Trước diễn biến phức tạp của thiên tai trong những ngày qua, các tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh đã nỗ lực ứng phó, hỗ trợ di dời, sơ tán người, phương tiện và tài sản ra khỏi các khu vực nguy hiểm, nhất là khu vực có nguy cơ sạt lở đất, lũ ống, lũ quét, ngập lụt để bảo đảm an toàn về tính mạng, hạn chế thiệt hại về tài sản của nhân dân…
Khẩn cấp di dời người và tài sản đến nơi an toàn
Do ảnh hưởng hoàn lưu bão số 4, những ngày qua (17-23.9), trên địa bàn tỉnh Nghệ An đã xảy ra mưa to, có nơi mưa rất to. Mưa lớn đã gây ngập trên diện rộng làm 3 người chết, 1 người bị thương; gây sạt lở, làm ách tắc nhiều tuyến đường và hư hại nhiều nhà dân...
Đáng chú ý, cơn mưa “trắng trời” đêm 22, sáng 23.9 khiến các tuyến đường thành phố Vinh nhanh chóng thành sông; nhiều nơi ngập sâu, phương tiện lần lượt “chết đuối” khi lao qua biển nước… Chủ tịch UBND xã Nghi Ân Chu Văn Mai cho biết: “Mưa kéo dài đã khiến nhiều nơi trên địa bàn xã bị ngập nước. Đáng chú ý, nước dâng cao, tràn vào trại gà của gia đình anh Nguyễn Ngọc Huy (xóm Hoà Hợp), gây chập điện, làm cho 9.000 con gà chết ngạt”.
Tương tự, trên địa bàn huyện Diễn Châu cũng có 380ha cây trồng bị ngập, 1.550 con gà bị chết, 321ha ao, hồ nuôi trồng thủy sản ngập nước… Theo Trưởng phòng NN và PTNT huyện Lê Thế Hiếu, nhiều xã trên địa bàn bị ngập sâu; một số trại nuôi gà bị ngập nặng, gà chết hàng loạt. “Hiện, đang thống kê cụ thể thiệt hại, nhưng trước mắt đã ghi nhận hơn 5.000 con gà tại trại gà của ông Nguyễn Văn Tâm (xã Diễn Thịnh) bị ngấm nước…”, ông Hiếu thông tin.
Còn tại huyện Thanh Chương, mưa lũ cũng đã gây ngập, chia cắt nhiều xã trên địa bàn, như: Thanh Xuân, Thanh Tùng, Ngọc Lâm, Thanh Lâm…; trong đó, mưa lũ đã cô lập hàng trăm hộ dân tại 3 xóm (xã Thanh Xuân)… Theo Phó Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Trình Văn Nhã, huyện đã chỉ đạo các địa phương nhanh chóng di dời người dân đến nơi an toàn và có phương án bảo vệ tính mạng, tài sản cho họ. Đồng thời, đề nghị các lực lượng chức năng thực hiện nghiêm túc công điện của UBND huyện về ứng phó với tình hình mưa lũ; sẵn sàng nhận nhiệm vụ khi có yêu cầu; chủ động phương án đề phòng nước lũ dâng cao…
Mưa kéo dài không ngớt cũng đã khiến nhiều diện tích rau màu ở thị xã Hoàng Mai chìm trong biển nước, gây thiệt hại nặng nề. Bà Nguyễn Thị Hiền (xã Quỳnh Liên) chia sẻ: “Gia đình trồng 5 sào hành nay bị ngập, hỏng nặng. Với giá hành 35.000 đồng/kg, ước thiệt hại hàng chục triệu đồng”. Còn theo Chủ tịch Hội Nông dân xã Hoàng Ngọc Anh, mặc dù người dân đã chủ động khơi thông mương, che chắn, di chuyển các loại rau lên khu vực ruộng cao, nhưng do mưa lớn đã khiến nhiều diện tích rau màu bị ngập úng, gây thiệt hại nặng.
Không chỉ miền xuôi, nhiều tuyến quốc lộ, tỉnh lộ trọng yếu, huyết mạch như 48C, 48, 7 qua địa bàn các huyện: Quỳ Châu, Quế Phong, Quỳ Hợp, Con Cuông,… cũng đã và đang xảy ra sạt lở, ngập úng gây cản trở giao thông; nhiều bản làng bị chia cắt, cô lập. Đơn cử, trên địa bàn huyện Tân Kỳ có 19 điểm ngập sâu, 8 điểm sạt lở và có nguy cơ sạt lở; 116 ngôi nhà bị ngập (6 nhà di dời khẩn cấp); gần 120ha lúa, hoa màu, cây trồng hàng năm bị ngập; 4.595m đường giao thông bị sạt lở, hư hỏng… Thiệt hại ước hơn 6,7 tỷ đồng.
