầu tư được cải thiện, với những chính sách đổi mới, thí điểm, đặc biệt là các chính sách tháo gỡ khó khăn trong lĩnh vực đất đai, đầu tư… mà Quốc hội đã ban hành tại Kỳ họp thứ Tám vừa qua có thể huy động được một lượng lớn nguồn vốn từ ngân sách, đặc biệt là kinh tế tư nhân.

Đồng thời, Đề án cũng đưa ra trường hợp cần thiết cho phép điều chỉnh bội chi ngân sách nhà nước lên mức khoảng 4-4,5% GDP để huy động nguồn lực cho đầu tư phát triển.
"Như vậy, một lần nữa lại dựa vào đầu tư công". Do đó, đại biểu Nguyễn Hữu Toàn đề nghị, cần có đánh giá rất tổng thể, bởi nền kinh tế tăng trưởng từ đầu tư công chỉ là một phần. Đầu tư công chỉ đầu tư vào những lĩnh vực mà các thành phần kinh tế khác không muốn làm hoặc không có điều kiện làm nhằm tạo sức lan tỏa để thu hút các nguồn vốn khác.
Cùng quan điểm này, đại biểu Hà Sỹ Đồng nêu rõ, nếu tiết kiệm ngân sách được thì tốt, nhưng nếu phải tăng thu hoặc vay nợ thì cần cân nhắc.

Cho biết, hiện doanh nghiệp trong nước đang còn gặp nhiều khó khăn, đại biểu dẫn chứng, các vấn đề như chậm hoàn thuế với gỗ, cao su, sắn khiến doanh nghiệp xuất khẩu kiệt quệ; dịch vụ xuất khẩu, dù theo luật được hưởng thuế 0% nhưng thực tế bị áp 10% do cơ quan thuế cho rằng không xác định được có phải xuất khẩu hay không…
Trong khi đó, các biện pháp vay nợ sẽ khiến mặt bằng lãi suất tăng, càng gây khó khăn cho doanh nghiệp tư nhân khi vay vốn ngân hàng. Nếu đẩy mặt bằng lãi suất lên thì càng làm doanh nghiệp trong nước thua thiệt so với doanh nghiệp nước ngoài.
Do đó, đại biểu Hà Sỹ Đồng đề nghị, Chính phủ tập trung tiết kiệm để có nguồn lực đầu tư công, không bội chi hay vay nợ khi chưa thật sự cần thiết. Tức là phải coi việc tăng thu, nâng bội chi và nợ công chỉ là giải pháp ứng phó chứ không phải là giải pháp để đạt tăng trưởng 8%.