Ở nước ta, vấn đề xác định giá trị và định giá tài sản trí tuệ còn khá mới mẻ. Tuy nhiên, gần đây, tài sản trí tuệ đã từng bước trở thành một bộ phận cấu thành tài sản của doanh nghiệp, đã tham gia vào mọi hoạt động kinh tế. Các sản phẩm trí tuệ được tạo ra và ứng dụng ngày càng nhiều; hàm lượng trí tuệ trong nhiều sản phẩm truyền thống được nâng cao. Tài sản trí tuệ đang dần được chú trọng trong các quá trình xác định vốn hoặc xác định giá trị nhằm thành lập, cổ phần hóa, sáp nhập, mua bán doanh nghiệp. Nhiều tài sản trí tuệ đang trở thành một loại hàng hóa quan trọng hàng đầu trong thị trường khoa học và công nghệ.
Nhận thức rõ về vai trò, ý nghĩa của những vấn đề trên, trong những năm qua, Bộ Khoa học và Công nghệ đã bước đầu nghiên cứu về lý luận và thực tiễn, cũng như từng bước triển khai, áp dụng các phương pháp xác định giá trị đối với một số tài sản trí tuệ. Hiện Bộ Khoa học và Công nghệ cũng đang phối hợp với Bộ Tài chính xây dựng Thông tư hướng dẫn định giá tài sản trí tuệ có nguồn gốc hoặc liên quan đến ngân sách nhà nước.
Tại Hội thảo, các đại biểu tập trung thảo luận 5 chủ đề chính bao gồm: tài sản trí tuệ - đối tượng nghiên cứu; khái quát về các phương pháp xác định giá trị tài sản trí tuệ; phương pháp chi phí và kỹ thuật thực hiện; phương pháp thu thập và kỹ thuật thực hiện; phương pháp thị trường và kỹ thuật thực hiện; một số nội dung cơ bản của Dự thảo Thông tư hướng dẫn định giá đối với tài sản trí tuệ sử dụng ngân sách nhà nước.