Khối đại học ngoài công lập còn “thiệt thòi” so với khối công lập?

Theo GS.TS Phạm Thành Huy, Hiệu trưởng Trường Đại học Phenikaa, các chính sách hiện tại của Nhà nước vẫn còn một số rào cản, khiến giảng viên trong khối ngoài công lập còn thiệt thòi so với khối đại học công lập.

Các trường ngoài công lập còn gặp nhiều khó khăn

Phát biểu tại chương trình "Bộ trưởng Bộ GD-ĐT gặp gỡ nhà giáo, cán bộ quản lý, nhân viên ngành Giáo dục" ngày 15.8, đại diện cho khối các trường đại học ngoài công lập, GS.TS Phạm Thành Huy, Hiệu trưởng Trường Đại học Phenikaa chia sẻ, hệ thống đại học ngoài công lập của Việt nam sau 30 năm xây dựng, hình thành, phát triển cho đến nay đã có 60 trường đại học, chiếm gần 25% tổng số các trường đại học trong cả nước.

Vai trò và sự đóng góp của khối các trường đại học ngoài công lập cho sự nghiệp phát triển GD-ĐT của đất nước ngày càng được nâng cao và rõ nét, thể hiện qua các con số về quy mô đào tạo gần 300.000 sinh viên, nơi công tác của một đội ngũ gần 20.000 giảng viên, các nhà khoa học. Kết quả này góp phần khẳng định sự đúng đắn của chủ trương xã hội hóa trong giáo dục và đào tạo của Đảng, Nhà nước trong thời gian qua.

Theo GS Huy, thực tế hoạt động cho thấy, với khả năng tài chính độc lập, các trường đại học ngoài công lập tự chủ trong đầu tư cơ sở vật chất phục vụ đào tạo, nghiên cứu và thu hút nhân lực giảng dạy chất lượng cao. Đã hình thành những trường đại học ngoài công lập được đầu tư bài bản từ khuôn viên, cơ sở vật chất phục vụ đào tạo, thực hành, nghiên cứu, đến việc phát triển các chương trình đào tạo và đầu tư thu hút nhân tài, phát triển đội ngũ.

Sự đầu tư này góp phần nâng cao chất lượng giảng dạy và nghiên cứu, đồng thời đưa ra những giải pháp sáng tạo cho các vấn đề mà xã hội và nền kinh tế yêu cầu.

Khối đại học ngoài công lập còn “thiệt thòi” so với khối công lập? -0
GS.TS Phạm Thành Huy, Hiệu trưởng Trường Đại học Phenikaa phát biểu tại chương trình "Bộ trưởng Bộ GD-ĐT gặp gỡ nhà giáo, cán bộ quản lý, nhân viên ngành Giáo dục", tổ chức ngày 15.8

Các chính sách của Nhà nước, của Bộ GD-ĐT đã trao quyền tự chủ cao hơn (đối với các trường thực hiện tốt công tác tự đánh giá, đảm bảo chất lượng và kiểm định chất lượng), giúp các trường đại học ngoài công lập có thể chủ động phát triển các chương trình đào tạo, thích ứng nhanh chóng với sự thay đổi của xã hội và nhu cầu của thị trường lao động.

Một số trường đại học ngoài công lập được đầu tư bởi các tập đoàn công nghệ, công nghiệp, có ưu thế tạo nên sự kết nối giữa đại học và công nghiệp, doanh nghiệp; tạo nên môi trường thuận lợi để người học trải nghiệm, thực tập thực hành tại doanh nghiệp; thúc đẩy hoạt động nghiên cứu, đổi mới sáng tạo gắn với những bài toán của thực tiễn sản xuất. Tất cả những điều này giúp sinh viên phát triển kỹ năng, có cơ hội áp dụng kiến thức thực tế, trưởng thành và có cơ hội thành công trong cuộc sống.

Bên cạnh những thuận lợi, GS Huy cho biết các trường đại học ngoài công lập cũng có những khó khăn như việc phát triển khuôn viên, đầu tư cơ sở vật chất đầy đủ phục vụ hoạt động đào tạo và nghiên cứu.

Bên cạnh một số trường có sự đầu tư đúng hướng, quan tâm tới chất lượng, thuận lợi trong tuyển sinh thì phần nhiều vẫn còn khó khăn. Các chính sách hiện tại của Nhà nước như chính sách tài chính đầu tư về đất đai, nâng cao năng lực, chính sách tài trợ các đề tài, dự án, cơ chế thi đua khen thưởng, chế độ vinh danh nhà giáo trong khối đại học ngoài công lập vẫn còn một số rào cản, khiến giảng viên trong khối ngoài công lập còn nhiều thiệt thòi so với khối đại học công lập.

