Sự kiện nằm trong khuôn khổ Dự án “Hợp tác tăng cường chuẩn bị cho trường học đối với sóng thần khu vực Châu Á Thái Bình Dương”
Khi xảy ra động đất với độ lớn cực đại lên đến M = 9.3 tại khu vực này thì mức độ nguy hiểm sóng thần tác động trên toàn dải ven biển Việt Nam. Khi đó, có thể có rủi ro thiên tai cấp độ 4 (tương ứng với độ cao sóng từ 8 m đến 16 m) tại khu vực ven biển tỉnh Thừa Thiên Huế, thành phố Đà Nẵng, tỉnh Quảng Nam, tỉnh Quảng Ngãi, tỉnh Phú Yên, tỉnh Khánh Hòa và tỉnh Bình Thuận, vào sâu trong đất liền có thể tới 2 - 3 km.
Dự án “Ứng phó với sóng thần – đa thiên tai trong trường học” khuôn khổ Dự án “Hợp tác tăng cường chuẩn bị cho trường học đối với sóng thần khu vực Châu Á Thái Bình Dương” do Chính phủ Nhật Bản tài trợ cho 16 nước Châu Á – Thái Bình Dương, trong đó có Việt Nam. Dự án này góp phần đạt được các mục tiêu của khung Sendai về Giảm nhẹ rủi ro thiên tai, nhằm giảm số người chết, số người bị ảnh hưởng và thiệt hại về kinh tế do các nguy cơ từ tự nhiên và con người gây ra. Dự án cũng nhằm đạt được mục tiêu của UNDP để giúp đỡ các vùng dễ bị tổn thương ứng phó hiệu quả thiên tai, thích ứng với biến đổi khí hậu bằng cách kết hợp các biện pháp phòng chống rủi ro thiên tai vào các chiến lược quốc gia.
Để chủ động ứng phó nguy cơ xảy ra sóng thần, Chính phủ Việt Nam đã chú trọng công tác cảnh báo, ứng phó khi xảy ra sóng thần cho các địa phương ven biển với nhiều giải pháp, kế hoạch sơ tán và hành động cho từng cấp chính quyền cho tới các trường học, cộng đồng dân cư ven biển.
Phát biểu tại buổi diễn tập, ông Nguyễn Văn Tiến, Phó Tổng cục trưởng, tổng cục Phòng chống thiên tai, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, kiêm Phó chánh văn phòng Ban Chỉ đạo quốc gia về Phòng chống thiên tai khẳng định, buổi diễn tập là một trong những nỗ lực của UNDP trong việc tăng cường năng lực cho địa phương để ứng phó với sóng thần và thiên tai đa hiểm họa trong bối cảnh dịch bệnh. Hy vọng, sau buổi diễn tập ngày hôm nay, chính quyền địa phương, trường học ngoài việc được trang bị đầy đủ các kiến thức ứng phó với sóng thần còn có những trải nghiệm thực tế để sẵn sàng chuẩn bị cho các thiên tai sẽ diễn ra trong tương lai – ông Tiến nói.
Nhấn mạnh học sinh là những người chủ tương lai của đất nước, ông Patrick Haverman, Phó trưởng Đại diện thường trú UNDP tại Việt Nam cho rằng, học sinh cần được trang bị kiến thức và kỹ năng để tự bảo vệ mình và để được an toàn. Cần có kiến thức và kỹ năng để biết phải làm gì trong thiên tai có thể cứu sống bản thân và bạn bè.
“Các cuộc diễn tập tại trường học và tại cộng đồng đã được chứng minh là rất hiệu quả trong việc giảm thiểu tác động của thiên tai, như bão, nước biển dâng, lũ lụt và sóng thần. Do đó, trước hết, điều quan trọng là các trường học và các xã ven biển phải có sẵn kế hoạch ứng phó cho chúng ta biết ai sẽ làm gì và khi nào. Tiếp theo, nên có các cuộc diễn tập thường xuyên để kiểm tra kế hoạch này, và để đảm bảo rằng tất cả học sinh, giáo viên và người dân đều nhận thức được những gì họ cần phải làm,” ông Patrick nhấn mạnh.
Ông Takashi Suzuki, chuyên gia của Cơ quan Hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JICA) chia sẻ: thảm họa động đất và sóng thần năm 2011 đã khiến cho hơn 18,000 người thiệt mạng. Tuy nhiên, tại một trong những thành phố chịu ảnh hưởng trong thảm họa này, tất cả học sinh trường tiểu học và THCS của thành phố đã bảo toàn được tính mạng do đã kịp sơ tán lên khu vực cao trước khi sóng thần ập đến. Thực tế là học sinh của những trường này đã được tập huấn rất kỹ về thảm họa sóng thần. Khi những học sinh đầu tiên tại trường THCS nhận tin là sắp xảy ra sóng thần, các em đã chủ động hô to “Có sóng thần” với các bạn khác trong trường rồi cùng nhau chạy lên trên đồi. Khi đến được điểm sơ tán đầu tiên, các em lại quyết định chạy tiếp lên khu vực cao hơn. Lý do là các em đã được dạy về tầm quan trọng của “phải làm tốt nhất có thể”. Cuối cùng, sóng thần đã ập đến ngay điểm sơ tán đầu tiên và có thể thấy các em học sinh đã có quyết định sáng suốt để cứu chính mình”.