Trong phiên họp chiều 27.5, Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung đã giải trình, làm rõ các vấn đề đại biểu Quốc hội đặt ra đối với dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi).
Liên quan đến nội dung về điều kiện hưởng bảo hiểm xã hội một lần, Bộ trưởng cho biết, "cơ sở chính trị rất vững chắc đã có là Nghị quyết số 28-NQ/TW của Bộ Chính trị và mục tiêu lớn nhất hướng đến là vừa bảo đảm an sinh xã hội lâu dài, khi người già về hưu đều có lương, có bảo hiểm y tế vừa phải quan tâm đến đời sống thực tế hiện tại của người lao động vì nguyện vọng của một bộ phận người lao động muốn rút bảo hiểm xã hội".
Qua tham khảo kinh nghiệm quốc tế, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho biết, nội dung về bảo hiểm xã hội một lần hoàn toàn chưa có trong pháp luật về bảo hiểm của các nước, đặc biệt là những nước phát triển. Chính phủ cũng đã nhiều lần tham vấn các tổ chức quốc tế; tổ chức hội thảo trao đổi, nghiên cứu kỹ lưỡng ý kiến, giải pháp được đóng góp và thấy rằng không có phương án nào khác ngoài hai phương án đã nêu trong dự thảo luật.
Về một số ý kiến đề xuất tích hợp hai phương án trình Quốc hội để ra một phương án khác, theo đó, người đang đóng bảo hiểm thì hưởng tiếp như Phương án 1, người đóng bảo hiểm sau này thì hưởng như Phương án 2, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung nêu rõ, "sau khi xem xét và qua đánh giá của các chuyên gia cho thấy, nếu tích hợp như vậy thì cộng nhược điểm nhiều hơn ưu điểm. Chính vì vậy, Chính phủ tiếp tục đề xuất Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Quốc hội cho lựa chọn một trong hai phương án".
Mặt khác, từ Kỳ họp thứ Sáu đến nay, cơ quan thẩm tra và cơ quan soạn thảo đã lấy ý kiến rộng rãi của các đối tượng chịu sự tác động. Qua báo cáo của 5 địa phương có tỷ lệ rút bảo hiểm một lần cao nhất hiện nay, đại bộ phận ý kiến đều chọn Phương án 1, rất ít người đề xuất Phương án 2.
Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho biết tán thành với ý kiến cho rằng, cùng với việc có chính sách hạn chế cho rút bảo hiểm xã hội một lần thì cần nhiều giải pháp hỗ trợ người lao động. Song, các chính sách hỗ trợ không thể thiết kế trong luật này mà phải quy định trong luật, nghị định khác.
Phát biểu kết luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định đề nghị Tổng Thư ký Quốc hội khẩn trương tổ chức tổng hợp đầy đủ ý kiến thảo luận, tranh luận của đại biểu Quốc hội để tiếp tục nghiên cứu tiếp thu, giải trình đầy đủ, thuyết phục.
Đối với những nội dung còn có ý kiến khác nhau, chưa có sự đồng thuận cao, Phó Chủ tịch Quốc hội cho biết, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ xem xét thận trọng, cân nhắc và phối hợp với Chính phủ quyết định việc gửi phiếu xin ý kiến đại biểu Quốc hội để lựa chọn phương án, làm cơ sở tiếp thu, chỉnh lý dự thảo luật.
"Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ phối hợp chặt chẽ với Chính phủ chỉ đạo cơ quan chủ trì soạn thảo, cơ quan chủ trì thẩm tra nghiên cứu, tiếp thu, giải trình, hoàn thiện dự thảo luật với trách nhiệm cao nhất và báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội thảo luận trong thời gian giữa hai đợt của Kỳ họp trước khi hoàn chỉnh trình Quốc hội xem xét. Căn cứ ý kiến đại biểu Quốc hội và chất lượng dự thảo luật, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ báo cáo Quốc hội việc xem xét thông qua dự thảo luật hay không thông qua vào giai đoạn sau của Kỳ họp", Phó Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh.