Chất lượng báo cáo tốt hơn qua từng năm
Báo cáo tài chính nhà nước (BCTCNN) năm 2022 đã được gửi tới các đại biểu Quốc hội, cung cấp bức tranh tổng quan về tình hình tài sản của Nhà nước. Sau 5 năm triển khai lập BCTCNN, chất lượng báo cáo được đánh giá mỗi năm đều cải thiện và tốt hơn.
Kho bạc Nhà nước, cơ quan đầu mối giúp Bộ trưởng Bộ Tài chính tổng hợp thông tin và lập BCTCNN toàn quốc, cho biết, Báo cáo năm 2022 được tổng hợp thông tin từ 2 loại báo cáo. Đó là báo cáo tài chính tổng hợp của 48 bộ, cơ quan Trung ương và báo cáo cung cấp thông tin tài chính của 7 cơ quan quản lý tài chính nhà nước cấp Trung ương. Cùng với đó là BCTCNN của 63 tỉnh, thành phố, được tổng hợp từ báo cáo cung cấp thông tin tài chính của khoảng 51.000 đơn vị dự toán cấp I tại địa phương và cơ quan quản lý tài chính nhà nước ở địa phương.
BCTCNN năm 2022 phản ánh thông tin tài chính nhà nước của hai nhóm. Thứ nhất là thông tin tài chính do các cơ quan quản lý tài chính nhà nước quản lý, gồm doanh thu, chi phí của các cấp ngân sách nhà nước; nợ công; vốn nhà nước tại doanh nghiệp, ngân hàng và các tổ chức tài chính; dự trữ nhà nước. Trong đó, đối với thông tin tài chính của doanh nghiệp, ngân hàng và các tổ chức tài chính có vốn nhà nước, BCTCNN phản ánh số vốn nhà nước và số lợi nhuận còn lại, cổ tức, lợi nhuận được chia sau khi trích lập các quỹ của Nhà nước tại các đơn vị này.
Thứ hai là thông tin tài chính của các cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập (bao gồm các đơn vị thuộc khối an ninh, quốc phòng), tổ chức có sử dụng ngân sách nhà nước khác, gồm tài sản, nợ phải trả, nguồn vốn, doanh thu, chi phí, lưu chuyển tiền tệ. Trong đó, bất động sản nhà cửa, thiết bị đã được tổng hợp vào BCTCNN gồm nhà, vật kiến trúc, phương tiện vận tải và các tài sản khác. Tài sản cố định vô hình gồm quyền sử dụng đất, bản quyền, chương trình phần mềm và các tài sản cố định vô hình khác.Các tài sản kết cấu hạ tầngđã được tổng hợp vào Báo cáo gồm tài sản kết cấu hạ tầng giao thông (đường bộ, đường sắt quốc gia, đường thủy nội địa, hàng hải, hàng không) và tài sản kết cấu hạ tầng khác (như hạ tầng thủy lợi, hạ tầng nước sạch nông thôn tập trung...).
Số liệu tàisản kết cấu hạ tầng sẽ đầy đủ hơn
Mặc dù các bộ, cơ quan ngang bộ, địa phương đã có cố gắng trong thu thập, báo cáo thông tin, nhưng theo đánh giá chung, BCTCNN năm 2022 vẫn chưa phản ánh, đánh giá được đầy đủ, toàn diện, chính xác tình hình tài chính nhà nước. Đặc biệt, Báo cáo chưa tổng hợp đầy đủ số liệu về tài sản kết cấu hạ tầng vì nhiều lý do.
Có thể kể đến các bộ, địa phương chưa hoàn thành việc kiểm kê, phân loại, xác định giá trị tài sản. Ví dụ: Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn chưa hoàn thành việc kiểm kê, phân loại đối với tài sản kết cấu hạ tầng là hệ thống đê điều, kênh mương, công trình thủy lợi hồ chứa; Bộ Giao thông Vận tải chưa hoàn thành việc kiểm kê, phân loại, xác định giá trị đối với tài sản kết cấu hạ tầng hàng không...
