Tham dự Hội thảo, về phía các cơ quan Bộ, Ban, Ngành Trung ương có Phó Cục trưởng Cục Di sản văn hóa, Bộ VH, TT & DL Nông Quốc Thành; Viện trưởng Viện Nghiên cứu văn hóa, Viện Hàn Lâm Khoa học Xã hội Việt Nam - PGS.TS. Nguyễn Thị Phương Châm; Viện trưởng Viện Văn hóa nghệ thuật Quốc gia Việt Nam - PGS.TS. Nguyễn Thu Phương.
Về phía Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam có Trưởng lão Hoà thượng Thích Thanh Dũng, Phó pháp chủ kiêm Chánh Thư ký Hội đồng Chứng minh; Hoà thượng, Tiến sĩ Thích Quảng Tùng, Phó Chủ tịch Hội đồng Trị sự Trung ương Giáo hội phật giáo (GHPG) Việt Nam, Trưởng ban Từ thiện xã hội Trung ương GHPG Việt Nam; Thượng toạ Thích Thanh Phong, Phó Chủ tịch Hội đồng Trị sự Trung ương GHPG Việt Nam, Trưởng ban Kinh tế Tài chính Trung ương GHPG Việt Nam.
Về phía tỉnh Bắc Giang có Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Bắc Giang Mai Sơn; Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Bắc Giang Trương Quang Hải.
Những dấu chân truyền pháp, hoằng pháp Đạo Phật đầu tiên vào Việt Nam trên mảnh đất Bắc Giang
Phát biểu khai mạc Hội thảo sáng 31.10, PGS.TS Nguyễn Tiến Vinh, Viện trưởng Viện Trần Nhân Tông, ĐH Quốc gia Hà Nội cho biết, trải dài gần hai thiên niên kỷ kể từ khi được du nhập vào Việt Nam, Phật giáo đã đồng hành cùng từng bước thăng trầm, có những đóng góp to lớn cho sự nghiệp xây dựng, bảo vệ và phát triển của đất nước, trở thành một thành tố văn hóa, bản sắc của dân tộc. Ngày nay, trên mỗi vùng miền của Tổ quốc, nói đến Phật giáo là nói đến những di sản vật thể, phi vật thể tạo nên bề dày, chiều sâu văn hóa - văn hiến, là nói đến những giá trị tâm linh và xã hội góp phần hình thành bệ đỡ tinh thần, nguồn lực cho một sự phát triển hài hòa, bền vững của đất nước.
Theo PGS.TS Nguyễn Tiến Vinh, Bắc Giang là vùng đất thuộc miền thượng của xứ/trấn Kinh Bắc ngàn năm văn hiến, là một trong những địa phương mang trong mình nhiều dấu tích, di sản và sự hiện diện sinh động nhất của Phật giáo truyền thống và đương đại Việt Nam. Những ghi chép trong thư tịch cổ và các kết quả nghiên cứu khảo cổ đều cho thấy những dấu chân truyền pháp, hoằng pháp Đạo Phật đầu tiên vào Việt Nam có trên mảnh đất Bắc Giang.
Hiện nay, trên địa bàn Bắc Giang có khoảng 940 ngôi chùa, tự viện Phật giáo phân bố ở hầu khắp 10 huyện, thành phố từ miền đồng bằng, từ đô thị đến các làng xã, vùng sâu hay núi cao của tỉnh. Các cơ sở tự viện Phật giáo Bắc Giang chủ yếu thuộc hai dòng Phật giáo tiêu biểu, có sự ảnh hưởng lớn bậc nhất ở Việt Nam, là Phật giáo Lâm Tế và Phật giáo Trúc Lâm. Trong đó nhiều ngôi chùa là di sản hay mang trong mình những di sản quốc gia và thế giới như chùa Bổ Đà (chốn tổ của Phật giáo Lâm Tế ở xã Tiên Sơn, huyện Việt Yên), chùa Vĩnh Nghiêm (chốn tổ Phật giáo Trúc Lâm ở xã Trí Yên, huyện Yên Dũng),...
Đặc biệt, Bắc Giang - Tây Yên Tử còn là một trong những vùng đất ghi dấu ấn sự phát triển và hưng thịnh của Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử, là chặng đường quan trọng trên con đường hoằng dương Phật pháp của vị Sơ tổ của Phật giáo Trúc Lâm - Phật hoàng Trần Nhân Tông.
“Những giá trị văn hóa, bao gồm cả giá trị văn hóa vật chất và giá trị văn hóa tinh thần của Phật giáo Bắc Giang - Tây Yên Tử được hình thành, kết tinh từ một không gian với những điều kiện tự nhiên, bối cảnh lịch sử, con người hết sức đặc biệt. Ngày nay, không gian tự nhiên - xã hội địa linh nhân kiệt này tiếp tục đem lại những giá trị mới cho Phật giáo Bắc Giang, tạo ra những tiềm năng mới, làm cho Phật giáo cùng với những yếu tố tự nhiên - xã hội đó thành những nguồn lực tinh thần, vật chất cho sự phát triển mới của vùng, địa phương”, PGS.TS Nguyễn Tiến Vinh nhấn mạnh.
