Có thể khẳng định, năm 2021 công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí được triển khai thực hiện quyết liệt, hiệu quả theo quy định của Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, các nhiệm vụ, giải pháp thực hiện thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong chương trình tổng thể và các nghị quyết của Chính phủ đã đạt được nhiều kết quả tích cực trên tất cả các lĩnh vực, cơ bản đã đạt được các mục tiêu tổng quát và nhiều chỉ tiêu, nhiệm vụ chủ yếu đã đề ra, góp phần quan trọng trong việc thực hiện thắng lợi nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội.
Tuy nhiên, bên cạnh kết quả đã đạt được, công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí còn nhiều tồn tại, hạn chế như trong báo cáo của Chính phủ đã nêu.
Để tiếp tục thực hiện các nhiệm vụ thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong năm 2022, tôi xin nhấn mạnh hai nội dung:
Thứ nhất, về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong quản lý đất đai. Trong năm 2021, Chính phủ đã chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương tập trung tổng kết, đánh giá thực tiễn để từng bước hoàn thiện đồng bộ chủ trương, chính sách, pháp luật về đất đai. Công tác quản lý và sử dụng đất đai được tăng cường. Công tác thu hồi đất, giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất có bước chuyển biến tích cực, góp phần phục vụ yêu cầu tập trung triển khai các dự án hạ tầng, hệ thống đô thị, nhà ở và thu hút các dự án, nguồn vốn đầu tư cho sản xuất kinh doanh.
Nguồn thu từ đất đai tăng cao, đạt 172,25 nghìn tỷ đồng, chiếm 15,2% thu ngân sách nội địa. Tuy nhiên, công tác quản lý đất đai vẫn còn tình trạng lãng phí, vi phạm trong quản lý đất đai còn xảy ra ở nhiều nơi. Những sai phạm cụ thể, tồn tại này gây lãng phí to lớn về nguồn lực đất đai cũng như gây hậu quả lâu dài cho xã hội và người dân. Vì vậy, tôi đề nghị Chính phủ tập trung cao độ chỉ đạo các bộ, ngành của trung ương nghiên cứu, ban hành đồng bộ về thể chế pháp luật liên quan đến đất đai. Trọng tâm là thực hiện đúng tiến độ kế hoạch để trình sửa đổi Luật Đất đai năm 2013 theo kế hoạch của Quốc hội, đồng thời tăng cường công tác kiểm tra, giám sát công tác thi hành Luật Đất đai hiện hành để triển khai và khai thác hiệu quả nguồn lực tài nguyên đặc biệt này.
Thứ hai, về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong quản lý, sử dụng trụ sở làm việc, nhà công vụ và công trình phúc lợi công cộng, năm 2021 Chính phủ đã ban hành Nghị định 67 ngày 15.7.2021 sửa đổi một số điều Nghị định 167/NĐ-CP ngày 31.12.2017 quy định việc sắp xếp lại xử lý tài sản công nhằm hoàn thiện quy định về sắp xếp lại, xử lý nhà đất, qua đó tạo hành lang pháp lý để quản lý chặt chẽ, đẩy lùi thất thoát, lãng phí, khai thác tài sản công, hợp lý, hiệu quả.
Năm 2021, công tác sắp xếp trụ sở, nhà đất công, tiếp tục được các bộ, ngành, địa phương quan tâm thực hiện. Tính đến 31.12.2021 đã phê duyệt phương án sắp xếp lại xử lý đối với 29.625 cơ sở nhà đất, gồm khối cơ quan, đơn vị và khối doanh nghiệp nhà nước, đã thực hiện thu hồi 122 cơ sở, chuyển giao về địa phương quản lý để xử lý đối với 401 cơ sở nhà đất, qua đó đã góp phần chỉnh trang đô thị, đưa nhà đất vào sản xuất kinh doanh, đóng góp nguồn thu lâu dài cho ngân sách nhà nước.
Tuy nhiên, nhìn vào kết quả trên cho thấy, số tài sản nhà đất công đã được chuyển giao và xử lý còn rất thấp, mới chuyển giao xử lý được 523 cơ sở trên tổng số 29.625 cơ sở. Như vậy, trên phạm vi cả nước còn 29.082 cơ sở đã được phê duyệt phương án cần chuyển giao hoặc xử lý. Cũng như các tỉnh trong cả nước, qua giám sát tại Phú Thọ, có thể thấy nhiều đơn vị thuộc các bộ, ngành, cơ quan trung ương quản lý đã được tỉnh bố trí vị trí đất mới ở vị trí đẹp hơn, diện tích đất rộng hơn để xây dựng trụ sở làm việc, trụ sở mới đã xây dựng xong đi vào hoạt động, nhưng nhà đất ở vị trí cũ chưa bàn giao cho tỉnh quản lý. Ví dụ, tại thành phố Việt Trì là đô thị loại 1 thuộc tỉnh Phú Thọ, hiện còn 22 cơ sở với 101.355,9 m2 đất là trụ sở đất công đều ở những vị trí “đất vàng”, có giá trị rất cao, nhưng hiện nay không sử dụng, thậm chí có trụ sở cơ quan đã chuyển cách đây nhiều năm, cơ sở vật chất đã xuống cấp, gây lãng phí lớn về tài sản của Nhà nước. Những tài sản này nếu được khai thác hiệu quả sẽ góp phần tạo ra nguồn lực to lớn để phát triển kinh tế - xã hội.
Vì vậy, tôi đề nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành trung ương chủ động phối hợp với các địa phương đẩy nhanh tiến độ chuyển giao các cơ sở nhà đất do các cơ quan trung ương quản lý hiện không sử dụng về địa phương để các địa phương có phương án quản lý và sử dụng hiệu quả. Đồng thời, đề nghị các bộ, ngành trung ương tiếp tục rà soát, hoàn thiện về thể chế, xem xét, phân cấp hoặc ủy quyền cho HĐND, UBND cấp tỉnh thực hiện các thủ tục hành chính liên quan để tạo điều kiện đẩy nhanh tiến độ xử lý nhà đất nhằm khai thác hiệu quả nguồn lực đất đai cho nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội.