Hội thảo do Tổng cục Du lịch kết hợp với Báo Văn hóa và Sở Du lịch Khánh Hòa tổ chức ngày 25.4 tại Nha Trang.
Thúc đẩy giao thương, kết nối
Theo Thứ trưởng Bộ Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Đoàn Văn Việt: Giai đoạn 2015 - 2019, tốc độ tăng trưởng bình quân của ngành du lịch Việt Nam đạt 22,7%/năm, đóng góp trên 9,2% vào GDP. Thời điểm đó, du lịch đã khẳng định được vị thế và vai trò là ngành kinh tế mũi nhọn.
Tuy nhiên, từ đầu năm 2020, do tác động của đại dịch Covid-19, các chỉ tiêu tăng trưởng của ngành đều sụt giảm nghiêm trọng. Hoạt động du lịch quốc tế phải dừng lại từ tháng 4.2020 - 11.2021. Qua 4 lần bùng phát dịch, hoạt động du lịch trong nước liên tục gián đoạn, dẫn đến ngành du lịch Việt Nam bị thiệt hại ở mức độ chưa từng có trong lịch sử và để lại những hậu quả và hệ lụy hết sức nghiêm trọng.
Thứ trưởng Đoàn Văn Việt cho rằng, hội thảo kết nối ngành du lịch với hàng không có ý nghĩa quan trọng, nhằm triển khai cụ thể chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về phát triển du lịch trong giai đoạn hiện nay.
“Sự vào cuộc của các chuyên gia, doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực du lịch sẽ chung tay tháo gỡ các “điểm nghẽn’’, đưa đến giải pháp lâu dài, căn cơ để phát triển ngành du lịch ổn định, bền vững trong tương lai”, Thứ trưởng Đoàn Văn Việt mong muốn.
Trước đại dịch Covid-19, khách du lịch đến Việt Nam bằng đường hàng không chiếm tỷ lệ cao (hơn 80%, năm 2019) so với đường bộ, đường biển. Vì thế, hàng không luôn có vai trò quan trọng đối với sự phát triển của du lịch Việt Nam.
Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Hà Văn Siêu cho biết, giá vé máy bay tăng cao, nhất là vào dịp nghỉ lễ, ảnh hưởng không nhỏ đến việc xây dựng giá tour của doanh nghiệp lữ hành
Sau hơn 1 năm mở lại đường bay quốc tế (từ 15.2.2022) và mở cửa trở lại hoạt động du lịch trong điều kiện bình thường mới (từ 15.3.2022), hàng không thật sự đã góp phần hiệu quả thúc đẩy vận tải, giao thương, kết nối, hội nhập kinh tế toàn cầu, bảo đảm lợi thế cạnh tranh quốc gia.
Vietjet Air, Bamboo Airways mở thêm nhiều đường bay mới. Vietnam Airlines đã mở lại tất cả các đường bay quốc tế so với thời điểm trước dịch, trừ Moscow (Nga), Yangoon (Myanmar), mở thêm đường bay đi San Fransisco (Mỹ) và Ấn Độ. Các đường bay nội địa tới một số địa bàn du lịch trọng điểm như: Phú Quốc, Đà Nẵng, Quy Nhơn, Nha Trang... đều tăng tần suất.
Tuy nhiên, theo ông Hà Văn Siêu, bên cạnh sự phục hồi ấn tượng thời gian qua, ngành du lịch vẫn gặp một số khó khăn, thách thức, đặc biệt trong bối cảnh nền kinh tế thế giới đang có dấu hiệu suy thoái, các rủi ro về tài chính, tiền tệ, nợ công, an ninh năng lượng, lương thực gia tăng.
Du lịch thế giới tiếp tục có sự phục hồi nhưng chưa trở về mức như năm 2019; du lịch nội địa tiếp tục có sự tăng trưởng nhưng tốc độ sẽ chậm lại. Các thị trường gửi khách chủ yếu của Việt Nam chưa mở cửa hoàn toàn.
Giá vé máy bay tăng cao, nhất là vào dịp nghỉ lễ, ảnh hưởng không nhỏ đến việc xây dựng giá tour của doanh nghiệp lữ hành. Vì thế, để đạt mục tiêu đón 110 triệu lượt khách du lịch, trong đó khoảng 8 triệu lượt khách quốc tế, tổng thu từ khách du lịch khoảng 650 nghìn tỷ đồng trong năm 2023, vai trò của hàng không rất lớn.
Hoàn thiện dịch vụ - hạ tầng,khẳng định bản sắc
Tại hội thảo, góp ý các giải pháp thúc đẩy thị trường du lịch, nhanh chóng thu hút khách quốc tế đến Việt Nam, ông Nguyễn Văn Tấn - Ủy viên Thường trực Ban Chấp hành Hiệp hội Du lịch Việt Nam kiến nghị, cần thực hiện ngay giải pháp hàng không cùng tham gia các Hội chợ du lịch quốc tế lớn ở trong nước và nước ngoài (VITM, WTM, ITB…). Thiết lập và duy trì quan hệ hợp tác gắn bó thường xuyên giữa các bộ phận thị trường chuyên trách của các hãng hàng không với các hãng lữ hành chuyên về thị trường đó.
Đồng thời, đề nghị các đơn vị quản lý nhà nước và kinh doanh tại các cảng hàng không quốc tế Việt Nam sớm có giải pháp hoàn thiện hơn nữa dịch vụ - hạ tầng phục vụ khách ở sân bay, thủ tục xuất nhập cảnh… văn minh, sạch theo chuẩn quốc tế nhằm tạo ấn tượng tốt cho du khách xuyên suốt hành trình.
Ngoài ra, để có sự hợp tác lâu dài, các đơn vị thuộc lĩnh vực hàng không và du lịch (cả quản lý nhà nước và tư nhân) cần xây dựng một kế hoạch hợp tác chặt chẽ, phối hợp thường xuyên.
Hàng không và du lịch cần xác định các thị trường trọng điểm và thị trường mục tiêu cụ thể như phối hợp hoạch định sản phẩm du lịch đáp ứng nhu cầu; xây dựng kế hoạch quảng bá, tiếp thị phù hợp và phối hợp các kênh bán hàng để tạo ra các sản phẩm cùng chuẩn, xuyên suốt hành trình du lịch của khách từ khi bắt đầu đến khi kết thúc.
Chủ tịch Lux Group Phạm Hà thì nhấn mạnh nguyên nhân khiến du lịch Việt khó cạnh tranh là giá vé máy bay rất cao. Điều đó sẽ làm cho khách du lịch quốc tế ít sự lựa chọn và là yếu tố tác động tới việc khách quyết định không đến hoặc không trở lại Việt Nam.
Theo ông Phạm Hà, để phát triển du lịch Việt Nam, cần hợp tác giữa các đối tác trong ngành như: hàng không, lữ hành, khách sạn và các cơ quan quản lý điểm đến sẽ thúc đẩy phục hồi và phát triển du lịch nhanh và bền vững hơn. Hơn thế, định vị Việt Nam là một điểm đến di sản văn hóa và thiên nhiên là cần thiết. Trong đó, di sản là khác biệt và khẳng định bản sắc của điểm đến Việt Nam. Việc định vị và cung cấp trải nghiệm độc đáo sẽ giúp du khách đến Việt Nam có trải nghiệm tốt hơn và muốn quay lại nhiều lần.
Bà Nhữ Thị Ngần, Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Đầu tư Du lịch Hà Nội (Hanoi tourism JSC) cũng bổ sung nhóm vấn đề “cần làm ngay” để phục hồi du lịch một cách nhanh nhất. Trong đó, chú trọng làm mới và khác biệt hóa sản phẩm du lịch, nhằm giữ chân du khách ở lại Việt Nam lưu trú dài ngày hơn, tiêu dùng nhiều hơn và trải nghiệm nhiều vùng miền của chúng ta hơn. Đồng thời, cải thiện chất lượng dịch vụ, sẵn sàng đón tiếp du khách quốc tế. Liên kết hợp tác và hỗ trợ tích cực từ các hãng hàng không. Thủ tục xuất nhập cảnh thuận lợi, thân thiện. Xúc tiến hoạt động quảng bá du lịch Việt Nam tại các thị trường mục tiêu và ứng dụng công nghệ số.