Đổi mới, nâng cao chất lượng kỳ họp
Năm 2023, HĐND tỉnh Hà Nam xác định, việc đổi mới, nâng cao chất lượng các kỳ họp HĐND có ý nghĩa hết sức quan trọng, góp phần nâng cao chất lượng, hiệu lực, hiệu quả hoạt động của HĐND. Theo đó, từ đầu năm đến nay, HĐND tỉnh đã tổ chức thành công 5 kỳ họp (3 kỳ họp chuyên đề, 2 kỳ họp thường lệ), thông qua 96 nghị quyết về các cơ chế, chính sách về nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội; kế hoạch đầu tư công và phân bổ vốn; cơ chế, chính sách; chủ trương đầu tư các dự án; tổ chức bộ máy, những nghị quyết thường niên và nhiều nội dung quan trọng khác.
Đây là những nghị quyết rất quan trọng, đáp ứng kịp thời yêu cầu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, là căn cứ, cơ sở pháp lý quan trọng để UBND tỉnh, các cấp, các ngành hữu quan chủ động có các giải pháp đột phá để thực hiện thắng lợi các chỉ tiêu, kế hoạch năm 2024 đã đề ra.
Trong năm, HĐND tỉnh duy trì nền nếp việc tổ chức các phiên họp thường kỳ hàng tháng giữa Thường trực HĐND, Lãnh đạo UBND, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh và các Tổ đại biểu HĐND tỉnh để đánh giá kết quả thực hiện các nhiệm vụ và kịp thời chỉ đạo giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, triển khai các nhiệm vụ. Đặc biệt, là các giải pháp để đưa nghị quyết HĐND tỉnh phát huy hiệu quả; nắm tình hình dư luận, ý kiến, kiến nghị của cử tri và kết quả giải quyết của các cơ quan chức năng, kịp thời đôn đốc các cơ quan giải quyết những bức xúc, kiến nghị kéo dài của cử tri và Nhân dân.
Thường trực HĐND tỉnh cũng tổ chức phiên giải trình đối với lãnh đạo UBND tỉnh, các thành viên UBND tỉnh về công tác quản lý Nhà nước đối với các nhà máy nước sạch nông thôn trên địa bàn tỉnh; chỉ đạo các giải pháp tháo gỡ những tồn tại, vướng mắc trong quá trình thực hiện và các giải pháp tập trung thực hiện trong thời gian tới.
Theo Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Bùi Văn Hoàng, Thường trực, các Ban của HĐND tỉnh cũng thường xuyên giám sát, nắm tình hình, đôn đốc việc triển khai các nghị quyết HĐND tỉnh. Trong đó, tập trung vào việc thực hiện triển khai nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, thu chi ngân sách năm 2023; kết quả triển khai thực hiện các nghị quyết của HĐND tỉnh, nhất là các nghị quyết về chủ trương đầu tư các dự án đầu tư công; kịp thời phát hiện những vướng mắc trong quá trình tổ chức thực hiện để đề xuất, chỉ đạo tháo gỡ. Hoạt động giám sát chuyên đề cũng được triển khai thực hiện ảo đảm chất lượng, tập trung vào những cơ chế, chính sách, những vấn đề được cử tri và Nhân dân quan tâm.
Tập trung giám sát những vấn đề cử tri, Nhân dân quan tâm
Bên cạnh những kết quả đạt được, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Bùi Văn Hoàng cũng thẳng thắn chỉ rõ, hoạt động của HĐND tỉnh Hà Nam còn một số hạn chế nhất định. Trong đó, hoạt động giám sát của các cơ quan của HĐND, đại biểu HĐND tỉnh có nội dung hiệu quả chưa cao. Một số vấn đề bức xúc, nổi cộm cử tri và Nhân dân kiến nghị kéo dài nhưng chưa được giải quyết dứt điểm (chất lượng nước sinh hoạt; ô nhiễm môi trường; cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất…). Bên cạnh đó, việc thể chế hóa triển khai thực hiện các nghị quyết của HĐND tỉnh có nội dung còn chậm; một số vướng mắc, khó khăn phát sinh trong triển khai thực hiện chưa được kịp thời tổng hợp, đề xuất giải pháp tháo gỡ; công tác giám sát việc giải quyết ý kiến, kiến nghị của cử tri có việc chưa quyết liệt, thường xuyên…
Năm 2024, HĐND tỉnh xác định tiếp tục đổi mới, nâng cao hiệu quả, chất lượng hoạt động của HĐND các cấp trong việc thực hiện vai trò quyết định những vấn đề quan trọng của địa phương và giám sát việc thực hiện nghị quyết của HĐND tỉnh, bảo đảm hiệu quả, phát huy vai trò của cơ quan quyền lực Nhà nước ở địa phương. Trong đó, quán triệt, thực hiện hiệu quả các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, các nghị quyết chuyên đề, chương trình của Tỉnh ủy, Ban thường vụ Tỉnh ủy; nghiên cứu, thể chế hóa, xây dựng cơ chế, chính sách phù hợp với điều kiện thực tiễn của địa phương.
Bên cạnh đó, HĐND tỉnh, Thường trực, các Ban, Tổ đại biểu HĐND tỉnh tiếp tục phát huy vai trò, trách nhiệm, thực hiện quyền giám sát đối với hoạt động của các cơ quan Nhà nước qua nhiều hình thức, như: giám sát tại kỳ họp; qua chất vấn, giải trình; giám sát thường xuyên, chuyên đề… Đặc biệt, lựa chọn nội dung giám sát tập trung vào những vấn đề liên quan trực tiếp đến đời sống, được cử tri, Nhân dân trên địa bàn quan tâm phản ánh, kiến nghị. Cùng với giám sát, sẽ tăng cường đôn đốc việc triển khai thực hiện các kết luận giám sát bảo đảm giải quyết, khắc phục triệt để; giải quyết kịp thời các ý kiến, kiến nghị của cử tri.