Bang Bihar của Ấn Độ đang chứng kiến đợt nắng nóng khốc liệt kéo dài sang tuần thứ hai với nhiệt độ lên đến 47 độ C, buộc các trường học đóng cửa có thể đến ngày 28.6.
Ít nhất 44 người chết vì các vấn đề liên quan đến nhiệt đã được báo cáo ở bang này trong các tuần gần đây, theo đài CNN.
Cục Khí tượng Ấn Độ (IMD) dự báo nhiệt độ sẽ giảm nhẹ trong những ngày tới. Tuy nhiên, đây chỉ là một đợt "tạm lui", nắng nóng sẽ trở lại ngày một thường xuyên và kéo dài hơn.
"Các dự báo dài hạn chỉ ra rằng các đợt nắng nóng ở Ấn Độ có thể vượt qua giới hạn sống sót của một người khỏe mạnh khi nghỉ ngơi trong bóng râm vào năm 2025, tác động đến năng suất lao động, tăng trưởng kinh tế và chất lượng cuộc sống của 310-480 triệu dân" - nghiên cứu công bố hồi tháng 4 của Trường ĐH Cambridge (Anh) cảnh báo.
Không chỉ Ấn Độ, tuần trước nhiệt độ của Bắc Kinh đã tăng trên 41 độ C, lập kỷ lục mới về ngày nóng nhất của tháng 6. Dự báo nhiệt độ ở đây và những nơi khác như TP Thiên Tân, tỉnh Hà Bắc, Sơn Đông… sẽ còn tăng hơn nữa trong mùa hè này. Tại thủ đô Islamabad của Pakistan, nhiệt độ tăng vọt lên 39 độ C vào cuối tuần trước.
Cơ quan Thời tiết quốc gia Mỹ cũng vừa cảnh báo hiện tượng vòm nhiệt có nguy cơ gây kỷ lục nhiệt độ mới trên khắp bang Texas trong cả tuần, sau đó lan rộng về phía Bắc tới TP Kansas rồi toàn bộ bang Oklahoma, vào Thung lũng Mississippi và đi xa hơn về phía Tây nước Mỹ.
Nhiệt độ cao kỷ lục khoảng 43 độ C ở miền Tây Texas xuất hiện từ hôm 26.6 và dự kiến không giảm bớt trước kỳ nghỉ lễ 4.7 (Quốc khánh Mỹ). Ước tính có tới 50 triệu người Mỹ sẽ bị ảnh hưởng bởi đợt nóng khốc liệt này, theo The Guardian.
Vòm nhiệt này hiện đã bao trùm phía trên Mexico và nhiều vùng ở Tây Nam nước Mỹ, là hệ quả của không khí biển nóng bị mắc kẹt trong bầu khí quyển. Theo Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh Mỹ (CDC), trung bình có 702 ca tử vong liên quan đến nhiệt xảy ra mỗi năm ở nước này.