Phát biểu tại cuộc làm việc, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Hà Ngọc Chiến nêu rõ, cuộc giám sát nhằm làm rõ kết quả của việc thực hiện chính sách, pháp luật về khoa học và công nghệ phục vụ phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2011 – 2020; những tồn tại, hạn chế và nguyên nhân. Qua đó có những đề xuất, kiến nghị về cơ chế chính sách, nhằm phát huy hơn nữa vai trò của khoa học công nghệ thúc đẩy phát triển vùng miền núi, vùng đặc biệt khó khăn; thực hiện hiệu quả Nghị quyết 120 của Quốc hội phê duyệt chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030.
Báo cáo với Đoàn giám sát, Phó Trưởng ban Khoa học công nghệ, ĐHQG Hà Nội, Phó Giáo sư Trương Vũ Bằng Giang cho biết, trong giai đoạn 2011 – 2020, ĐHQG Hà Nội đã có nhiều nỗ lực phối hợp với Bộ, ngành để tích cực tham gia các chương trình trọng điểm cấp quốc gia có liên quan đến vùng dân tộc thiểu số và miền núi như chương trình “Khoa học và công nghệ phục vụ phát triển KT – XH vùng Tây Nguyên”, “Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới”. Đặc biệt, Đại học Quốc gia Hà Nội được Nhà nước quan tâm, giao chủ trì Chương trình “Khoa học và công nghệ phục vụ phát triển bền vững vùng Tây Bắc” (Chương trình Tây Bắc). Đây là Chương trình có nhiệm vụ nghiên cứu chuyển giao, ứng dụng tổng hợp, liên ngành, hướng tới giải quyết các vấn đề cấp bách của quốc gia tại địa phương vùng Tây Bắc theo tinh thần Nghị quyết 37 – NQ/TW Bộ Chính trị về “Phương hướng phát triển KT – XH và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng trung du, miền núi Bắc Bộ đến 2020”.
Chương trình Tây Bắc đã đạt được các kết quả cụ thể, thực tiễn như: nghiên cứu các giải pháp khoa học và công nghệ xử lý và lọc nguồn nước sạch cho sinh hoạt của nhân dân và phục vụ quốc phòng ở các tỉnh vùng Tây Bắc; triển khai dự án sản xuất thử nghiệm có sự tham gia từ doanh nghiệp đó là thử nghiệm nhân trồng, phát triển cây mắc ca tại ba tỉnh Điện Biên, Lai Châu và Sơn La; thử nghiệm sản xuất trà, bột dinh dưỡng từ Táo mèo và Chùm ngây với việc ứng dụng công nghệ sấy bằng hồng ngoại đạt tiêu chuẩn, chất lượng xuất khẩu; nghiên cứu công nghệ sản xuất tre ép khối làm vật liệu xây dựng và nội thất tại vùng Tây Bắc…
Đánh giá cao ĐHQG Hà Nội đã có nhiều giải pháp liên quan đến khoa học và công nghệ áp dụng trong sản xuất, chế biến, nước sạch, vệ sinh môi trường, vật liệu xây dựng…, song từ thực tế giám sát ở các địa phương, các thành viên Đoàn giám sát cũng nêu rõ, nhiều thành quả của khoa học, công nghệ vẫn chưa đi vào đời sống. Các đại biểu đề nghị đánh giá cụ thể các sản phẩm khoa học công nghệ của ĐHQG Hà Nội có phát triển theo liên kết vùng và phối hợp với doanh nghiệp sản xuất theo chuỗi sản phẩm hay không? Đồng thời, đánh giá, làm rõ sự phối hợp giữa ĐHQG Hà Nội với UBND các tỉnh, thành phố trong đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, có phù hợp với sự phát triển của địa phương không? Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Hà Ngọc Chiến đề nghị ĐHQG Hà Nội nêu thêm các kiến nghị, đề xuất về nhân rộng mô hình khoa học công nghệ phục vụ phát triển KT – XH vùng dân tộc thiểu số và miền núi; kiến nghị về cơ chế chính sách, pháp luật để phát huy thành quả các chương trình, đề án; khắc phục những hạn chế trong ứng dụng khoa học công nghệ vùng dân tộc thiểu số và miền núi hiện nay.