- Theo khảo sát, Đồng Nai có 32 khu công nghiệp hoạt động, khoảng 70% công nhân đang cần nhà ở. Xin ông cho biết tỉnh Đồng Nai đã ban hành những chủ trương, chính sách cụ thể nào nhằm phát triển nhà ở xã hội tại địa phương?
- Nhu cầu nhà ở xã hội trong tỉnh còn rất lớn, nhưng hiện nay mới chỉ đáp ứng được một phần nhỏ, điều đó đã gây ảnh hưởng lớn đến đời sống của đông đảo người lao động. Để phát triển nhà ở xã hội, tỉnh Đồng Nai tiến hành khảo sát để làm rõ số lượng đối tượng có nhu cầu về nhà ở, bao gồm nhu cầu mua, thuê, thuê theo dạng ký túc xá, mua trả góp.Trước tình hình thực tế về nhu cầu nhà ở xã hội, từ năm 2008 Ban Thường vụ Tỉnh ủy Đồng Nai đã ban hành Nghị quyết số 09-NQ/TU “Về một số giải pháp khuyến khích các thành phần kinh tế xây dựng nhà ở cho công nhân lao động trên địa bàn tỉnh đến năm 2010 và định hướng đến năm 2015”, Hội đồng nhân dân tỉnh ban hành nghị quyết số 115/2008/NQ-HDN ngày 24/7/2008 thông qua Đề án phát triển NƠXH trên địa bàn tinh Đồng Nai đến năm 2010 và định hướng đến năm 2020. UBND tỉnh ban hành Kế hoạch số 7552/KH-UBND về một số giải pháp khuyến khích các thành phần kinh tế xây dựng nhà ở công nhân trên địa bàn tỉnh đến năm 2010 và định hướng đến năm 2015, Quyết định số 3200/QĐ-UBND ngày 01/10/2008 của UBND tỉnh Đồng Nai phê duyệt Đề án phát triển quỹ nhà ở xã hội trên địa bàn tỉnh Đồng Nai đến năm 2010 và định hướng đến năm 2020. Kế hoạch số 4197/KH-UBND ngày 08/12/2016 về kế hoạch phát triển nhà ở xã hội giai đoạn 2016 - 2020: Giai đoạn 2014 - 2015: 1.500 căn nhà ở xã hội; giai đoạn 2016 - 2020: 20.000 căn nhà ở xã hội.
Đến nay, tỉnh đã giới thiệu 39 dự án nhà ở xã hội với diện tích đất 166 ha, quy mô 25.000 căn hộ, có khả năng bố trí cho 100.000 người.
Giám đốc Sở Xây dựng tỉnh Đồng Nai Tạ Huy Hoàng |
- Để thực hiện mục tiêu phát triển nhà ở xã hội của tỉnh giai đoạn 2016 - 2020, xin ông cho biết những giải pháp nào đã được tỉnh Đồng Nai triển khai trong thực tế nhằm huy động quỹ đất cho phát triển nhà ở xã hội?
- Từ những số liệu thống kê, đề xuất dự án sẽ triển khai, lên kế hoạch xây dựng nhà ở xã hội, UBND tỉnh đã căn cứ vào mức thu nhập của người dân, để xác định vị trí thuận lợi về trường học, giao thông, bệnh viện, chợ... Xem xét vị trí quỹ đất có phù hợp để đầu tư xây dựng nhà ở xã hội hay không. Đối với các KCN còn quỹ đất để phát triển nhà ở xã hội, Ban quản lý các KCN tiếp tục nghiên cứu, đề xuất vị trí, ranh mốc, diện tích quỹ đất tham mưu cho UNBD tỉnh điều chỉnh. Riêng đối với các cụm công nghiệp đã được loại bỏ khỏi quy hoạch có thể chuyển sang đầu tư xây dựng khu dân cư hoặc nhà ở xã hội cho thuê.
UBND tỉnh đã chỉ đạo thực hiện việc lập, điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất các cấp; trong đó có bố trí quỹ đất để đáp ứng nhu cầu phát triển nhà ở trên địa bàn tỉnh. Đồng thời rà soát, xác định phần diện tích đất công nghiệp chưa sử dụng để điều chỉnh quy hoạch xây dựng; quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, chuyển mục đích sử dụng đất theo thẩm quyền hoặc trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định việc điều chỉnh một phần diện tích đất của khu công nghiệp đó để xây dựng nhà ở xã hội phục vụ công nhân khu công nghiệp.
