Không chủ quan, lơ là
Với người dân Bắc Trung bộ nói chung, hay Nghệ An, Hà Tĩnh nói riêng, việc nghe dự báo thời tiết gần như đã trở thành thói quen. Trước mỗi đợt mưa bão, việc nghe thông tin dự báo, cảnh báo thiên tai… để chủ động phòng, tránh được nâng lên thành nhiệm vụ. Cùng với đó là các cấp chính quyền địa phương ở các tỉnh “lên dây cót” chuẩn bị kế hoạch, phương án để chủ động ứng phó theo cấp độ thiên tai. Minh chứng, mưa bão những ngày qua là “bài test” cho công tác phòng, chống thiên tai trong mùa bão ở các địa phương…
Tại Hà Tĩnh, trước đó, tỉnh đã thành lập các đoàn đi kiểm tra, chỉ đạo ứng phó. Trong đó, chú trọng thực hiện phương án “4 tại chỗ”, đẩy mạnh tuyên truyền, cảnh báo nguy cơ lũ quét, sạt lở đất ở vùng núi, ngập úng ở khu vực trũng thấp và các khu đô thị; tổ chức di dời các hộ dân nằm ở vùng nguy cơ xảy ra sạt lở đất đến nơi an toàn; triển khai các phương án bảo đảm an toàn giao thông, nuôi trồng thủy sản, an toàn hồ đập và các công trình, dự án trọng điểm…
Để chủ động ứng phó, giảm thiểu thiệt hại do mưa lớn, nguy cơ lũ quét, sạt lở đất và ngập úng có thể xảy ra, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Võ Trọng Hải nhấn mạnh: chính quyền và người dân cần tập trung cao ứng phó, tuyệt đối không chủ quan, lơ là; bám sát công điện khẩn về chủ động ứng phó với mưa bão của UBND tỉnh và các văn bản của Trung ương để tổ chức thực hiện kịp thời, hiệu quả… Trong đó, triển khai các biện pháp bảo vệ tài sản, tính mạng cho người dân; kêu gọi tàu thuyền đang hoạt động trên biển vào nơi tránh trú an toàn; doanh nghiệp, hộ nuôi trồng chủ động các biện pháp bảo vệ con nuôi và bảo đảm an toàn về người; cảnh báo đến từng hộ dân sẵn sàng di dời, bảo đảm an toàn khi thời tiết có diễn biến phức tạp...
Trong những ngày mưa lũ, lãnh đạo Tỉnh ủy, UBND tỉnh Hà Tĩnh cũng đã thường xuyên trực tiếp kiểm tra, nắm tình hình, kịp thời chỉ đạo từng ngày, từng giờ để các địa phương chủ động trong quá trình ứng phó. Do đó, các địa phương trên địa bàn tỉnh, đặc biệt là các huyện miền núi luôn trong tâm thế sẵn sàng, khẩn trương thực hiện các biện pháp phòng, chống, kịp thời ứng phó với diễn biến bất thường. Trong đó, lực lượng công an, quân đội có vai trò quan trọng, trực tiếp thực hiện các biện pháp... Trực tiếp kiểm tra công tác ứng phó mưa bão trên địa bàn Hà Tĩnh, Trung tướng Hà Thọ Bình – Tư lệnh Quân khu IV, ĐBQH tỉnh yêu cầu Bộ CHQS tỉnh chỉ đạo các cơ quan, đơn vị duy trì nghiêm chế độ trực sẵn sàng chiến đấu, cứu hộ, cứu nạn; phát huy tốt phương châm “4 tại chỗ”, kêu gọi các phương tiện tàu thuyền di chuyển tránh xa khu vực gió bão; chuẩn bị lực lượng, phương tiện sẵn sàng ứng phó kịp thời khi có tình huống xảy ra, nhằm hạn chế thấp nhất thiệt hại về người và tài sản…
Trước diễn biến mưa lũ còn phức tạp, Ban Chỉ huy PCTT và TKCN tỉnh tiếp tục yêu cầu các đơn vị, địa phương chủ động nắm tình hình mực nước trên sông, thông báo kịp thời tình hình lũ đến các cấp chính quyền, người dân chủ động phòng tránh, giảm thiểu thiệt hại; triển khai các phương án ứng phó với lũ, ngập lụt, chủ động sơ tán dân tại các vùng nguy cơ cao đến nơi an toàn… Tổ chức trực ban 24/24, thường xuyên theo dõi các bản tin dự báo, cảnh báo mưa lũ để triển khai các biện pháp chống lũ và kịp thời báo cáo về Ban Chỉ huy PCTT và TKCN tỉnh, Sở NN và PTNT theo dõi chỉ đạo.
