Quyết liệt cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh
Qua thẩm tra báo cáo, tờ trình, dự thảo nghị quyết về việc đề nghị thông qua kết quả thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội 6 tháng đầu năm, nhiệm vụ trọng tâm 6 tháng cuối năm 2024, các Ban HĐND tỉnh Thái Nguyên cơ bản nhất trí với Báo cáo của UBND tỉnh và thống nhất nhận định: mặc dù tình hình thế giới và trong nước có nhiều diễn biến phức tạp, gây không ít khó khăn, thách thức, nhưng dưới sự chỉ đạo tập trung, quyết liệt của Tỉnh ủy, cùng với nỗ lực, đoàn kết, đồng lòng của cả hệ thống chính trị, sự đồng thuận của Nhân dân và cộng đồng doanh nghiệp nên tình hình phát triển kinh tế - xã hội 6 tháng đầu năm 2024 đã đạt được một số kết quả cao hơn bình quân chung cả nước, an sinh xã hội được bảo đảm. Đây là kết quả đáng khích lệ, tạo tiền đề quan trọng để phấn đấu hoàn thành cao nhất các mục tiêu, chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội năm 2024.
Cụ thể, kết quả thực hiện một số chỉ tiêu chủ yếu như: tốc độ tăng trưởng kinh tế (GRDP) ước đạt 6,03%; giá trị sản xuất công nghiệp (theo giá so sánh 2010) trên địa bàn ước đạt 424.430 tỷ đồng, tăng 6,2% so với cùng kỳ, bằng 40,2% kế hoạch năm; giá trị sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản (theo giá so sánh năm 2010) ước đạt 8.406,2 tỷ đồng, tăng 3,75% so với cùng kỳ, bằng 51,1% kế hoạch năm; giá trị xuất khẩu hàng hóa trên địa bàn tỉnh ước đạt 15,4 tỷ USD, tăng 19,2% so với cùng kỳ, bằng 52,5% kế hoạch năm…
Công tác cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh được triển khai thực hiện quyết liệt. Kết quả xếp hạng chỉ số cải cách hành chính (PAR INDEX) năm 2023 tỉnh Thái Nguyên đạt 90,76%, tăng 3,39% so với năm 2022, xếp vị trí thứ 6/63 tỉnh, thành phố; Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) tỉnh Thái Nguyên năm 2023 đạt 67,48 điểm, xếp thứ 23/63 tỉnh, thành phố (tăng 02 bậc so với năm 2022); Chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh (PAPI) năm 2023 đạt 45,78 điểm, tăng 2,77 điểm so với năm 2022, xếp thứ 2/63 tỉnh, thành phố; Chỉ số hài lòng của người dân, tổ chức đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước (SIPAS) năm 2023 đạt 90,29%, tăng 4,03% so với năm 2022, xếp thứ 2/63 tỉnh, thành phố.
Cùng với đó, công tác quản lý nhà nước về thông tin, truyền thông được tăng cường, đúng định hướng; chương trình chuyển đổi số được triển khai đồng bộ, sâu rộng; công tác tuyên truyền các chủ trương, đường lối của Đảng, pháp luật của Nhà nước, đấu tranh phản bác thông tin xấu độc được quan tâm thực hiện, tạo sự đồng thuận trong xã hội. Các chính sách về giáo dục, y tế, chính sách an sinh xã hội được quan tâm, khẳng định trách nhiệm và sự cố gắng lớn của cấp ủy, chính quyền. Công tác dân tộc và việc thực hiện các chính sách đối với vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi tiếp tục được quan tâm chỉ đạo, triển khai thực hiện.
Tín hiệu tích cực, thể hiện niềm tin của các nhà đầu tư lớn
Báo cáo của UBND tỉnh Thái Nguyên về tình hình kinh tế - xã hội 6 tháng đầu năm, nhiệm vụ trọng tâm 6 tháng cuối năm 2024 cũng cho thấy những điểm sáng tích cực. Trong đó, đáng chú ý, về thu hút đầu tư trong nước ngoài ngân sách, đã có những dự án quan trọng với tổng mức đầu tư lớn như: Dự án đầu tư xây dựng và kinh doanh kết cấu hạ tầng Khu công nghiệp Sông Công II, giai đoạn 2 với diện tích trên 296ha, tổng mức đầu tư 3.985,5 tỷ đồng; dự án Trạm biến áp 220kV Phú Bình 2 và đường dây 220kV Phú Bình 2 rẽ Thái Nguyên - Bắc Giang với tổng mức đầu tư 620 tỷ đồng; Nhà máy may Thagaco Smart Green Định Hóa với tổng mức đầu tư 788,7 tỷ đồng. Lũy kế đến nay, tổng số dự án ngoài ngân sách sử dụng vốn đầu tư trong nước còn hiệu lực là 886 dự án với số vốn đăng ký 184.978 tỷ đồng.
Về thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI): tính từ đầu năm đến thời điểm báo cáo, toàn tỉnh có 10 dự án FDI cấp mới với tổng số vốn đăng ký đạt 482,8 triệu USD, 9 lượt dự án tăng vốn với số vốn đăng ký đạt 59,4 triệu USD. Trong đó, có dự án Công ty TNHH Trina Solar Cell (Viet Nam) sản xuất tấm silic đơn tinh thể và pin năng lượng mặt trời với tổng mức đầu tư 454,4 triệu USD. Đây là dự án thứ 3 của Tập đoàn Trina Solar triển khai trên địa bàn tỉnh, nâng tổng vốn đầu tư của doanh nghiệp này tại Thái Nguyên lên 932 triệu USD. Đây là tín hiệu tích cực, thể hiện niềm tin của các nhà đầu tư lớn vào môi trường đầu tư, kinh doanh tại tỉnh. Lũy kế đến nay, trên địa bàn tỉnh có 219 dự án FDI còn hiệu lực với tổng số vốn đăng ký đạt 11,25 tỷ USD.
Bên cạnh đó, chương trình xây dựng NTM tiếp tục được cấp ủy, chính quyền tâm lãnh đạo, chỉ đạo triển khai thực hiện. Đến nay, trên địa bàn tỉnh có 118/126 xã đạt chuẩn NTM, bằng 93,65% tổng số xã; 5 đơn vị cấp huyện hoàn thành nhiệm vụ/đạt chuẩn NTM, huyện Định Hóa đã trình Trung ương xem xét công nhận huyện đạt chuẩn NTM.