Theo đó, trong giai đoạn 2022 - 2025, tỉnh Khánh Hòa sẽ xây dựng và lắp đặt 810 bể chứa bao gói thuốc bảo vệ thực vật sau sử dụng đảm bảo yêu cầu về vị trí, khoảng cách theo quy định tại Thông tư liên tịch số 05/2016/TTLT-BNNPTNT-BTNMT ngày 16.5.2016 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn - Bộ Tài nguyên và Môi trường trên địa bàn 8 huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh. Tổ chức 90 lớp tập huấn, tuyên truyền, nâng cao nhận thức về sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, hướng dẫn thu gom xử lý bao gói thuốc, hóa chất bảo vệ thực vật sau sử dụng cho 4.500 người; lắp đặt 47 panô, in 4.500 tờ rơi, 4.500 sổ tay với nội dung tuyên truyền nâng cao nhận thức cho người sử dụng thuốc bảo vệ thực vật về các nguy cơ do hóa chất bảo vệ thực vật, bao gói thuốc bảo vệ thực vật sau sử dụng gây ra đối với sức khỏe con người và môi trường sinh thái… Tổng kinh phí thực hiện việc xây dựng, lắp đặt bể chứa, tổ chức tập huấn, in ấn, phát hành tờ rơi, sổ tay là hơn 5 tỷ đồng.
Để đảm bảo hoàn thành các công việc nêu trên, UBND tỉnh giao Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp với các sở, ban, ngành liên quan, UBND các huyện, thị xã, thành phố tổ chức thực hiện kế hoạch đúng tiến độ và hiệu quả; xây dựng kế hoạch thực hiện hàng năm gửi Sở Tài nguyên và Môi trường tổng hợp, trình UBND tỉnh phê duyệt theo quy định. Sở Tài Nguyên và Môi trường có trách nhiệm phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hướng dẫn các địa phương trong việc thu gom, vận chuyển, xử lý bao gói thuốc bảo vệ thực vật sau sử dụng và đăng ký chủ nguồn thải chất thải nguy hại. Đối với các sở, ban, ngành, địa phương, hội, đoàn thể có liên quan cần thực hiện tốt việc tổ chức tuyên truyền, vận động các hội viên và nhân dân chấp hành tốt quy định về sử dụng thuốc bảo vệ thực vật an toàn, hiệu quả và thu gom bao gói thuốc bảo vệ thực vật sau sử dụng đúng nơi quy định…
Với kế hoạch trên sẽ giúp Khánh Hòa nâng cao nhận thức của người dân trong sản xuất, hiệu quả quản lý, thu gom, vận chuyển và xử lý lượng bao thuốc bảo vệ thực vật sau sử dụng trên địa bàn tỉnh; tạo điều kiện thuận lợi để thúc đẩy phát triển sản xuất nông nghiệp sạch, nông nghiệp an toàn bền vững, cải thiện môi trường, bảo vệ sức khỏe cộng đồng; góp phần xây dựng và thực hiện tiêu chí môi trường trong xây dựng nông thôn mới.