Tổng giá trị thiệt hại ước tính khoảng 100 tỷ đồng
Do ảnh hưởng cơn bão số 2 và những trận mưa lớn trong những ngày cuối tháng 7 vừa qua, toàn bộ nền và mặt đường tỉnh 435 tại Km27+750 (thuộc địa phận xã Suối Hoa, huyện Tân Lạc) bị hư hỏng hoàn toàn. Trên tuyến xuất hiện hàng chục điểm sạt lở khiến giao thông đi lại hết sức khó khăn.
Theo đại diện Sở Giao thông Vận tải Hòa Bình, đây là tuyến đường huyết mạch kết nối thành phố Hòa Bình với hai xã Bình Thanh, Thung Nai của huyện Cao Phong và Ngòi Hoa của huyện Tân Lạc. Việc hư hỏng nền mặt đường do sạt trượt nói trên đe dọa đến an toàn công trình; ảnh hưởng giao thông đi lại của người dân. Bên cạnh đó, đặc thù địa lý cũng khiến người dân tại khu vực này không có tuyến đường tránh thay thế. Vì vậy, khi xảy ra sự cố đứt đường, người dân chỉ có thể di chuyển bằng đường thủy nội địa khiến công tác cứu hộ và khắc phục chậm trễ.
Mưa lớn cũng gây xói lở mặt đường, sạt lở đất đá, taluy dương tại các tuyến đường tỉnh 432, 433, 445, 439, 446 với khối lượng lớn bùn, đất đá sạt lở gây khó khăn cho công tác khắc phục. Mặc dù, tình trạng sạt lở do ảnh hưởng của cơn bão số 2 không gây thiệt hại về người nhưng gây thiệt hại lớn về tài sản với tổng giá trị ước tính khoảng 100 tỷ đồng.
Mới đây, trận lũ đêm ngày 20.8 đã khiến nhiều đoạn đường của xã vùng cao Quý Hòa, huyện Lạc Sơn bị sạt lở. Cụ thể, đường đi xóm Thung bị sạt tại đoạn Dốc Gió với chiều dài khoảng 35m, sạt trượt taluy dương ước tính khoảng 70m3 đất đá. Bên cạnh đó, sập cống, trượt hoàn toàn một điểm tại đoạn đường trên với chiều dài khoảng 40m. Hệ thống đường giao thông liên thôn ở các xóm Thung, xóm Thêu, xóm Cáo bị xói mòn; nguy cơ sập hỏng đường khoảng 120m.
Chủ tịch UBND xã Quý Hòa Bùi Văn Tường cho biết, xã đang huy động máy móc, cố gắng nỗ lực tạm thời thông đường để người dân có thể đi mua nhu yếu phẩm, các cháu có thể đi học. Nhưng nếu tình hình mưa lớn còn kéo dài, rất có thể chính quyền xã phải tính đến phương án dựng tạm cầu gỗ đi qua đoạn đường để phục vụ nhu cầu đi lại của hơn 200 hộ dân khu vực này.
Đẩy nhanh tiến độ khắc phục, ứng phó
Trong bối cảnh đó, Sở Giao thông Vận tải tỉnh đã vào cuộc với những biện pháp khẩn cấp nhằm ứng phó và khắc phục hậu quả thiên tai, theo quy định tại Điều 11 và Điều 13 của Thông tư số 03/2019/TT-BGTVT. Một trong những biện pháp đầu tiên được thực hiện là rào chắn toàn bộ mặt đường, hạn chế phương tiện và người lưu thông để bảo đảm an toàn cho người dân. Đồng thời, công bố tình huống khẩn cấp về thiên tai lũ bão, ban hành lệnh xây dựng công trình khẩn cấp để nhanh chóng sửa chữa, khôi phục công trình. Ngoài ra, lực lượng chức năng cũng cử người trực gác theo dõi tình hình sụt lún và báo cáo định kỳ hàng ngày về Sở Giao thông Vận tải, nhằm kịp thời cập nhật tình hình và có phương án xử lý.
Trong bối cảnh thiên tai xảy ra ngày càng nhiều và dự báo sẽ còn nghiêm trọng hơn, tỉnh Hòa Bình xác định không ngừng nâng cao năng lực phòng, chống thiên tai và phát triển hạ tầng giao thông bền vững. Việc khắc phục thiên tai không chỉ đơn thuần là xây dựng lại cơ sở hạ tầng, mà còn là bài học về sự đoàn kết của cộng đồng, sự quyết tâm của chính quyền trong việc bảo vệ tính mạng và tài sản của người dân. Một Hòa Bình vững mạnh và an toàn trước thiên tai chính là đích đến mà mọi người dân và chính quyền địa phương đang cùng hướng đến.
Các cơ quan, đơn vị liên quan đã nỗ lực rà soát và xác định các vị trí cầu cống, đường bộ bị hư hỏng do thiên tai gây ra. Những kế hoạch xây dựng công trình khẩn cấp đã được tham mưu để triển khai sớm nhất có thể, nhằm bảo đảm an toàn giao thông cho người dân và phục hồi hoạt động thường nhật trong vùng. Cùng với đó, Sở Giao thông Vận tải đã tổ chức các đoàn kiểm tra, chỉ đạo các nhà thầu quản lý bảo dưỡng thường xuyên đường bộ, đơn vị thi công trên đường đang khai thác huy động máy móc, thiết bị, nhân lực cắm biển cảnh báo, rào chắn, hót dọn, bảo đảm giao thông… Đối với các điểm sạt lở taluy âm, sở đã chỉ đạo cắm biển cảnh báo, rào chắn, đồng thời trích hơn 800 triệu đồng trong phạm vi kinh phí bảo dưỡng thường xuyên đường bộ để khắc phục các sự cố giao thông.
Với địa hình đồi núi, nguy cơ sạt lở tại các tuyến đường trên địa bàn tỉnh vẫn có thể xảy ra bất cứ lúc nào. Do vậy, để chủ động ứng phó mọi tình huống, bảo đảm mạng lưới giao thông an toàn, thông suốt, thực hiện chỉ đạo của UBND tỉnh, Sở Giao thông Vận tải tỉnh Hòa Bình đã chỉ đạo các đơn vị chủ động theo dõi tình hình diễn biến của thời tiết, triển khai phương án bảo đảm an toàn giao thông trong mùa mưa bão. Sẵn sàng phân luồng, bảo đảm giao thông trên các quốc lộ ủy thác và đường địa phương được giao quản lý, tổ chức hướng dẫn người và phương tiện qua lại tại các khu vực giao thông bị ngập nước bảo đảm an toàn. Đồng thời, rà soát xác định các vị trí hư hỏng nặng để đề xuất giải pháp, quy mô và kinh phí khắc phục nhằm bảo đảm an toàn giao thông, an toàn công trình.
Hiện, các điểm sạt lở do mưa lũ trên các tuyến đường đã cơ bản được khắc phục, thông tuyến. Tuy nhiên, để ứng phó với tình huống thiên tai bất thường, các địa phương cần có phương án, chuẩn bị nhân lực, vật tư, trang thiết bị, máy móc, sẵn sàng xử lý khắc phục khi có các tình huống xảy ra. Ngoài sự chủ động của các cơ quan, đơn vị, chính quyền địa phương, người dân cũng cần cảnh giác, đề phòng sạt lở khi tham gia giao thông.