Còn với Quế Phong, theo Trưởng phòng NN và PTNT huyện Phan Trọng Dũng, trên địa bàn huyện đã xảy ra sạt lở núi, đất đá tràn xuống làm hư hỏng nhà cửa của một số hộ dân xã Thông Thụ, Cắm Muộn… “Ngay trong chiều và tối ngày 23.9, huyện đã phối hợp với các lực lượng tiếp tục di dời khẩn cấp 26 hộ dân ra khỏi vùng nguy hiểm... Đối với những hộ dân bị ảnh hưởng, UBND huyện đã khẩn cấp di dời người và tài sản đến nơi an toàn”, ông Dũng chia sẻ.
Cũng như các địa phương khác, để bảo đảm về tính mạng cho người dân, những ngày qua, huyện Con Cuông cũng đã cử lực lượng di dời, sơ tán 55 hộ, 220 khẩu trong vùng ngập lụt, nguy cơ sạt lở đất, đá đến nơi an toàn. Cụ thể xã Bồng Khê 3 hộ; thị trấn Con Cuông 9 hộ; xã Cam Lâm 6 hộ; xã Châu Khê 19 hộ; xã Lục Dạ 15 hộ…
Còn theo báo cáo của UBND huyện Kỳ Sơn, ảnh hưởng của cơn bão số 3 và số 4 đã gây mưa lớn, ảnh hưởng đến 18 căn nhà. Trong đó có những căn nhà bị đổ sập hoàn toàn. May mắn, trước khi bị sạt lở, chính quyền địa phương đã sơ tán người dân và một phần tài sản… Tuy nhiên, trên địa bàn huyện vẫn còn nhiều điểm có nguy cơ bị sạt lở cao, như bản Xốp Phe, Na Mì, xã Mường Típ; bản Cánh, xã Tà Cạ… Tại đây, chính quyền đang phải vận động người dân chuyển đến ở ghép với các hộ gia đình lân cận; đồng thời cắm biển cảnh báo và cắt người túc trực để không cho người và các phương tiện lưu thông; sẵn sàng phương án di dời người dân và tài sản khi có thiên tai xảy ra…
Chủ động các phương án đề phòng nước lũ dâng cao
Tại Hà Tĩnh, mưa bão cũng đang gây ngập nặng ở nhiều nơi. Nhiều tuyến đường trên địa bàn TP Hà Tĩnh, như Hải Thượng Lãn Ông, Nguyễn Huy Tự, Lý Tự Trọng, Phan Đình Giót… bị ngập sâu, khiến các phương tiện không thể đi lại.
Trao đổi với phóng viên, Phó Chủ tịch UBND huyện Hương Sơn Nguyễn Kiều Hưng thông tin: Mưa lớn đã gây sạt lở tại khu vực dốc 7 tầng (xã Sơn Kim 1). Lũ lên nhanh nên sáng 23.9 có 17 trường với hơn 5.600 học sinh phải nghỉ học… “Theo dự báo, trời tiếp tục mưa to, sông Ngàn Phố có khả năng lên mức báo động 2 – 3, vì vậy bà con cần chủ động kê cao đồ đạc, di chuyển vật nuôi đến nơi an toàn”, ông Hưng nhấn mạnh.
Còn tại huyện Nghi Xuân, mưa lớn đã gây sạt lở tại tuyến đê Hội Thống (xã Xuân Hội); ngập đường gây chia cắt khu vực trang trại tại thôn Hồng Mỹ (xã Xuân Mỹ); làm vỡ bờ hai hồ nuôi tôm (xã Xuân Phổ) với diện tích 1,5ha... Ngoài ra, mực nước sông Lam dâng cao khiến nhiều hộ dân tại thôn Hồng Lam (xã Xuân Giang) bị ngập, trong đó có hộ ngập 20-40cm, ngoài đường ngập 40-60cm, gây chia cắt cục bộ.
Trước tình hình mưa lũ được dự báo diễn biến phức tạp, sáng 23.9, lãnh đạo huyện Nghi Xuân đã trực tiếp kiểm tra và động viên bà con vùng bị ngập. Huyện đã hỗ trợ 50 hộ bị ngập nặng các nhu yếu phẩm cần thiết, như: nước uống, mỳ tôm... Còn đối với các địa phương khác, lãnh đạo huyện đề nghị chính quyền địa phương tổ chức cử cán bộ bám trực tại các điểm xung yếu, bố trí canh gác tại những tuyến đường bị ngập sâu, có nguy cơ sạt lở cao; đồng thời, huy động các tổ chức, đoàn thể hỗ trợ người dân di chuyển đồ đạc, vật dụng; có phương án di dời dân khi cần thiết...
Ngoài Hương Sơn, Nghi Xuân lũ trên sông Ngàn Phố, sông La lên nhanh dự báo gây ngập lụt tại một số xã trên địa bàn huyện Vũ Quang, Can Lộc, Đức Thọ, thị xã Hồng Lĩnh… Đồng thời, có thể xảy ra lũ quét trên các sông, suối nhỏ, sạt lở đất trên sườn dốc, sụt lún đất tại các huyện: Hương Sơn, Vũ Quang, Hương Khê, Đức Thọ, Nghi Xuân làm ảnh hưởng đến cuộc sống sinh hoạt của người dân; gây tắc nghẽn cục bộ, phá hủy các công trình dân sinh, gây thiệt hại các hoạt động sản xuất, kinh tế - xã hội…