Tạo chuyển biến mạnh tới các bộ, ngành, địa phương
Từ đầu nhiệm kỳ Khóa XV đến nay, đây là Hội nghị toàn quốc lần thứ hai về triển khai Chương trình hoạt động giám sát của Quốc hội được tổ chức. Hội nghị lần này được kết nối trực tuyến đến 49 điểm cầu tại Đoàn đại biểu Quốc hội các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương trong cả nước với sự tham dự của Thường trực Tỉnh ủy, Thành ủy, Thường trực HĐND, UBND, Ủy ban MTTQ Việt Nam cấp tỉnh, Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy, Thành ủy, Thanh tra cấp tỉnh… Quy mô, tính chất và thành phần tham dự của Hội nghị lần này cho thấy những cải tiến, đổi mới nhằm nâng cao chất lượng, hiệu lực, hiệu quả các hoạt động của Quốc hội, trong đó có hoạt động giám sát là đúng hướng, rất cần thiết, đáp ứng nhu cầu của thực tiễn cuộc sống.
Thực tế cho thấy, hoạt động giám sát của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội năm 2022 đã có những đổi mới mạnh mẽ, thể hiện sự quan tâm, quyết liệt trong thực hiện trách nhiệm giám sát của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Khẳng định điều này, Phó Tổng Thanh tra Chính phủ Trần Văn Minh phân tích, nội dung giám sát được lựa chọn đúng và trúng các chuyên đề đang được dư luận xã hội và cử tri, Nhân dân cả nước quan tâm. Nhiều vấn đề nóng đã được các Đoàn giám sát của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đặt ra để các địa phương giải trình, qua đó, nhận diện được những tồn tại, bất cập xảy ra trong nhiều lĩnh vực. Hoạt động giám sát chuyên đề tối cao của Quốc hội đã có tác động, ảnh hưởng, tạo chuyển biến cả về nhận thức và trách nhiệm của các bộ, ngành, địa phương như trong công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo và thực hiện chính sách, pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí.
Qua kết quả giám sát, Đoàn giám sát đã có nhiều kiến nghị rà soát, sửa đổi, bổ sung các văn bản quy phạm pháp luật; chấn chỉnh, siết chặt kỷ luật, kỷ cương hành chính, công vụ; đưa ra các giải pháp khắc phục những tồn tại, hạn chế, nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác xây dựng và tổ chức thực hiện pháp luật thuộc nội dung giám sát. Phó Tổng Thanh tra Chính phủ cũng nhấn mạnh, hoạt động giám sát của Quốc hội và Ủy ban Thường vụ Quốc hội năm 2022 đã góp phần tạo chuyển biến tích cực trong việc chấp hành và thực hiện pháp luật của Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương, nhất là trên các lĩnh vực được giám sát, được dư luận và cử tri cả nước đồng tình, ủng hộ, đánh giá cao.
Qua thực tiễn phối hợp triển khai chương trình giám sát tại địa phương, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang Nguyễn Thanh Nhàn nêu rõ, kết quả bước đầu hoạt động giám sát chuyên đề tối cao của Quốc hội đã có tác động, ảnh hưởng, chuyển biến mạnh mẽ tới công tác thực hiện chính sách, pháp luật của địa phương. Một số giải pháp, phân công trách nhiệm đã được kịp thời ban hành để khắc phục ngay các tồn tại, hạn chế đã được Đoàn giám sát chỉ ra.
Chú trọng công tác phối hợp
Nhằm tiếp tục nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của Quốc hội, HĐND các cấp trong thời gian tới, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang đề nghị, mở rộng các chuyên đề giám sát trong các lĩnh vực cụ thể. Nghị quyết về giám sát, chất vấn của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cần gọn, rõ có các tiêu chí định lượng, mốc thời gian, trách nhiệm cụ thể của các cơ quan, tổ chức, cá nhân liên quan và giao nhiệm vụ cho các cơ quan theo chức năng, nhiệm vụ theo dõi, giám sát việc thực hiện các nghị quyết, kiến nghị sau giám sát. Kế hoạch làm việc và Đề cương báo cáo giám sát và phân nhóm đối tượng là bộ/ngành, Trung ương và địa phương riêng do quá trình tổ chức thực hiện ở mỗi nơi có đặc điểm, điều kiện đặc thù khác nhau.
