Việc tăng thuế VAT không áp dụng cho các mặt hàng thiết yếu, do đó không có nhiều tác động đến cuộc sống hàng ngày của người dân.
Các mặt hàng chịu thuế VAT 12% bao gồm máy bay phản lực tư nhân, du thuyền hạng sang, tàu du lịch, nhà sang trọng và các mặt hàng khác được phân loại là mặt hàng xa xỉ.
Trong khi đó, các mặt hàng và dịch vụ cơ bản như gạo, thịt, cá, trứng, rau, sữa tươi, cùng với các dịch vụ thiết yếu như giáo dục, chăm sóc sức khỏe, phương tiện giao thông công cộng và nhà ở cơ bản vẫn được miễn thuế VAT, với mức thuế suất áp dụng là 0%.
Chính sách này một phần đảo ngược thông báo trước đó của Chính phủ Indonesia khiến giá tiêu dùng tăng mạnh, dẫn đến hoảng loạn xã hội trong bối cảnh khủng hoảng chi phí sinh hoạt ngày càng gia tăng.
Chính phủ Indonesia cũng đã đưa ra một số biện pháp để giảm bớt gánh nặng cho người tiêu dùng, bao gồm hỗ trợ gạo cho các hộ gia đình nghèo và giảm 50% hóa đơn tiền điện cho nhiều gia đình. Tất cả các sáng kiến này sẽ được triển khai trong tháng 1 và tháng 2.2025. Các biện pháp khác bao gồm miễn thuế VAT một phần cho việc mua xe điện, xe hybrid và nhà ở.
Phát biểu tại một cuộc họp báo trực tuyến ở Jakarta, Tổng thống Indonesia Prabowo Subianto tuyên bố rằng nước này sẽ triển khai một gói kích thích kinh tế để bảo đảm việc tăng thuế VAT không ảnh hưởng đáng kể đến sức mua của người dân.
Bằng cách tăng thuế VAT, Indonesia đặt mục tiêu kích thích nền kinh tế, đặc biệt là trong các lĩnh vực như sản xuất, thương mại, công nghiệp kỹ thuật số và thậm chí cả nền kinh tế phi chính thức.