Công ước phòng chống tội phạm có tổ chức xuyên quốc gia và sự cần thiết hài hòa hóa các điều khoản liên quan đến vấn đề hình sự hóa, tịch thu tài sản do phạm tội mà có; Nghị định thư phòng, chống buôn bán người; tổ chức tội phạm; bảo vệ quyền trẻ em theo hướng tiếp cận sát hơn với các chuẩn mực quốc tế; vấn đề xử lý chuyển hướng người chưa thành niên phạm tội; bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ bằng pháp luật hình sự... là những vấn đề được thảo luận tại hội thảo. Đây cũng chính là những nội dung quan trọng được xem xét trong quá trình sửa đổi, bổ sung Bộ luật Hình sự 1999. Từ bức tranh tổng thể đó, các đại biểu đã đưa ra nhiều đề xuất, kiến nghị sửa đổi, bổ sung BLHS nhằm nội luật hóa các quy định có liên quan đến pháp luật hình sự trong các điều ước quốc tế mà nước ta là thành viên, tạo cơ sở pháp lý thuận lợi cho việc chủ động và tăng cường hợp tác quốc tế trong phòng, chống tội phạm, đặc biệt là các tội phạm có tổ chức xuyên quốc gia.
Được biết, dự án Bộ luật Hình sự (sửa đổi) đã được QH khóa XIII đưa vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2012. Một trong những định hướng cơ bản sửa đổi, bổ sung BLHS lần này là làm hài hòa các quy định của BLHS với các quy định của điều ước quốc tế về phòng, chống tội phạm mà nước ta là thành viên, góp phần tăng cường hợp tác quốc tế trong phòng, chống tội phạm.