Tại tọa đàm “Số hóa hoạt động chi trả an sinh xã hội cho người dân” mới đây, ông Nguyễn Thế Anh, Phó Vụ trưởng Vụ Kiểm soát Chi, Kho bạc Nhà nước, cho biết, thời gian qua, Kho bạc Nhà nước đã triển khai đồng bộ, tích cực rất nhiều giải pháp, đặc biệt liên quan đến công tác số hóa, điện tử hóa các giao dịch thu chi ngân sách nhà nước, theo mục tiêu đề ra tại Chiến lược phát triển đến năm 2030.
Về chi trả cho cá nhân vào tài khoản, hiện nay Kho bạc Nhà nước đã thực hiện việc nâng cấp các dịch vụ công trực tuyến với quy trình kiểm soát thanh toán cho các cá nhân hưởng lương từ ngân sách Nhà nước và qua cổng trao đổi dữ liệu của Kho bạc Nhà nước.
Ngày 9.1.2024, Kho bạc Nhà nước thực hiện triển khai thí điểm chi trả lương cho các cá nhân qua tài khoản thông qua hệ thống dữ liệu với Kho bạc Nhà nước tại 2 địa phương là Vĩnh Phúc và Hải Phòng. Sau 3 tháng triển khai, cơ bản việc triển khai quy trình này được đánh giá rất tích cực.
Sắp tới, Kho bạc Nhà nước thực hiện quy trình chi trả an sinh xã hội tương tự như theo quy trình chi trả lương. Theo đó, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội sẽ phối hợp với cơ quan công an để trao đổi xác thực thông tin chính xác về các đối tượng thụ hưởng để lập bảng thanh toán. Tiếp đến, cơ quan Lao động, Thương binh và Xã hội sẽ lập hồ sơ đề nghị thanh toán với Kho bạc Nhà nước.
Sau khi thực hiện công tác kiểm soát xong, Kho bạc Nhà nước sẽ đưa dữ liệu bảng thanh toán lên cổng trao đổi dữ liệu.
Theo ông Nguyễn Thế Anh, quy trình này khác và tiến bộ hơn so với trước, trước đây khi các đơn vị chuyển lên dịch vụ công trực tuyến thì Kho bạc Nhà nước sẽ phải in, phục hồi bảng thanh toán và mang bảng thanh toán ra ngân hàng thương mại để thanh toán. Với quy trình này, khâu đó sẽ được số hoá và đảm bảo dữ liệu an toàn, chính xác.
Ngày 13.4.2022, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định 455/QĐ-TTg phê duyệt Chiến lược Kho bạc Nhà nước đến năm 2030.
Mục tiêu tổng quát của Chiến lược là xây dựng Kho bạc Nhà nước tinh gọn, hoạt động hiệu lực hiệu quả và kiện toàn bộ máy Nhà nước gắn với tăng cường ứng dụng nền tảng công nghệ thông tin hiện đại, kết nối viễn thông với hệ thống cơ sở dữ liệu khác và cơ sở dữ liệu quốc gia để phục vụ tốt nhất người dân, doanh nghiệp cũng như các cơ quan Nhà nước hướng đến năm 2030 thực hiện được mục tiêu kho bạc số.
Gắn với mục tiêu tổng quát, Chiến lược đặt ra 5 mục tiêu cụ thể. Trong đó, mục tiêu quan trọng nhất là đến năm 2025 Kho bạc Nhà nước vận hành trên dữ liệu số, hoàn thành nền tảng kho bạc số và cơ bản toàn bộ giao dịch thu chi ngân sách Nhà nước qua hệ thống theo phương thức điện tử.
Sau 2025, Kho bạc Nhà nước sẽ tập trung nghiên cứu phát triển các dịch vụ theo nhu cầu của người dân, doanh nghiệp và các cơ quan Nhà nước để đến năm 2030 xây dựng được kho bạc số.