Sự lựa chọn tốt trên kệ hàng
Thời gian qua, các sản phẩm OCOP của thành phố Hà Nội được người tiêu dùng trên địa bàn đón nhận. Ghi nhận thực tế cho thấy, với người tiêu dùng, nếu lựa chọn sản phẩm tại các điểm bán lẻ (siêu thị, cửa hàng tiện lợi), họ sẽ ưu tiên những mặt hàng bảo đảm chất lượng, nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng, dễ dàng truy xuất. Theo Phó Giám đốc Sở Công thương thành phố Trần Thị Phương Lan, những yếu tố này đều hội tụ trên sản phẩm OCOP của thủ đô. Ngay từ khi tham gia chương trình OCOP, các chủ thể đã quan tâm đến sản phẩm và thực hiện tốt cam kết, chất lượng và mẫu mã nhiều sản phẩm không ngừng được nâng lên.
Thời gian qua, số lượng các siêu thị, cửa hàng tiện lợi trên địa bàn Hà Nội tăng nhanh. Các chuỗi cửa hàng Vinmart+, Circle K, Lotter Mart, BRG Mart... đã có mặt rộng khắp. Bên cạnh đó, người tiêu dùng đã chuyển hướng tới các cửa hàng tiện lợi, siêu thị mini thường xuyên hơn. Chủ tịch HĐQT Liên hiệp HTX Tiêu thụ nông sản an toàn Việt Nam UCAmart Phạm Anh Tuấn cho rằng: Nếu đưa được nguồn hàng OCOP vào chuỗi bán lẻ sẽ góp phần thúc đẩy sự phát triển, giao thương của các sản phẩm OCOP của thành phố. Đây cũng là hoạt động thiết thực hưởng ứng cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” do Bộ Công thương phát động. Người tiêu dùng sẽ hưởng lợi nhiều nhất khi tiếp cận dễ dàng những sản phẩm OCOP chất lượng tốt, giá tốt, bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm.
Xu thế là vậy. Tuy nhiên, nhiều đơn vị có sản phẩm OCOP hiện vẫn đang loay hoay khâu xúc tiến thương mại. Nhận diện thực tế này, Hà Nội đang tích cực triển khai các hoạt động hỗ trợ kết nối, giới thiệu, quảng bá sản phẩm OCOP đến người tiêu dùng. Phó Giám đốc Sở Công thương thành phố Trần Thị Phương Lan cho biết thời gian tới, Sở sẽ tổ chức nhiều hoạt động hỗ trợ kết nối cho các chủ thể với các đơn vị bán lẻ đang hoạt động trên địa bàn. Đồng thời, hỗ trợ khâu sản xuất về khoa học kỹ thuật theo hướng an toàn; hoàn thiện thủ tục cấp giấy chứng nhận an toàn vệ sinh thực phẩm cho các chủ thể để bảo đảm đủ điều kiện đưa hàng vào siêu thị theo yêu cầu của nhà phân phối.
Cũng theo đại diện Sở Công thương, các chủ thể đều mong muốn có một kênh bán hàng tiêu thụ sản phẩm OCOP chuyên biệt. Sở đang hình thành các điểm giới thiệu sản phẩm OCOP trên địa bàn. Đồng thời, đẩy mạnh hoạt động hỗ trợ kết nối những đơn vị sản xuất để đưa sản phẩm OCOP vào các siêu thị, cửa hàng tiện ích. Bà Lan cho rằng khi hình thành các điểm giới thiệu sản phẩm OCOP, đồng nghĩa tạo ra kênh phân phối chính thức các sản phẩm OCOP, người tiêu dùng sẽ được tiếp cận sản phẩm OCOP dễ dàng mà không lo ngại hàng nhái, hàng kém chất lượng. Dự kiến hết năm 2020, Hà Nội sẽ khai trương 25 điểm giới thiệu sản phẩm OCOP. Năm 2021, thành phố phấn đấu có từ 60 - 70 điểm giới thiệu, quảng bá và bán sản phẩm OCOP.
Nâng sao cho các sản phẩm
Giám đốc Sở NN và PTNT Chu Phú Mỹ cho biết việc nâng hạng sao cho sản phẩm khuyến khích các chủ thể nâng cao chất lượng sản phẩm OCOP để đạt chuẩn tiêu chí. Theo kế hoạch hàng năm, Hà Nội đều hỗ trợ sản phẩm OCOP nâng cấp từ 4 sao lên 5 sao cho những đơn vị tiềm năng. Việc này, Sở NN và PTNT sẽ phối hợp các huyện, thị hoàn thiện hồ sơ trình lên Hội đồng đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP cấp thành phố để hoàn thiện nâng cấp những sản phẩm có tiềm năng 5 sao.
Về phía các địa phương sẽ chủ động rà soát các sản phẩm có tiềm năng hoặc các sản phẩm đã được công nhận 4 sao để xây dựng kế hoạch tư vấn và hỗ trợ nâng hạng sao cho sản phẩm. Sở NN và PTNT cũng phối hợp cùng Sở Công thương hỗ trợ các chủ thể thiết kế bao bì cho toàn bộ những sản phẩm đã đạt sao OCOP; xây dựng phần mềm quản lý, đánh giá phân hạng sản phẩm OCOP đồng bộ từ cấp huyện, xã đến cấp thành phố. “Những đơn vị có tiềm năng nâng lên 5 sao từ nay đến hết năm gồm Công ty TNHH Gốm sứ Quang Vinh (4 sản phẩm), HTX sản xuất kinh doanh gốm sứ Tân Thịnh (1 sản phẩm), Công ty cổ phần thực phẩm Minh Dương (1 sản phẩm)”, Giám đốc Sở NN và PTNT Chu Phú Mỹ cho biết thêm.
Vừa qua, UBND thành phố Hà Nội đã giao trách nhiệm thực hiện thí điểm một số điểm giới thiệu, quảng bá sản phẩm OCOP gắn với du lịch làng nghề, du lịch nông thôn cho các sở, ngành, đơn vị, địa phương liên quan. Theo đó, Sở Công thương thành phố được giao nhiệm vụ khảo sát lựa chọn các địa điểm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP tại khu vực các cửa hàng ở nhà ga, sân bay, bến xe, bến tàu; các trạm, điểm dừng, nghỉ trên cao tốc, quốc lộ; các trung tâm thương mại, siêu thị, chợ... UBND cấp quận, huyện, thị xã gồm: Hà Đông, Gia Lâm, Quốc Oai, Sơn Tây có trách nhiệm chỉ đạo Văn phòng điều phối Chương trình xây dựng nông thôn mới cấp quận, huyện triển khai mô hình điểm phát triển sản phẩm OCOP theo quy định và đánh giá tính hiệu quả các mô hình tại địa phương.