Để tạo thêm động lực cho sự phát triển hệ thống các trường đại học ngoài công lập, GS Huy đề xuất và bày tỏ mong muốn được Bộ trưởng Bộ GD-ĐT, các cơ quan của Chính phủ quan tâm đến một số vấn đề.

Thứ nhất, đề xuất Bộ và Nhà nước ghi nhận vai trò và sự đóng góp của hệ thống các trường đại học ngoài công lập, trên cơ sở đó tiếp tục có những điều chỉnh cơ chế chính sách để tạo ra sự bình đẳng, tạo cơ hội cho các trường công lập, ngoài công lập được đầu tư phát triển, tiếp cận với các nguồn lực về đất đai, đầu tư, ưu đãi thuế. Cần có cơ chế chính sách phù hợp vì trường công hay tư giờ đây yêu cầu về sự minh bạch và trách nhiệm xã hội là như nhau.

Đối với hoạt động nghiên cứu khoa học và đổi mới sáng tạo, đề nghị Bộ GD-ĐT cho phép các giảng viên, các nhà khoa học đang công tác tại các trường đại học ngoài công lập được đấu thầu, tham gia thực hiện các đề tài, dự án khoa học cấp Bộ GD-ĐT.

“Cho đến thời điểm hiện tại, các trường đại học ngoài công lập đã phát triển được đội ngũ cán bộ, giảng viên nhà khoa học rất lớn, bao gồm nhiều các giảng viên giỏi, hàng năm các thầy cô đạt được nhiều thành tích trong giảng dạy, nghiên cứu khoa học, đổi mới sáng tạo. Do đó, kính đề nghị Bộ trưởng chỉ đạo để các các đơn vị có liên quan có hướng dẫn để các trường đại học ngoài công lập được tham gia vào hệ thống thi đua, khen thưởng hằng năm của Bộ như các trường công lập”, GS Huy nêu ý kiến.

Bên cạnh đó, Hiệu trưởng Trường Đại học Phenikaa cũng đề xuất để giảng viên khối đại học ngoài công lập được đề cử, ứng cử và giới thiệu vào các hoạt động vinh danh nhà giáo như: xét tăng danh hiệu Nhà giáo nhân dân, Nhà giáo ưu tú,… và các hoạt động vinh danh khác theo hệ thống của Bộ GD-ĐT.

Bộ GD-ĐT ứng xử một cách công bằng giữa trường công và tư

Trả lời về vấn đề trên, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Kim Sơn khẳng định, lãnh đạo Bộ GD-ĐT ứng xử một cách công bằng giữa các trường công lập và ngoài công lập.

Theo Bộ trưởng, khối trường đại học ngoài công lập cũng đang phát triển rất mạnh mẽ và ngày càng góp phần trong hoạt động của ngành về đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao. Một số trường mặc dù mới mở, mới thành lập nhưng có tốc độ phát triển rất nhanh.

“Chúng tôi đánh giá rất cao các trường ngoài công lập, đặc biệt là các trường khối khoa học và công nghệ được thành lập từ đầu tư của các doanh nghiệp lớn. Những trường này có tiềm lực về mặt cơ sở vật chất rất tốt, đã có được ưu thế so với các trường công. Tôi mong rằng những trường này sẽ tiếp tục phát triển một cách bền vững trong tương lai, để có thể sớm có những trường ngoài công lập có được ảnh hưởng quốc tế và thứ hạng lớn hơn trên các bảng xếp hạng, chia sẻ cùng với hệ thống giáo dục công lập”, Bộ trưởng nói.

Khối đại học ngoài công lập còn “thiệt thòi” so với khối công lập? -0
Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn chia sẻ tại cuộc gặp gỡ

Bộ trưởng cũng tâm sự, chính Bộ GD-ĐT đang kiến nghị một số chính sách ưu tiên cho khối ngoài công lập, kể cả giáo dục đại học và phổ thông, mầm non, trong đó có một chính sách rất quan trọng là ưu tiên về đất đai.

“Chúng tôi rất mong muốn trong Luật đất đai sửa đổi sẽ có những nội dung liên quan đến đất cho giáo dục nói chung và giáo dục ngoài công lập nói riêng. Chúng tôi cũng đã nhiều lần gửi ý kiến cho Bộ Tài nguyên Môi trường và các cơ quan soạn thảo Luật này. Nhà nước bày tỏ sự quan tâm cho giáo dục ngoài công lập, quan trọng nhất tôi nghĩ đó là vấn đề về đất đai, mặt bằng, địa điểm. Đây là câu chuyện rất quan trọng”, Bộ trưởng cho hay.

Về cơ chế tham gia các hoạt động nghiên cứu khoa học và đào tạo, Bộ trưởng cho biết trong việc đào tạo giáo viên, hiện nay Bộ có Đề án 89 đào tạo trình độ tiến sĩ cho các cơ sở giáo dục đại học. Đề án này không phân biệt cơ sở công lập và ngoài công lập. Đây cũng là quan điểm thể hiện nhìn nhận một cách bình đẳng giữa hai nhóm trường này.

