Tham dự có: các Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật: Nguyễn Phương Thủy, Trần Hồng Nguyên, Ngô Trung Thành, Nguyễn Thị Mai Phương; Thứ trưởng Bộ Tư pháp Mai Lương Khôi; đại diện Thường trực Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội và một số cơ quan liên quan.
Phát biểu tại hội thảo, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng nêu rõ, qua hơn 8 năm thi hành Luật Công chứng 2014, bên cạnh những kết quả tích cực đã đạt được, thực tiễn thi hành Luật Công chứng cũng bộc lộ một số hạn chế, bất cập cần khắc phục. Chất lượng đội ngũ công chứng viên còn chưa đồng đều, một bộ phận công chứng viên còn hạn chế về trình độ chuyên môn; định hướng phát triển tổ chức hành nghề công chứng tại các địa phương còn chưa đồng bộ…
Mặt khác, hệ thống pháp luật ở nước ta thời gian qua ngày càng hoàn thiện, nhiều luật mới được ban hành, sửa đổi, bổ sung, như Luật Đất đai (sửa đổi), Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi), Luật Nhà ở (sửa đổi) có những quy định liên quan trực tiếp đến hoạt động công chứng.
Yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội trong thời gian tới cũng đòi hỏi nâng cao chất lượng hoạt động công chứng nhằm phục vụ hiệu quả các giao dịch dân sự, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.
Do vậy, việc sửa đổi, bổ sung Luật Công chứng lần này với nhiều nội dung mới là cần thiết nhằm góp phần thể chế hóa kịp thời chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách của Nhà nước trong hoạt động công chứng, khắc phục hạn chế, vướng mắc, chưa phù hợp trong thực tiễn thi hành Luật Công chứng thời gian qua.
Tại hội thảo, các đại biểu tập trung thảo luận về phạm vi hoạt động công chứng và thẩm quyền của công chứng viên; đào tạo, tập sự hành nghề công chứng, bổ nhiệm, miễn nhiệm công chứng viên; tổ chức và hoạt động của các tổ chức hành nghề công chứng; thủ tục công chứng giao dịch và công chứng điện tử; quản lý nhà nước về công chứng, thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm.
Liên quan đến quy định về trách nhiệm, quyền hạn của Bộ Tư pháp trong việc quản lý nhà nước về công chứng, dự thảo Luật đã bỏ nội dung “quy hoạch phát triển tổ chức hành nghề công chứng” để phù hợp với quy định của Luật Quy hoạch. Tuy nhiên, có ý kiến cho rằng, cần bổ sung nội dung quản lý ở tầm vĩ mô trong quản lý nhà nước về công chứng như: xây dựng cơ sở dữ liệu về công chứng viên; xây dựng cơ sở dữ liệu về hợp đồng, giao dịch công chứng. Việc bổ sung quy định như trên để bảo đảm phù hợp với quy định về chuyển đổi số quốc gia, ngành tư pháp, cũng như thực tiễn hoạt động hành nghề công chứng hiện nay.
Ngoài ra, các đại biểu cũng đề nghị, dự thảo Luật cần quy định rõ lộ trình chuyển giao việc chứng thực các hợp đồng từ UBND cấp xã sang tổ chức công chứng ở những địa bàn đã có đủ hoặc nhiều tổ chức công chứng khi đánh giá được là các tổ chức công chứng tại địa bàn đủ sức đảm đương tốt việc chứng nhận các hợp đồng, giao dịch, bảo đảm an toàn, chuyên nghiệp và thuận tiện cho người dân. Trong dự thảo Luật mới chỉ quy định trách nhiệm của UBND cấp tỉnh và không có lộ trình xác định việc chuyển giao.
Kết luận hội thảo, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng ghi nhận các ý kiến phát biểu có nội dung rất phong phú, sâu sắc, cung cấp nhiều kinh nghiệm hoạt động công chứng trong nước và quốc tế, các vấn đề có tính lý luận và thực tiễn, gợi mở thêm nhiều vấn đề bổ ích cho việc thẩm tra dự án Luật.
Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật đề nghị Bộ Tư pháp nghiên cứu, tiếp thu các ý kiến góp ý tại hội thảo, khẩn trương hoàn thiện hồ sơ dự án Luật để phục vụ việc nghiên cứu, thẩm tra sơ bộ dự án Luật, bảo đảm tiến độ báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội tại phiên họp tháng 3.2024.