Xem xét trách nhiệm người đứng đầu trong phòng, chống thiên tai
Tại Nghệ An, ngay từ đầu tháng 3.2024, UBND tỉnh cũng đã kiện toàn Ban Chỉ huy PCTT và TKCN các cấp năm 2024. Trong đó, UBND tỉnh phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng thành viên phụ trách từng địa bàn, khu vực trọng điểm, xung yếu, bảo đảm chế độ thông tin báo cáo giữa Ban Chỉ huy của các cấp, ngành và địa phương… Cùng với đó, để chủ động ứng phó, phòng chống thiên tai, UBND tỉnh cũng đã xây dựng 5 kịch bản di dời dân để bảo đảm an toàn (tùy vào cấp bão, các địa phương sẽ tổ chức sơ tán dân theo kịch bản). Cụ thể, với bão cấp 16 kết hợp với triều cường; bão cấp 15 kết hợp với triều cường; bão cấp 14 kết hợp với triều cường;… Còn tại vùng núi, cơ quan chức năng tỉnh cũng đã thống kê có hơn 166 điểm có nguy cơ sạt lở, lũ ống, lũ quét nên đã chủ động lên phương án tối ưu để di dời hơn 3.000 hộ, với khoảng 13.000 nhân khẩu theo cấp độ thiên tai…
Thời điểm hiện tại, mặc dù trời đã giảm mưa, song tại nhiều nơi trên địa bàn tỉnh nước lũ vẫn chưa có dấu hiệu rút. Các địa phương đã và đang tiếp tục thực hiện Công văn số 8176/UBND-NN ngày 21.9 của Chủ tịch UBND tỉnh về yêu cầu tập trung triển khai công tác ứng phó mưa, lũ, sạt lở đất, bảo đảm an toàn tính mạng của người dân trong thiên tai.
Theo đó, Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu Bí thư, Chủ tịch UBND các huyện, thành, thị; Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị tiếp tục chỉ đạo thực hiện nghiêm các Công điện của Chủ tịch UBND tỉnh - Trưởng Ban Chỉ huy PCTT, TKCN và PTDS tỉnh về việc ứng phó bão, mưa lũ; bố trí lực lượng canh gác 24/24 để kiểm soát, hướng dẫn bảo đảm giao thông an toàn cho người và phương tiện; nghiêm cấm người dân đánh bắt cá, vớt củi… trên sông, suối khi có mưa lũ. Đồng thời, kiên quyết di dời, sơ tán người, phương tiện và tài sản ra khỏi các khu vực nguy hiểm; sẵn sàng lực lượng, phương tiện để kịp thời cứu hộ, cứu nạn khi có yêu cầu. Xem xét trách nhiệm người đứng đầu các tổ chức, cơ quan, đơn vị lơ là, chủ quan trong thực hiện nhiệm vụ phòng, chống thiên tai, mưa, lũ; xử lý nghiêm các trường hợp không tuân thủ chỉ đạo của cơ quan chức năng và lực lượng có thẩm quyền trong phòng chống thiên tai, mưa, lũ…
Các đồng chí Bí thư, Chủ tịch UBND cấp huyện chịu trách nhiệm toàn diện trước Chủ tịch UBND tỉnh nếu chủ quan, lơ là trong lãnh đạo, chỉ đạo, chậm triển khai ứng phó dẫn tới thiệt hại lớn, nhất là về người… Chủ tịch UBND tỉnh cũng giao Ban chỉ huy PCTT, TKCN và PTDS tỉnh tổ chức trực ban, theo dõi chặt chẽ tình hình, chủ động chỉ đạo, đôn đốc các địa phương triển khai công tác ứng phó phù hợp với diễn biến thực tế; kịp thời tổng hợp thiệt hại, báo cáo UBND tỉnh chỉ đạo, xử lý những vấn đề vượt thẩm quyền.