Viện trưởng Viện Trần Nhân Tông, ĐH Quốc gia Hà Nội chia sẻ, chính trong bối cảnh và từ những nhận thức nói trên mà ý tưởng về một nghiên cứu sâu rộng, tổng thể về “Không gian văn hóa Phật giáo Bắc Giang (Tây Yên Tử) được hình thành.
Hội thảo “Không gian Phật giáo Bắc Giang (Tây Yên Tử)” được tổ chức với mong muốn đóng góp những nhận thức, đánh giá hệ thống và toàn diện, bao gồm cả những phát hiện khoa học mới về Phật giáo Bắc Giang - Tây Yên Tử. Hội thảo cũng được kỳ vọng làm sáng rõ, lan tỏa những giá trị mang tính di sản và đương đại của Phật giáo Bắc Giang, nhận diện và đưa những giải pháp đối với tiềm năng, cơ hội và thách thức để những giá trị này có thể được bảo tồn, phát huy, tạo thành nguồn lực cho sự phát triển nhân văn, hài hòa và bền vững của địa phương.
Trong quá trình chuẩn bị nội dung Hội thảo, Ban tổ chức đã nhận được tổng số 110 tham luận với sự tham gia của 128 học giả. Sau quá trình thẩm định, phản biện và biên tập nội dung với tinh thần trân trọng nghiêm túc và khoa học, từ 110 tham luận được gửi về, Ban tổ chức đã tuyển chọn được 74 tham luận tiêu biểu nhất để đăng toàn văn trong Kỷ yếu Hội thảo.
Theo PGS.TS Nguyễn Tiến Vinh, Hội thảo đã nhận được sự quan tâm lớn của các học giả, thuộc nhiều lĩnh vực, đến từ nhiều các cơ quan, tổ chức, thành phần khác nhau từ cả ba miền đất nước. Chiếm tỷ lệ cao là các học giả đến từ các trường đại học, học viện, viện nghiên cứu có uy tín trong các lĩnh vực chuyên môn như Lịch sử, Tôn giáo học, Phật học, Di sản học, Nghệ thuật, Văn hóa...
Hội thảo cũng nhận được sự tham gia với số lượng quan trọng những nhà nghiên cứu, nhà quản lý đến từ các cơ quan, tổ chức ở Trung ương và địa phương, trong đó đặc biệt từ Bắc Giang. Về phía các nhà tu hành, Ban tổ chức đã nhận được tham luận của hàng chục vị tăng, ni từ các Phật học viện, các tông phái, sơn môn, tự viện khác nhau. Một điểm chỉ dấu đáng mừng về tính khoa học, thời sự của chủ đề Hội thảo là Ban tổ chức đã nhận được 7 tham luận của các nghiên cứu sinh hiện đang học tập, nghiên cứu tại các cơ sở đào tạo chuyên ngành Phật học ở trong và ngoài nước.
Về nội dung, 74 bài tham luận được chọn in trong Kỷ yếu đã tập trung vào ba nội dung chủ đạo tương ứng 3 phiên thảo luận của Hội thảo, gồm “Không gian văn hóa Phật giáo Bắc Giang trong dòng chảy lịch sử Phật giáo Việt Nam”, “Di sản văn hóa Phật giáo Bắc Giang”, “Bảo tồn và phát huy giá trị không gian văn hóa Phật giáo Bắc Giang (Tây Yên Tử)”.
Văn hóa Phật giáo- bộ phận quan trọng góp phần tạo nên bức tranh văn hóa Bắc Giang
Phát biểu chào mừng Hội thảo, ông Mai Sơn, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Bắc Giang cho biết, Bắc Giang là tỉnh trung du thuộc khu vực Đông Bắc Việt Nam với diện tích tự nhiên gần 3.900 km2, dân số trên 1,9 triệu người. Với vị trí địa lý, điều kiện tự nhiên thuận lợi, nguồn lao động dồi dào, chất lượng cùng với những định hướng, chiến lược phát triển phù hợp và khát vọng đưa lên và toàn thể Đảng bộ, chính quyền, nhân dân và doanh nghiệp trong tỉnh, Bắc Giang đang trên đường trở thành một trung tâm kinh tế lớn trong khu vực miền Bắc Việt Nam.
Những năm gần đây, tốc độ tăng trưởng kinh tế của tỉnh liên tục duy trì trong tốp dẫn đầu của cả nước. Quy mô kinh tế ngày càng mở rộng, công nghiệp có bước phát triển đột phá, nông nghiệp ngày càng khẳng định vị thế ở cả thị trường trong và ngoài nước, thu hút đầu tư liên tục, nằm trong nhóm 10 tỉnh, thành phố dẫn đầu cả nước. Cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động tiếp tục chuyển dịch theo hướng tích cực, diện mạo đô thị và nông thôn thay đổi rõ nét. An ninh chính trị được đảm bảo, đời sống vật chất, tinh thần nhân dân được cải thiện.
