Văn hoá là sức mạnh nội sinh, động lực phát triển
Văn hoá là một sức mạnh nội sinh và động lực phát triển. Trong những năm qua, Đảng và Nhà nước ta luôn đề cao vị trí và vai trò của văn hoá trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế.
PGS.TS Nguyễn Thị Thu Phương, Viện trưởng Viện Văn hóa nghệ thuật quốc gia Việt Nam, đã nhấn mạnh trong tham luận tại Hội thảo khoa học "50 năm xây dựng nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc" rằng, các nghị quyết của Đảng như Nghị quyết Trung ương 5 khóa VIII (1998) và Nghị quyết số 23-NQ/TW của Bộ Chính trị khóa X (2008) đã đặt nền móng cho việc xây dựng và phát huy sức mạnh mềm văn hóa Việt Nam. Nghị quyết Trung ương 9 khóa XI (2014) tiếp tục phát triển các quan điểm xác định vai trò của văn hóa trong sự phát triển bền vững đất nước.
Thoe PGS.TS Nguyễn Thị Thu Phương, văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội, là mục tiêu và động lực phát triển bền vững. Văn hóa phải được đặt ngang hàng với kinh tế, chính trị, xã hội, xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc. Điều này đòi hỏi sự thống nhất trong đa dạng của cộng đồng các dân tộc Việt Nam với các đặc trưng dân tộc, nhân văn, dân chủ và khoa học. Quá trình xây dựng và phát triển văn hóa là sự nghiệp của toàn dân, do Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, nhân dân là chủ thể sáng tạo, và đội ngũ trí thức giữ vai trò quan trọng. Các quan điểm này thể hiện tầm tư duy sâu sắc và toàn diện của Đảng về văn hóa, xác định đúng vị trí của văn hóa trong mối quan hệ với các lĩnh vực chính trị, kinh tế, xã hội, cũng như vai trò của văn hóa và con người đối với sự phát triển bền vững.
Trong thực tiễn, việc xây dựng và phát huy giá trị văn hóa và sức mạnh con người Việt Nam là một quá trình kết hợp nhuần nhuyễn giữa sáng tạo và xác lập những giá trị văn hóa, chuẩn mực đạo đức mới, khơi dậy và lan tỏa những giá trị tốt đẹp của văn hóa, tinh thần và ý chí quyết tâm. Điều này tạo động lực thúc đẩy đất nước phát triển bền vững và cường thịnh.
PGS.TS Bùi Hoài Sơn, Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội, trong tham luận tại hội thảo cũng nhấn mạnh, phát triển các ngành công nghiệp văn hóa nhằm khai thác và phát huy tiềm năng văn hóa Việt Nam, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội và ổn định chính trị. Văn hóa trở thành nền tảng tinh thần của xã hội, vừa là mục tiêu, vừa là động lực thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội. Phát triển các ngành công nghiệp văn hóa hiện nay là cần thiết, giúp Việt Nam tái cơ cấu mô hình tăng trưởng, tạo ra các sản phẩm và dịch vụ văn hóa có tính cạnh tranh cao, tạo thêm công ăn việc làm ổn định và đóng góp tích cực cho nền kinh tế. Đây là chiến lược xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc trong bối cảnh kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa.
Chưa khai thác hết sức mạnh văn hóa
Tại hội thảo, các chuyên gia, Đảng và Nhà nước có sự thống nhất trong việc xác định vai trò của sức mạnh mềm văn hóa là: sức thu hút, hấp dẫn Việt Nam với thế giới bên ngoài; là sức mạnh nội sinh nâng cao tinh thần dân tộc, sự tự tin trong giao tiếp và quảng bá giá trị văn hóa Việt Nam ra thế giới; là thương hiệu quốc gia trong quan hệ quốc tế. Điều này tạo nền tảng vững chắc cho việc bảo tồn, phát huy, khai thác giá trị văn hóa kết tinh, tạo nên sức mạnh nội sinh, động lực thực hiện khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc. Các ngành công nghiệp văn hóa được xem là một trong những giải pháp đột phá trong phát triển văn hóa nói riêng và đất nước nói chung trong giai đoạn hiện nay.
Theo PGS.TS Bùi Hoài Sơn, công nghiệp văn hóa đang trở thành xu hướng và được xác định là phần quan trọng, bền vững, đóng góp vào sự tăng trưởng của đất nước. Theo báo cáo của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, giá trị tăng thêm của các ngành công nghiệp văn hóa đóng góp vào nền kinh tế năm 2018 ước đạt 5,82%; năm 2019 đạt 6,02%; năm 2020 và 2021 do ảnh hưởng của đại dịch nên giảm còn khoảng 4,32% và 3,92%; đến năm 2022 giá trị đóng góp đã tăng trưởng đạt 4,04%. Giá trị sản xuất của các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam giai đoạn 2018-2022 đóng góp ước bình quân đạt 1,059 triệu tỷ đồng (tương đương khoảng 44 tỷ USD).
Mặc dù, các ngành công nghiệp văn hóa có đóng góp lớn đối với nền kinh tế, tạo điều kiện khai thác giá trị văn hóa dân tộc, giúp tăng năng lực cạnh tranh quốc gia và quảng bá hình ảnh Việt Nam với thế giới và có nhiều dư địa để phát triển, nhưng PGS.TS Bùi Hoài Sơn cho rằng, hệ thống quản lý và các mô hình đầu tư của chúng ta chưa thực sự phù hợp cho sự phát triển mạnh mẽ của ngành công nghiệp văn hóa; còn thiếu hụt và yếu kém trong quản lý và kỹ năng chuyên môn để có thể thành công trong sáng tạo và kinh doanh văn hóa.
Hiện nay, các cơ chế thích hợp cho sự thành công của công nghiệp văn hóa chưa được vận hành hiệu quả. Thiếu sự hợp tác hiệu quả giữa các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp liên quan trong lĩnh vực văn hóa. Bên cạnh đó, thị trường nội địa và quốc tế cho các sản phẩm và dịch vụ văn hóa Việt Nam còn kém phát triển... là những nguyên nhân căn bản cần khắc phục để công nghiệp văn hoá phát triển, góp phần phát triển đất nước.