Ngoài 39 dự án đã được giới thiệu, đến nay tỉnh đã chuẩn bị quỹ đất khoảng 851 ha để xây dựng nhà ở xã hội. Như vậy khi triển khai thực hiện hoàn thành 39 dự án và đưa vào sử dụng hiệu quả quỹ đất này để xây dựng nhà ở xã hội thì sẽ đáp ứng được một số lượng lớn nhu cầu nhà ở xã hội cho các đối tượng trên địa bàn tỉnh..
- Thời gian qua, Đồng Nai có 2.710 căn hộ đã hoàn thành đã thực sự cải thiện cuộc sống của công nhân sinh sống, làm việc tại Đồng Nai nói riêng và làm thay đổi diện mạo kinh tế - xã hội của địa phương nói chung. Những thay đổi tích cực từ nhà ở xã hội đem lại là gì, thưa ông?
- Các dự án nhà ở xã hội sau khi hoàn thành, đưa vào sử dụng đã có những tác động rõ rệt: đời sống của công nhân được cải thiện; tình hình an ninh trật tự trên địa bàn ổn định hơn trước; mỹ quan đô thị được cải thiện rõ nét. Các dự án này đều được quy hoạch đồng bộ với hạ tầng kỹ thuật đầy đủ như: Hệ thống cấp thoát nước đồng bộ, sử dụng nguồn điện an toàn từ điện lưới quốc gia, sử dụng nước hợp vệ sinh, có hệ thống phòng cháy chữa cháy, nhà để xe, khu xử lý rác thải …
Thêm vào đó, công tác quản lý, điều hành và định hướng phát triển đô thị có sự thay đổi tích cực nhằm góp phần ổn định và phát triển kinh tế - xã hội theo mục tiêu chung UBND tỉnh đã đề ra.
- Bên cạnh những hỗ trợ về quỹ đất, việc thu hút doanh nghiệp đầu tư nhà ở xã hội là một trong những yếu tố chính thúc đẩy phát triển nhà ở xã hội, xin ông cho biết Đồng Nai đã có những giải pháp cụ thể nào nhằm thu hút và hỗ trợ doanh nghiệp?
- Ngoài các hình thức nhà nước trực tiếp đầu tư; dùng để cho vay phát triển nhà ở xã hội thông qua Quỹ phát triển nhà ở của tỉnh, hoặc hỗ trợ hạ tầng kỹ thuật cho dự án nhà ở xã hội có vốn ngoài ngân sách, UBND tỉnh Đồng Nai đã ban hành Đề án Chiến lược phát triển ngân hàng chính sách xã hội giai đoạn 2017 - 2020 với 420 tỷ đồng, trong đó, vốn TW là 300 tỷ đồng, vốn đối ứng của tỉnh là 120 tỷ đồng.
Bên cạnh nguồn vốn sử dụng để phát triển nhà ở xã hội theo dự án còn có nguồn vốn của người dân tự đầu tư xây dựng nhà trọ để cho các đối tượng xã hội thuê ở. Tỉnh có các chính sách cụ thể như: miễn giảm tiền chuyển mục đích sử dụng đất, miễn giảm thuế… để huy động tối đa nguồn lực này nhằm giảm bớt áp lực cho phát triển nhà ở xã hội theo dự án.
Đồng thời tỉnh đã có các chính sách ưu đãi cho nhà đầu tư như: miễn tiền sử dụng đất, ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế VAT giảm xuống còn 5%, được hỗ trợ chi phí giải phóng mặt bằng, chi phí hạ tầng kỹ thuật, hỗ trợ công tác tuyên truyền dự án; cho hạch toán vào chi phí sản xuất đối với trường hợp các doanh nghiệp sử dụng lao động mua nhà ở để bố trí cho người lao động ở…
- Phát triển nhà ở xã hội đang là một thách thức lớn không riêng tỉnh Đồng Nai trong bài toán chung về phát triển kinh tế - xã hội. Định hướng phát triển nhà ở xã hội của tỉnh Đồng Nai trong thời gian tới là gì, thưa ông?
- Xác định phát triển nhà ở xã hội là một trong những nội dung quan trọng của chính sách phát triển kinh tế - xã hội, đồng thời cũng là trách nhiệm của các cấp chính quyền và toàn xã hội nhằm hỗ trợ, giải quyết nhu cầu nhà ở cho các đối tượng chính sách bảo đảm an sinh xã hội. Chính vì vậy, phát triển NƠXH phải phù hợp với tình hình cụ thể của tỉnh trong từng năm vừa phải gắn liền với phát triển hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội nhằm nâng cao chất lượng cuộc sống cho các đối tượng. Tỉnh Đồng Nai định hướng NƠXH không chỉ là nơi ở mà phải là nơi để sống, hướng đến môi trường sống tốt và tiện nghi.
- Xin trân trọng cảm ơn ông!