Bên cạnh đó, Cơ sở dữ liệu quốc gia về tài sản kết cấu hạ tầng giao thông (đường thủy nội địa, đường sắt, hàng hải, hàng không), công trình thủy lợi vẫn đang trong quá trình xây dựng, hoàn thiện để kết nối vào Cơ sở dữ liệu quốc gia về tài sản công. Vì vậy, hiện nay các tài sản này do các bộ quản lý chuyên ngành theo dõi chưa được đầy đủ, cập nhật kịp thời. Cơ sở dữ liệu quốc gia về tài sản kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ, cấp nước sạch vẫn đang trong quá trình rà soát, chuẩn hóa.
Ngoài ra, với tài sản còn lại (tài sản kết cấu hạ tầng đô thị, tài sản kết cấu hạ tầng cụm công nghiệp, tài sản kết cấu hạ tầng khu công nghiệp, tài sản kết cấu hạ tầng khu công nghệ cao...), do một số bộ quản lý chuyên ngành vẫn đang trong quá trình rà soát, xây dựng chính sách nên chưa có hoặc chưa đầy đủ số liệu chi tiết.
KBNN cho biết, để tăng cường công tác quản lý tài sản kết cấu hạ tầng do Nhà nước quản lý, Thủ tướng đã ban hành Chỉ thị số 09/CT-TTg ngày 28.3.2023. Trong đó, yêu cầu các bộ, ngành, địa phương triển khai 3 nhiệm vụ: nghiên cứu xây dựng, hoàn thiện khuôn khổ pháp lý về quản lý, khai thác, sử dụng tài sản kết cấu hạ tầng; khẩn trương hoàn thành việc rà soát, giao quản lý tài sản, kế toán tài sản kết cấu hạ tầng thuộc phạm vi quản lý; nhập và chuẩn hóa dữ liệu tài sản kết cấu hạ tầng vào Cơ sở dữ liệu quốc gia về tài sản kết cấu hạ tầng. Đồng thời, Thủ tướng đã ban hành Quyết định số 213/QĐ-TTg ngày 1.3.2024 phê duyệt Đề án Tổng kiểm kê tài sản công tại cơ quan, tổ chức, đơn vị, tài sản kết cấu hạ tầng do Nhà nước đầu tư, quản lý. Dự kiến việc kiểm kê hoàn thành vào tháng 7.2025.
Trên cơ sở đó, KBNN cho biết, BCTCNN từ niên độ 2025 sẽ phản ánh đầy đủ và toàn diện hơn tình hình tài chính của Nhà nước để hướng tới mục tiêu công khai theo quy định của Luật Kế toán. Qua đó, phục vụ tốt công tác quản lý, điều hành, giải trình của Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương và công tác kiểm tra, giám sát của Quốc hội, HĐND các cấp và người dân.
Chiến lược phát triển Kho bạc Nhà nước đến năm 2030 đặt mục tiêu BCTCNN phải cung cấp đầy đủ, kịp thời và chính xác thông tin về tài chính - ngân sách nhà nước phù hợp với chuẩn mực kế toán công. Cùng với đó, rút ngắn thời gian lập và trình Báo cáo với mục tiêu đến năm 2030, thời gian lập và trình tối đa không quá 6 tháng kể từ ngày kết thúc năm tài chính - ngân sách.
Thông thường các quốc gia đều cần 7 - 10 năm để chuyển sang kế toán dồn tích và lập Báo cáo tài chính Chính phủ và mất cả chục năm mới công khai báo cáo đầu tiên. Ông Henning Diederichs, Giám đốc chuyên môn của Viện Kế toán công chứng Anh và xứ Wales (ICAEW), cho biết, “rất mất thời gian để xây dựng đội ngũ cán bộ có kinh nghiệm cần thiết, cũng mất thời gian để chất lượng báo cáo tài chính đạt mức chấp nhận”.