Sự gia tăng bất thường
Trong báo cáo thường niên công bố mới đây, Văn phòng Phát minh/Sáng chế châu Âu (EPO) cho biết năm 2016, Trung Quốc đã lần đầu tiên vượt qua Hàn Quốc để chiếm vị trí thứ 6 trong danh sách các quốc gia/vùng lãnh thổ có số lượng đơn đăng ký cấp bằng phát minh, sáng chế nhiều nhất tại tổ chức này.
Theo EPO, năm 2016, tổng số đơn đến từ Trung Quốc là 7.150, tăng 24,8% so với năm 2015, trong đó số lượng đăng ký trong các lĩnh vực truyền thông kỹ thuật số, máy tính và công nghệ viễn thông chiếm tới 51%. Ngoài ra, các lĩnh vực khác có số đơn tăng mạnh gồm động cơ, turbine, vận tải và công nghệ sinh học.
Đáng chú ý, Tập đoàn Huawei của Trung Quốc là doanh nghiệp có số lượng đăng ký cấp bằng phát minh/sáng chế nhiều thứ hai tại EPO, chỉ sau tập đoàn Philips nhưng nhiều hơn so với các “ông lớn” công nghệ khác như Microsoft, Apple hay Samsung. Đây là năm thứ 3 liên tiếp, Huawei đứng ở vị trí này. ZTE - một tập đoàn thiết bị viễn thông khác của Trung Quốc - đứng ở vị trí thứ 5.
Một nông dân Trung Quốc đang ngồi cạnh sáng chế robot mang tên Lao Wu của mình |
Trước đó, trong báo cáo công bố hồi cuối tháng 11.2016, Tổ chức Sở hữu Trí tuệ Thế giới (WIPO) của Liên Hợp Quốc cho biết, Trung Quốc là nước có số lượng đơn đăng ký cấp bằng phát minh, sáng chế nhiều nhất trong năm 2015. Theo WIPO, trong tổng số đơn đăng ký trên toàn thế giới là 2,9 triệu, Trung Quốc chiếm 1.010.406, cao gần gấp đôi so với Mỹ - quốc gia đứng ở vị trí thứ 2 trong bảng xếp hạng (526.296). Đây là lần đầu tiên số đơn đăng ký từ Trung Quốc vượt qua con số 1 triệu/năm. Hơn nữa, trong số 1,24 triệu phát minh, sáng chế được công nhận trên toàn thế giới cũng năm 2015, số phát minh, sáng chế của Trung Quốc là 359.316, cao hơn nhiều so với con số 298.407 của Mỹ.
Nền kinh tế sáng tạo?
Lý giải về nguyên nhân khiến số lượng đơn đăng ký cấp bằng phát minh, sáng chế của Trung Quốc ở nước ngoài tăng đột biến, giới chuyên gia cho rằng mặc dù vẫn còn một số người hoài nghi về nguồn gốc và chất lượng của chúng vì phần lớn trong số đó chỉ được đăng ký ở trong nước, nhưng có một điều không thể phủ nhận là số lượng phát minh, sáng chế ở nước này đã tăng mạnh cả về số lượng và chất lượng.
Năm ngoái, Văn phòng Sở hữu Trí tuệ Nhà nước (SIPO) của Trung Quốc đã tiếp nhận 1,339 triệu đơn đăng ký cấp bằng phát minh, sáng chế ở trong nước, tăng 21,5% so với năm trước đó. Đáng chú ý, số lượng đơn nộp ở 29/35 lĩnh vực công nghệ được chia theo tiêu chí của WIPO cao hơn so với số lượng đăng ký của nước ngoài. Đây có thể là dấu hiệu cho thấy Trung Quốc đang trở thành một trong những nền kinh tế có tính sáng tạo cao.
Mặt khác, gần đây, số lượng và mức độ phức tạp của các vụ kiện vi phạm bằng phát minh, sáng chế đang có chiều hướng gia tăng trên thế giới. Điều này khiến cho các doanh nghiệp Trung Quốc, nhất là những doanh nghiệp có ý định vươn ra thị trường thế giới như Huawei hay ZTE, chú trọng nhiều hơn tới sở hữu trí tuệ bất chấp việc đó có thể gây tốn kém về tiền bạc và thời gian.
Một nguyên nhân khác dẫn tới sự gia tăng bất thường trên là do các chính sách khuyến khích và hỗ trợ của Bắc Kinh. Thống kê của WIPO cho thấy năm 2015, rất nhiều đơn đăng ký cấp bằng phát minh, sáng chế từ Trung Quốc là các ý tưởng mới trong lĩnh vực viễn thông, tin học, chất bán dẫn và công nghệ y học. Theo WIPO, nguyên nhân chủ yếu là do Bắc Kinh đã thúc giục các doanh nghiệp nước này tăng số lượng đăng ký như vậy.
Ngoài ra, theo các chuyên gia, các cải cách và sự minh bạch hóa về mặt thủ tục cấp bằng phát minh, sáng chế ở các văn phòng phát minh, sáng chế trên khắp thế giới cũng đóng góp không nhỏ vào sự gia tăng về số lượng đơn đăng ký từ Trung Quốc. Chẳng hạn, nhờ các cải cách gần đây, năm 2016, EPO đã cấp phép cho 96.000 phát minh, sáng chế, tăng 40% so với năm trước đó và cao nhất trong lịch sử của tổ chức.