Phải bao quát vấn đề trong công tác quản lý nhà nước về đấu thầu
Trình bày Tờ trình về dự án Luật Đấu thầu (sửa đổi), Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết, dự thảo Luật được xây dựng trên cơ sở 5 nhóm chính sách trong Đề nghị xây dựng Luật đã được Quốc hội, Chính phủ thông qua, gồm 10 Chương, 92 Điều. So với Luật Đấu thầu năm 2013, dự thảo Luật này đã sửa đổi 85 Điều, bổ sung mới 5 Điều, giữ nguyên 2 Điều, bãi bỏ 11 Điều.
Về phạm vi điều chỉnh (Điều 1), dự thảo Luật tiếp tục quy định về hoạt động lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án đầu tư có sử dụng đất, đồng thời, bổ sung hoạt động lựa chọn nhà đầu tư đối với dự án đầu tư phải tổ chức đấu thầu theo quy định của pháp luật.
Cũng theo quy định tại Điểm b, Khoản 1, Điều 1 dự thảo Luật, Luật này được áp dụng đối với hoạt động lựa chọn nhà thầu của doanh nghiệp nhà nước thuộc đối tượng quy định tại Khoản 1, Điều 88 Luật Doanh nghiệp (bao gồm: doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ và doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ trên 50% vốn điều lệ hoặc tổng số cổ phần có quyền biểu quyết). Bên cạnh đó, dự thảo Luật đã bãi bỏ quy định tại Điểm c, Khoản 1, Điều 1 Luật Đấu thầu năm 2013 để không áp dụng Luật Đấu thầu đối với hoạt động lựa chọn nhà thầu thuộc dự án đầu tư phát triển của doanh nghiệp có sử dụng vốn nhà nước, vốn của doanh nghiệp nhà nước.
Báo cáo thẩm tra dự án Luật do Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính – Ngân sách Nguyễn Phú Cường trình bày nêu rõ, Thường trực Ủy ban tán thành về sự cần thiết sửa đổi nhằm kịp thời khắc phục những hạn chế, bất cập của Luật Đấu thầu hiện hành; bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ của hệ thống pháp luật. Qua đó, góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả trong đấu thấu, lựa chọn nhà thầu và quản lý, sử dụng vốn, tài sản nhà nước.
Nhất trí với các mục tiêu, quan điểm, yêu cầu và các nhóm chính sách song Thường trực Ủy ban đề nghị, cần bổ sung thêm một số vấn đề. Đó là việc sửa đổi Luật Đấu thầu phải bám sát và thể chế hóa đầy đủ quan điểm theo Văn kiện Đại hội XIII của Đảng về: “Tăng cường hiệu lực, hiệu quả công tác lựa chọn nhà thầu, quản lý đấu thầu” nhằm góp phần quản lý hiệu quả, công khai, minh bạch và sử dụng hiệu quả nguồn vốn, tài sản nhà nước. Việc sửa đổi luật phải bảo đảm khắc phục những vấn đề tồn tại, vướng mắc, thiếu đồng bộ, bất cập trong quá trình thực hiện; giải quyết những vấn đề phát sinh trong thực tiễn… Phải bảo đảm tính khả thi, ổn định, thống nhất, đồng bộ với các luật khác, bao quát toàn diện các vấn đề liên quan đến công tác quản lý nhà nước về đấu thầu và cơ chế kiểm tra, giám sát, giải quyết kiến nghị trong hoạt động đấu thầu…
Nâng cao tính cạnh tranh bình đẳng, công khai, minh bạch trong lựa chọn nhà thầu
Đa số Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội tán thành với việc sửa đổi Luật Đấu thầu nhằm nâng cao tính cạnh tranh bình đẳng, công khai, minh bạch trong lựa chọn nhà thầu thực hiện các dự án đầu tư, mua sắm công, quản lý sử dụng vốn, tài sản của nhà nước. Tuy nhiên, do dự án Luật liên quan đến nhiều luật khác nhau, như: Luật Đất đai, Luật Nhà ở, Luật Xây dựng, Luật Lao động, Luật Dầu khí… Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga đề nghị, cần tiếp tục tục rà soát để bảo đảm tính thống nhất của hệ thống pháp luật, tránh mâu thuẫn, chồng chéo.
Về phạm vi điều chỉnh, dự thảo Luật đã mở thêm đấu thầu với những dự án doanh nghiệp có vốn nhà nước và dự án vốn của doanh nghiệp có vốn của nhà nước, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đề nghị, cần căn cứ vào đánh giá của Bộ Tư pháp và thẩm tra của Ủy ban Tài chính – Ngân sách và cần đối chiếu với Luật Quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư và sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp. Nêu vấn đề một mặt tăng cường quản lý đồng vốn của nhà nước và vốn của doanh nghiệp nhà nước nhưng cũng phải bảo đảm được quyền tự chủ và quyền “nhanh nhạy” trong quyết định kinh doanh, theo Chủ tịch Quốc hội, để bảo đảm hài hòa thì cần cụ thể trường hợp nào thực hiện theo Luật này, trường hợp nào không.
Về đấu thầu tập trung, mua thuốc, cung cấp sản phẩm, dịch vụ công, nêu rõ thực trạng xã hội rất quan tâm đến vấn đề này, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh đề nghị, cần phải báo cáo làm rõ trong quá trình tổ chức thực hiện đấu thầu thuốc, trang thiết bị y tế, tập trung trong thời gian vừa qua có những vấn đề gì mà tổ chức khó khăn? thậm chí Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo rất quyết liệt nhưng vẫn khan hiếm thuốc? Và trong luật phải khắc phục được vấn đề này không?
Cùng quan điểm này, Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Nguyễn Thúy Anh nêu rõ: “Thuốc và trang thiết bị y tế khó dự trù chính xác nhu cầu sử dụng. Việc tổ chức đấu thầu theo quy định của Luật mất nhiều thời gian nên có thể xảy ra thiếu thuốc, trang thiết bị y tế khi nhu cầu vượt dự trù ảnh hưởng đến quyền lợi bệnh nhân, chất lượng dịch vụ, vấn đề này cũng cần được dự tính trong dự thảo Luật. Liên quan đến việc thẩm định giá, đề nghị nghiên cứu điều chỉnh để kiểm soát được kết quả thẩm định giá”.
Thẩm tra nội dung này, Thường trực Ủy ban Tài chính – Ngân sách cũng đề nghị, Chính phủ cần đánh giá toàn diện, sâu sắc những vướng mắc, bất cập trong việc thực hiện đấu thầu tập trung, mua thuốc, trang thiết bị y tế thời gian qua để có những quy định cụ thể hơn.