Khách hàng ngày càng hài lòng
Cùng với toàn hệ thống, Kho bạc Nhà nước (KBNN) tỉnh Cà Mau đã đẩy mạnh cải cách hành chính và chuyển đổi số, nhằm nâng cao chất lượng phục vụ cũng như hiệu quả quản lý, góp phần hướng đến Kho bạc số năm 2030.
Cụ thể, KBNN tỉnh Cà Mau cung cấp 100% thủ tục hành chính qua dịch vụ công trực tuyến mức độ 4. Các thủ tục được công bố, công khai, cập nhật, niêm yết kịp thời. Các tổ chức, cá nhân có giao dịch với các đơn vị thuộc KBNN Cà Mau được hướng dẫn, giải thích đầy đủ thông tin về thủ tục hành chính, bảo đảm việc thực hiện được thuận lợi.
KBNN tỉnh Cà Mau cũng xác định rõ trách nhiệm của mỗi công chức trong từng quy trình tiếp nhận, giải quyết thủ tục hành chính; đồng thời gắn trách nhiệm của cá nhân công chức với việc giải quyết kịp thời, đúng hạn theo thẩm quyền. Theo đó, năm 2024, KBNN tỉnh Cà Mau đã giải quyết 100% hồ sơ gửi tới (308.503 hồ sơ). Hầu hết hồ sơ được trả đúng hạn, chỉ có 82 hồ sơ trả quá hạn do cuối năm lượng hồ sơ cao, hệ thống đường truyền chậm. Đến nay, hầu hết các khoản thu, chi ngân sách qua KBNN tỉnh Cà Mau được thực hiện trực tuyến, thanh toán qua ngân hàng. Mạng lưới phối hợp thu được mở rộng tới 12 ngân hàng, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho các cá nhân, tổ chức nộp thuế.

Không chỉ KBNN Cà Mau, trong năm 2024, toàn hệ thống KBNN đã triển khai toàn diện các nhiệm vụ về cải cách hành chính và kiểm soát thủ tục hành chính. Cụ thể là tiếp tục nghiên cứu, xây dựng cơ chế chính sách, quy trình nghiệp vụ theo hướng đơn giản hóa thủ tục thu, chi ngân sách, tạo thuận lợi cho các đơn vị giao dịch; cung cấp 100% thủ tục thực hiện dịch vụ công trực tuyến của KBNN toàn trình và tích hợp lên Cổng Dịch vụ công quốc gia; tiếp tục thực hiện Nghị định 107/2021/NĐ-CP về thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông trong giải quyết thủ tục hành chính; rà soát, đơn giản hóa thủ tục hành chính nội bộ; duy trì hệ thống quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn ISO 9001:2015. Hệ thống kho bạc cũng duy trì vận hành và phát triển các kết quả đã triển khai như ký số từ xa; thanh toán tự động các khoản chi điện, nước, dịch vụ viễn thông theo ủy quyền của các đơn vị sử dụng ngân sách…
Tinh thần “hành chính phục vụ” của KBNN khiến khách hàng ngày càng hài lòng, thể hiện qua kết quả khảo sát đánh giá mức độ hài lòng của cá nhân, tổ chức đối với sự phục vụ của hệ thống KBNN. Đợt 1.2024, tỷ lệ khách hàng tin tưởng và đánh giá cao chất lượng phục vụ của KBNN đạt 99,91%, đợt 2.2024 nhích lên 99,93%. Mức độ hài lòng của khách hàng ở tất cả các tiêu chí đều tăng. Đặc biệt, số lượng các ý kiến phản ánh về chất lượng dịch vụ công trực tuyến của KBNN và việc công khai thủ tục hành chính thuộc lĩnh vực KBNN giảm đã cho thấy sự cải thiện, chuyển biến rõ rệt của lĩnh vực này.
Giảm hồ sơ, đơn giản quy trình, và hoàn toàn điện tử
Những nỗ lực trong cải cách hành chính và hiện đại hóa công nghệ thông tin của hệ thống KBNN đã góp phần quan trọng trong việc nâng cao năng lực quản lý, cải thiện chất lượng phục vụ, và đáp ứng tốt hơn yêu cầu ngày càng cao của các đơn vị sử dụng ngân sách. Đây cũng là tiền đề quan trọng để KBNN tiếp tục phát triển theo hướng hiện đại, minh bạch và hiệu quả trong những năm tới.
Trong năm 2025, KBNN tiếp tục nghiên cứu, cải cách thủ tục hành chính theo hướng giảm thành phần hồ sơ, đơn giản hóa quy trình, thực hiện hoàn toàn trên môi trường điện tử; tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số vào quy trình nội bộ xử lý hồ sơ thủ tục hành chính; rà soát, đơn giản hóa thủ tục hành chính nội bộ thuộc phạm vi quản lý của KBNN theo hướng dẫn của Chính phủ và Bộ Tài chính; triển khai công tác số hóa hồ sơ, kết quả giải quyết thủ tục hành chính…
Cùng với đó, tập trung triển khai và hoàn thành đúng tiến độ các đề án, dự án hiện đại hóa công nghệ thông tin trong hệ thống KBNN. Cụ thể là trình Bộ phê duyệt và triển khai các dự án thành phần của Đề án nâng cấp hệ thống TABMIS và các hệ thống công nghệ thông tin liên quan để hình thành hệ thống thông tin ngân sách và kế toán nhà nước số (VDBAS); xây dựng kế hoạch 5 năm về ứng dụng công nghệ thông tin của KBNN giai đoạn 2026 - 2030; triển khai diện rộng bài toán liên thông chi đầu tư xây dựng cơ bản; xây dựng chương trình lưu trữ hồ sơ, chứng từ chi điện tử KBNN; nâng cấp và mở rộng một số chức năng Hệ thống dịch vụ công trực tuyến…