Pháp luật chưa có quy định về hoạt động P2P Lending
Vừa qua, Báo Đại biểu Nhân dân đã phản ánh về tình trạng trên một số nền tảng mạng xã hội, nhiều công ty tài chính đã đăng tải thông tin quảng cáo về các ứng dụng điện thoại (app) kêu gọi đầu tư với những lời lẽ “có cánh” nhằm câu kéo người dùng tải app và đầu tư với số tiền chỉ từ vài chục nghìn đồng.
Đáng chú ý có sự xuất hiện của app “3GANG – Túi tiền của bạn”. Trên thị trường, những ứng dụng “hút” tiền lẻ như 3Gang không hề xa lạ đối với người Việt Nam. Trước đó, Tikop, Finhay, Passion Invest, Infina, Savenow, Buff, Fmarket…đều là những cái tên quen thuộc có cách thức hoạt động khá tương đồng với 3Gang. Các ứng dụng này đều chấp nhận số tiền gửi rất nhỏ, thậm chí từ 10.000 đồng lãi suất thì luôn cao hơn lãi suất tiền gửi tại các ngân hàng.
Qua tìm hiểu, 3 GANG chịu sự quản lý trực tiếp của Công ty CP Lendbiz Capital và thuộc Công ty Cổ phần Lendbiz do ông Nguyễn Việt Hưng làm Chủ tịch Hội đồng quản trị. Doanh nghiệp này còn có sự tham gia của ông Trần Anh Vương (Shark Vương) với vai trò cố vấn cao cấp.
Theo thông tin công bố của Lendbiz, doanh nghiệp này là Công ty hàng đầu Việt nam trong lĩnh vực đầu tư ngang hàng (P2P Lending) giúp kết nối giữa các Doanh nghiệp, Hộ kinh doanh với cộng đồng các Nhà đầu tư.
Theo các chuyên gia tài chính, hiện nay tại Việt Nam các văn bản quy phạm pháp luật quản lý, điều chỉnh cho phạm vi công nghệ mới chưa được đầy đủ, rõ ràng, các chính sách pháp lý bổ sung ban hành còn chậm so với tốc độ phát triển khá nhanh của công nghệ. Khuôn khổ pháp lý về cơ bản mới chỉ đáp ứng được một phần cho lĩnh vực fintech trong hoạt động thanh toán, chưa đầy đủ và đồng bộ cho các hoạt động khác, như hoạt động P2P Lending.
Đáng chú ý, liên quan đến hoạt động P2P Lending Ngân hàng Nhà nước đã có văn bản số 5228/NHNN/CSTT về hoạt động cho vay ngang hàng (P2P Lending) gửi đến các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài về hoạt động cho vay ngang hàng.
Nội dung văn bản cho biết, thời gian qua, sự bùng nổ các ứng dụng từ thành tựu của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 trên thế giới nói chung và tại Việt Nam nói riêng đã thúc đẩy nhiều sản phẩm, dịch vụ mới, trong đó có ứng dụng cho vay P2P Lending.
Liên quan đến lĩnh vực này, Ngân hàng Nhà nước đề nghị các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài cần thận trọng.
Theo lý giải của Ngân hàng Nhà nước, P2P Lending là hoạt động được thiết kế và xây dựng trên nền tảng ứng dụng công nghệ số để kết nối trực tiếp người đi vay với người cho vay (nhà đầu tư) mà không thông qua trung gian tài chính như tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài.
Toàn bộ hoạt động, vay, trả nợ (gốc, lãi) giữa người đi vay và người cho vay được nền tảng giao dịch trực tuyến của công ty vận hàng ghi nhận và lưu trữ bằng các bảng ghi điện tử, số hóa trên hệ thống cơ sở dữ liệu của công ty P2P Lending, được đăng tài cho khách hàng đăng ký tham gia nền tảng truy cập.
Cũng theo Ngân hàng Nhà nước, tại Việt Nam một số công ty đã đăng ký hành nghề kinh doanh là tư vấn tài chính, môi giới tài chính và tự giới thiệu là công ty P2P Lending cung cấp dịch vụ kết nối nhà đầu tư và người đi vay, tuy nhiên pháp luật Việt Nam hiện nay chưa có quy định về lĩnh vực này.
P2P Lending có thể bị lợi dụng thực hiện hành vi bất hợp pháp
Theo Ngân hàng Nhà nước, mô hìnhP2P Lending cũng tiềm ẩn nhiều rủi ro cho các bên tham gia, có thể gây mất ổn định kinh tế xã hội do các bên có liên quan không trả được nợ; để lại những hệ lụy kéo dài, hết sức nặng nề mà nhiều nước trên thế giới đã phải trả giá thời gian qua.
Đáng chú ý, theo rà soát của Ngân hàng Nhà nước, một số công ty P2P Lending lợi dụng việc thiếu thông tin, thiếu hiểu biết của người dân để quảng cáo và đưa ra thông tin không rõ ràng, sai lệch dẫn đến nhà đầu tư hiểu nhầm về việc các hoạt động đầu tư/cho vay qua các nền tảng của công ty P2P Lending đều được bảo hiểm rủi ro.
"Hoạt động P2P Lending mới được hình thành và phát triển gần đây, các nền tảng giao dịch trực tuyến của công ty P2P Lending chưa được cơ quan có thẩm quyền kiểm tra, đánh giá nên có thể tồn tại nguy cơ bị tấn công mạng, đánh cắp thông tin gây thiệt hại cho các bên tham gia," văn bản Ngân hàng Nhà nước nêu rõ.
Một số công ty P2P Lending là kênh phân phối, tìm kiếm khách hàng cho công ty tài chính, công ty cầm đồ hoặc công ty cầm đồ hợp tác với công ty công nghệ xây dựng nền tảng giao dịch trực tuyến để công ty cầm đồ tìm kiếm người đi vay và thực hiện cho vay; trong đó, một số công ty cầm đồ sử dụng nguồn tiền từ các khoản vay nước ngoài hoặc các khoản vay từ cá nhân, tổ chức trong nước để cho vay lại.
Một số đối tượng có thể lợi dụng mô hình P2P Lending thực hiện hành vi bất hợp pháp (hoạt động tín dụng đen, cho vay nặng lãi, cho vay cầm đồ biến tướng, hoạt động tài chính đa cấp...), đưa ra quảng cáo sai sự thật, hứa hẹn lợi nhuận cao, lãi suất cạnh tranh để lừa đảo, chiếm dụng vốn của người dân; tác động tiêu cực đến cuộc sống của người dân, gây bất ổn đến an ninh kinh tế và ổn định xã hội.
Trong một số trường hợp, công ty P2P Lending và công ty cầm đồ thậm chí còn có dấu hiệu vi phạm Điều 8 Luật các tổ chức tín dụng sửa đổi khi thực hiện hoạt động ngân hàng dưới hình thức cấp tín dụng.
Theo Luật Sư Vi Văn Diện (Đoàn Luật sư Hà Nội), Giám đốc Công ty TNHH Luật Thiên Minh, trước những khuyến cáo của Ngân hàng Nhà nước, người dân khi sử dụng các dịch vụ liên quan đến tài chính của Lendbiz cần có sự cân nhắc, tìm hiểu kỹ lưỡng. Đặc biệt, các cơ quan chức năng như Ngân hàng Nhà nước, Bộ Tài Chính, Bộ Công an cũng cần thường xuyên kiểm tra, rà soát về các công ty đang hoạt động mô hình P2P Lending để bảo đảm sự lành mạnh của nền kinh tế, bảo vệ an toàn cho tài sản của các nhà đầu tư.