Trong lĩnh vực văn hóa, Bắc Giang được ví là nền di sản, kho tàng di sản văn hóa vật thể và phi vật thể phong phú, đặc sắc sắc. Đến nay, trên địa bàn tỉnh có 5 di sản văn hóa được UNESCO vinh danh, 15 di sản văn hóa phi vật thể được đưa vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, 4 bảo vật quốc gia, 746 di tích được xếp hạng các cấp, gần 800 lễ hội truyền thống.
Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Bắc Giang Mai Sơn cho biết, Phật giáo là một trong hai tôn giáo chính ở Bắc Giang, được Nhà nước công nhận với gần 200.000 tín đồ. Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có 2 trung tâm Phật giáo lớn là chùa Vĩnh Nghiêm (xã Trí Yên, huyện Yên Dũng) và chùa Bổ Đà (xã Tiên Sơn, huyện Việt Yên). Với những giá trị đặc sắc về lịch sử, văn hóa, Chùa Vĩnh Nghiêm và chùa Bổ Đà đã được xếp hạng di tích quốc gia đặc biệt.
Hiện nay, Bắc Giang cũng đang phối hợp với các tỉnh Quảng Ninh, Hải Dương xây dựng, hoàn thiện hồ sơ khoa học quần thể di tích danh thắng Yên Tử - Vĩnh Nghiêm - Côn Sơn, Kiếp Bạc trình UNESCO vinh danh là Di sản thế giới, trong đó chùa Vĩnh Nghiêm và chùa Bổ Đà là 2 điểm di tích của tỉnh Bắc Giang được các nhà khoa học lựa chọn đưa vào hồ sơ đề cử.
Ông Mai Sơn khẳng định, văn hóa Phật giáo là một bộ phận quan trọng góp phần tạo nên bức tranh văn hóa Bắc Giang đa dạng, phong phú, đậm đà bản sắc dân tộc. Tỉnh Bắc Giang xác định, bảo tồn và phát huy di sản văn hóa Phật giáo nói chung, di sản văn hóa Phật giáo Trúc Lâm Yên Tử nói riêng gắn với phát triển du lịch văn hóa tâm linh bền vững là nhiệm vụ quan trọng đối với các cấp chính quyền và nhân dân toàn tỉnh.
Trong những năm gần đây, tỉnh Bắc Giang đã nỗ lực cao trong việc bảo tồn và phát huy di sản văn hóa Phật giáo, xuất bản nhiều cuốn sách ấn phẩm nghiên cứu, tuyên truyền, tổ chức nhiều cuộc khai quật khảo cổ, lập hồ sơ khoa học đề nghị xếp hạng di tích các cấp, tổ chức các cuộc hội thảo khoa học. Con đường hoằng dương Phật pháp của các Phật tổ thiền phái Trúc Lâm Yên Tử đang được đầu tư nghiên cứu, triển khai với các hoạt động cụ thể nhằm khai thác tiềm năng, lợi thế cảnh quan thiên nhiên gắn với dấu tích chùa tháp liên quan đến Phật giáo Trúc Lâm Yên Tử để xây dựng thành sản phẩm du lịch trọng điểm của tỉnh.
Tuy nhiên, nguồn thông tin tư liệu liên quan đến Phật giáo, văn hóa Phật giáo Bắc Giang qua các thời kỳ lịch sử còn ít và chưa mang tính hệ thống; các công trình, tác phẩm nghiên cứu chuyên sâu về văn hoá Phật giáo Bắc Giang còn là số lượng khiêm tốn; việc đề xuất các giải pháp bảo tồn, phát huy di sản văn hóa Phật giáo gắn với phát triển du lịch còn hạn chế.
“Do vậy, chúng tôi tin tưởng và hy vọng rằng việc tổ chức Hội thảo khoa học cấp quốc gia “Không gian văn hóa Phật giáo Bắc Giang (Tây Yên Tử)” không những là dịp để các đại biểu, nhà khoa học trao đổi, thảo luận, cung cấp nguồn thông tin, tư liệu phong phú, hữu ích, có giá trị chất lượng cho việc bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa Phật giáo tỉnh Bắc Giang, nhất là Phật giáo Trúc Lâm Yên Tử mà còn góp phần làm sáng tỏ vai trò của Phật giáo đối với xã hội đương đại, những vấn đề mới phát sinh, những thách thức đối với sự phát triển trong tương lai của Phật giáo.
Đây sẽ là cơ sở để hoạch định chính sách, đắc lực cho sự nghiệp phát triển kinh tế, văn hóa xã hội của Bắc Giang”, ông Mai Sơn nhấn mạnh.