“Về cơ chế tham gia trong các đặt hàng về khoa học công nghệ, riêng với các đề tài, nhiệm vụ khoa học của Bộ GD-ĐT, chúng tôi cũng sẽ lưu ý trong thời gian sắp tới. Về vấn đề khen thưởng và thi đua khen thưởng, thực ra tới thời điểm này, việc khen thưởng đổi với các trường ngoài công lập vẫn đang được thực hiện bình thường, không có trở ngại nào. Cũng có rất nhiều bằng khen của Bộ trưởng đã gửi cho các trường ngoài công lập”, Bộ trưởng chia sẻ.

Với các danh hiệu Nhà giáo nhân dân, Nhà giáo ưu tú, theo Bộ trưởng, các trường ngoài công lập trực thuộc quản lý của UBND các tỉnh, thành phố và khi làm thủ tục để xét tặng danh hiệu thì thông qua kênh của địa phương chuyển về.

“Trong danh sách các ứng viên cho Nhà giáo nhân dân, Nhà giáo ưu tú mà Bộ vừa xét và đang chuẩn bị trình Hội đồng cấp Nhà nước cũng có rất nhiều nhà giáo thuộc khối ngoài công lập. Vấn đề chỉ là tiêu chuẩn, tiêu chuẩn thì không phân biệt.

Nếu như các nhà giáo ở trường ngoài công lập có đầy đủ yếu tố đáp ứng yêu cầu, nên sẵn sàng gửi hồ sơ thông qua địa phương, UBND các tỉnh. Tuy nhiên, về phía các cơ sở giáo dục ngoài công lập cũng cần lưu ý trong việc chuẩn bị hồ sơ, các điều kiện để làm sao những nhà giáo xứng đáng có thể được tôn vinh bởi các danh hiệu đó”, Bộ trưởng nói.

Giáo dục

Hà Nội: Hỗ trợ sách giáo khoa cho học sinh có hoàn cảnh khó khăn
Giáo dục

Hà Nội: Hỗ trợ sách giáo khoa cho học sinh có hoàn cảnh khó khăn

Thành phố Hà Nội sẽ xây dựng phương án hỗ trợ sách giáo khoa cho học sinh có hoàn cảnh gia đình khó khăn, diện hộ nghèo, cận nghèo, vùng sâu, vùng xa…vận động học sinh quyên góp, ủng hộ sách giáo khoa cũ vào thư viện để học sinh các lớp sau, các học sinh có hoàn cảnh khó khăn được mượn và sử dụng sách giáo khoa hiệu quả.

UBND tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu chỉ đạo làm rõ vụ giáo viên Trường mầm non Ánh Dương phản ánh bị cắt xén bữa ăn
Giáo dục

UBND tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu chỉ đạo làm rõ vụ giáo viên Trường mầm non Ánh Dương phản ánh bị cắt xén bữa ăn

UBND tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu đã chỉ đạo UBND huyện Châu Đức khẩn trương kiểm tra, xác minh làm rõ vụ giáo viên Trường mầm non Ánh Dương phản ánh bị cắt xén bữa ăn, bảo đảm nguyên tắc xử lý dứt điểm, không né tránh, không bao che, không đối phó.

Lẵng hoa đặc biệt “quét QR” trong lễ khai giảng năm học mới của Trường Đại học Ngoại thương
Giáo dục

Lẵng hoa đặc biệt “quét QR” trong lễ khai giảng năm học mới của Trường Đại học Ngoại thương

Ngay trên sân khấu của buổi lễ khai giảng, Trường Đại học Ngoại thương đã chuẩn bị một lẵng hoa đặc biệt với thông tin tài khoản của Ban cứu trợ Trung ương - Mặt trận Tổ quốc Việt Nam để lan tỏa tinh thần vì cộng đồng, chung tay giúp đỡ đồng bào chịu hậu quả nặng nề sau bão Yagi.

4 “chàng trai Vàng” Olympic quốc tế Sinh học, Hóa học năm 2024 chọn Trường Đại học Y Hà Nội
Giáo dục

4 “chàng trai Vàng” Olympic quốc tế Sinh học, Hóa học năm 2024 chọn Trường Đại học Y Hà Nội

Các “chàng trai Vàng” Olympic Sinh học quốc tế (IBO) năm 2024 gồm: Nguyễn Tiến Lộc, Nguyễn Sĩ Hiếu, Đặng Tuấn Anh; cùng Nguyễn Hữu Tiến Hưng - Huy chương Vàng, thí sinh có điểm cao nhất đoàn Việt Nam tại Olympic Hóa học Quốc tế (IChO) 2024 cùng chọn theo học ngành Y khoa, Trường Đại học Y Hà Nội.