Lấy nguồn cảm hứng trên nền sử thi Dam Săn, vở nhạc kịch đã tạo nên bức tranh sinh động về màu sắc âm nhạc, là sự kết hợp giữa âm nhạc cổ điển phương Tây, đan xen với pop, rock và âm nhạc Êđê. Để thúc đẩy tính cao trào, nhạc sĩ Nguyễn Cường và nhà biên kịch Hồng Hoa đã tạo dựng những tình tiết mới như sự khao khát của nữ thần Mặt trời mong có được Dam Săn, nguy cơ bị hủy diệt của buôn làng khi chìm trong đêm tối, khát vọng bảo vệ buôn làng của Dam Săn đã cảm hóa được Nữ thần Mặt trời, Nữ thần Mặt trời tặng vầng ánh sáng nhiệm màu cho Dam Săn...
Sử thi Dam Săn trong nền văn học Việt Nam là một trong những tác phẩm tiêu biểu, ra đời từ trí tưởng tượng phong phú, lãng mạn của đồng bào Êđê Tây Nguyên thời cổ đại. Sử thi đã tái hiện lại quá khứ hào hùng trong những buổi đầu của thời kỳ liên minh bộ tộc, với những tù trưởng anh hùng, nổi bật nhất là người anh hùng Dam Săn đã cùng buôn làng của mình chiến đấu, thu phục kẻ thù, chinh phục thiên nhiên vì sự ổn định và phát triển phồn vinh của bộ tộc.
Ca kịch "Khát vọng Dam Săn" có bố cục 5 chương: Chương 1: Dam Săn và H'Nhí. Mở màn là đám cưới của H'Nhí và Dam Săn. Chương 2: Xử tội Mtao Msei. Dam San chiến thắng Mtao Msei và mở rộng buôn làng, trở thành một người tù trưởng hùng mạnh nhất vùng. Chương 3: Buôn sang trông cậy, Nữ thần Mặt trời khao khát có Dam Săn, làm cho buôn làng chìm trong đêm tối. Chương 4: Nơi miền sáng. Trước nguy cơ hủy diệt của buôn làng, Dam Săn đã vượt qua hiểm nguy quyết tìm cưới Nữ thần Mặt trời và đã cảm hóa được nàng. Nữ thần Mặt trời đã tặng ánh sáng màu nhiệm cho Dam Săn, và chàng đã mang ánh sáng màu nhiệm trở lại cho buôn làng, làm cho trái đất sinh sôi ra hoa kết trái. Chương 5: Mặt trời lên trên cao nguyên bao la. Ánh sáng Dam Săn mang về đã "thức tỉnh" buôn làng, khát vọng của chàng chính là ngọn lửa thắp sáng sức sống nơi núi rừng Tây Nguyên hùng vĩ.
Trải qua thời lượng hơn một tiếng đồng hồ, bằng diễn xuất xuất sắc của các nhân vật dã đưa công chúng trải qua nhiều cung bậc cảm xúc, từ yêu ghét, thương mến, cho đến ngưỡng mộ. Đó là một H’Nhi (vợ Dam Săn) thủy chung, yêu chồng; là một Mtao Msei (tù trưởng) hung bạo, tham lam; hay Nữ thần Mặt trời xinh đẹp, uy quyền… Những hình ảnh gần gũi, quen thuộc trong đời sống buôn làng như bến nước, nhà đài được lồng ghép trong từng phân cảnh, cũng như việc sử dụng những nhạc cụ truyền thống của Tây Nguyên trong âm nhạc đã khiến người xem thực sự hòa mình vào cảm xúc của nhân vật, đặc biệt ở những phân cảnh độc thoại.
Sở VHTTDL tỉnh Đắk Lắk thông tin, đêm biểu diễn vở ca kịch Dăm Săn là một điểm nhấn nổi bật trong "Lễ hội Cà phê lần thứ 8". "Khát vọng của Dam Săn" đã thể hiện sự tự hào, ngợi ca khát vọng và vẻ đẹp lãng mạn nhưng cũng đầy kiêu hùng của người Êđê ở Tây Nguyên. Tác phẩm sẽ góp phần phục dựng, trình diễn lịch sử văn hóa người Êđê qua sân khấu âm nhạc độc đáo, bán thực cảnh, được kỳ vọng trở thành một sản phẩm văn hóa du lịch đặc sắc.
Một số hình ảnh tại đêm biểu diễn vở ca kịch "Khát vọng Dam Săn":