Đánh giá cao mô hình Tổ công tác của Đoàn giám sát tổ chức làm việc trước một bước với các địa phương, song Phó Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang cũng đề nghị, cơ cấu Tổ công tác nên đầy đủ các thành phần có liên quan để đối tượng được giám sát có buổi giải trình, làm rõ hoặc cần thiết đối thoại, trao đổi trực tiếp nhằm làm rõ một số vấn đề còn có quan điểm khác nhau trước khi Đoàn giám sát làm việc hoặc đưa ra kết luận. Cùng với đó, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang đề xuất, đẩy mạnh phân cấp việc giám sát thực hiện các chính sách, pháp luật cho HĐND các cấp.
Dưới góc độ thành viên Đoàn giám sát, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Nguyễn Thị Mai Hoa khẳng định, giám sát phải dựa trên tinh thần xây dựng, trong đó xây là căn bản, lâu dài, chống là quyết liệt, triệt để. Hoạt động giám sát phải xác định đúng và trúng nội dung, phạm vi, đối tượng giám sát; đánh giá công bằng, khách quan; chỉ rõ địa điểm, trách nhiệm giải trình của các tổ chức, cá nhân; kiến nghị, đề nghị sửa đổi chính sách, pháp luật. Đồng thời, phải phát huy được những mô hình tốt, cách làm hay, gương người tốt, việc tốt để nhân rộng; thúc đẩy khâu tổ chức thực hiện để hoàn thành tốt các nhiệm vụ, yêu cầu đặt ra, góp phần phát triển kinh tế - xã hội và xây dựng đất nước. Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục cũng nhấn mạnh, để đạt hiệu quả giám sát cao nhất, Đoàn giám sát đặc biệt coi trọng công tác phối hợp, nhất là với các cơ quan của Quốc hội, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các cơ quan ở Trung ương; Đoàn đại biểu Quốc hội và HĐND các tỉnh, thành phố; các cơ quan thanh tra, kiểm tra.
Nhằm tiếp tục thực hiện có hiệu quả chương trình giám sát những tháng cuối năm 2022 và triển khai chương trình giám sát năm 2023, Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Trương Thị Ngọc Ánh đề xuất giải pháp tiếp tục phối hợp chặt chẽ trong tham gia các hoạt động giám sát của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Tiếp tục đổi mới phương pháp, cách thức tham gia giám sát với Quốc hội năm 2023 và đổi mới, tăng cường sự phối hợp thường xuyên trong việc xây dựng Báo cáo tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và Nhân dân gửi các kỳ họp Quốc hội; giám sát, đôn đốc các cơ quan, tổ chức giải quyết kịp thời các kiến nghị của cử tri và Nhân dân; hoàn thiện các quy định và thực hiện các biện pháp đổi mới việc tiếp xúc cử tri.
Đổi mới, nâng cao chất lượng hoạt động giám sát của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội là chủ trương nhất quán đã và đang được Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội thực hiện một cách ráo riết, quyết liệt, với những yêu cầu rất cụ thể. Đổi mới trong hoạt động giám sát thể hiện ngay từ những thay đổi rõ rệt trong tư duy và cách làm, hướng đến mục tiêu chung là góp phần nâng cao chất lượng, hiệu lực, hiệu quả hoạt động của bộ máy nhà nước và tổ chức thực hiện có hiệu quả các đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước.
Một nét mới trong hoạt động giám sát được thể hiện ngay từ khâu tổ chức thực hiện. Theo đó, có sự huy động sự tham gia của Đoàn đại biểu Quốc hội, HĐND trong triển khai giám sát, với diện rất rộng để có những luận cứ, bằng chứng rất sát thực. Kết quả giám sát là dựa trên những chứng cứ, bằng chứng cụ thể, tình hình thực tế của các bộ, ngành, địa phương. Việc lựa chọn các cơ quan, đơn vị để giám sát trực tiếp cũng được chọn lọc rất kỹ lưỡng và chỉ xuống làm việc khi thật cần thiết...
Nhấn mạnh những nội dung nêu trên trong phát biểu kết luận Hội nghị, với cái nhìn tổng thể và toàn diện, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ một lần nữa khẳng định: Quốc hội luôn tự đổi mới chính bản thân mình, do vậy, mỗi cơ quan của Quốc hội phải thực hiện tốt tự giám sát, mỗi đại biểu Quốc hội phải tự mình kiểm soát hoạt động của chính mình trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn và trách nhiệm trước cử tri để thực sự “mở ra một giai đoạn mới đầy triển vọng tốt đẹp trong hoạt động Quốc hội” như kỳ vọng của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh tại phiên khai mạc Kỳ họp thứ Nhất, Quốc hội Khóa XV.