Đó là những con số ấn tượng được thông tin trong buổi Họp báo công bố số liệu kinh tế - xã hội thành phố năm 2024 do Cục Thống kê thành phố tổ chức sáng qua, 6.1.
Trên 77% dự án thuộc lĩnh vực công nghệ cao, chế biến, chế tạo, logistics
Theo đó, tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) thành phố năm 2024 ước đạt 11,01%, xếp thứ 3 cả nước, là năm thứ 10 liên tiếp duy trì tăng trưởng ở mức hai con số. Quy mô kinh tế ngày càng mở rộng, đặt dấu mốc là năm đầu tiên thành phố bước vào nhóm 5 tỉnh, thành có quy mô kinh tế lớn nhất cả nước (bao gồm Thành phố Hồ Chí Minh, thành phố Hà Nội, tỉnh Bình Dương, Đồng Nai, thành phố Hải Phòng). Nhiều chỉ tiêu kinh tế - xã hội chủ yếu hoàn thành sớm hơn dự kiến, vượt mức kế hoạch đề ra.
Cụ thể, tổng sản phẩm trên địa bàn thành phố ước đạt 288.492 tỷ đồng (giá so sánh 2010), tăng 11,01% so với năm trước (kế hoạch tăng 11,50% - 12%). Chỉ số phát triển sản xuất toàn ngành công nghiệp thành phố (IIP) năm 2024 ước tăng 15,43% so với năm trước. Trong sản xuất công nghiệp, ngành công nghiệp chế biến chế tạo phát huy vai trò là trụ đỡ (trên 90% giá trị tăng thêm), quyết định chủ yếu đến tốc độ tăng trưởng toàn ngành công nghiệp. Tổng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn thành phố năm 2024 ước đạt 118.255,3 tỷ đồng, bằng 120,86% dự toán Trung ương giao, bằng 110,77% so với dự toán HĐND thành phố giao.
Vốn đầu tư thực hiện trên địa bàn thành phố năm 2024 ước đạt 211.481 tỷ đồng, tăng 10,09% so với năm trước. Tính đến ngày 31.12.2024, Hải Phòng thu hút FDI đạt hơn 4,9 tỷ USD. Trong đó, vốn đăng ký cấp mới có 126 dự án, đạt 757,43 triệu USD; vốn đăng ký điều chỉnh có 72 dự án với số vốn tăng là hơn 3,724 tỷ USD. Lũy kế, Hải Phòng có 1.020 dự án còn hiệu lực với tổng vốn đầu tư 33,8 tỷ USD. Tỷ lệ các dự án thuộc lĩnh vực công nghệ cao, chế biến, chế tạo, logistics đầu tư vào các khu công nghiệp, khu kinh tế trên địa bàn thành phố đạt trên 77%...
Đáng chú ý, Hải Phòng là một trong những địa phương đi đầu cả nước với những chính sách an sinh xã hội ưu việt, nhân văn và vì Nhân dân, góp phần quan trọng vào sự phát triển kinh tế - xã hội của thành phố.
Đẩy nhanh chuyển đổi số trong doanh nghiệp, Nhân dân
Năm 2025 có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, quyết định thành công thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ thành phố lần thứ XVI; đồng thời, là nền tảng, tiền đề quan trọng để thành phố bước vào kỷ nguyên vươn mình cùng đất nước, với mục tiêu tăng trưởng kinh tế của giai đoạn 2026 - 2030 là từ 15,65% trở lên. Thành phố xác định chủ đề năm 2025 là “mở rộng không gian kinh tế, đô thị; phát huy cơ chế, chính sách đặc thù; tăng cường chuyển đổi xanh, chuyển đổi số”.
Tại Hội nghị triển khai thực hiện Nghị quyết của Thành ủy, HĐND thành phố về nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh thành phố năm 2025 mới đây, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Thành ủy, Trưởng đoàn ĐBQH thành phố Lê Tiến Châu nhấn mạnh: thời gian tới, Trung ương sẽ phân cấp mạnh mẽ cho các địa phương; đồng thời, theo dự thảo Nghị quyết mới thay thế Nghị quyết số 35, thành phố dự kiến đề xuất Trung ương phân cấp sâu hơn, rộng hơn nhiều vấn đề; trong khi đó, thành phố đang tiến hành sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy, gắn với tinh giản biên chế.
Do đó, đề nghị Ban cán sự Đảng UBND thành phố chỉ đạo rà soát toàn bộ quy định hiện hành về thẩm quyền, để phân cấp triệt để cho cấp huyện, cấp huyện phân cấp cho cấp xã; UBND thành phố phân cấp cho cấp sở, ngành… để giải quyết công việc nhịp nhàng, hiệu quả và thông suốt hơn. Đây là nhiệm vụ cấp bách, cần chuẩn bị ngay để sau sắp xếp đã có một tổ chức bộ máy mới, với chức năng, nhiệm vụ cụ thể, rõ ràng, khoa học.
Cùng với đó, tập trung thực hiện có sản phẩm cụ thể chủ đề công tác năm về chuyển đổi số, chuyển đổi xanh như: khẩn trương hoàn thành Đề án chuyển đổi xanh thành phố Hải Phòng, triển khai trước một số nhiệm vụ để sớm có kết quả ngay trong năm 2025, như xây dựng Cát Bà trở thành đảo Xanh; chuyển đổi hệ thống giao thông công cộng sang sử dụng điện; phát triển các KCN sinh thái. Tiếp tục đẩy mạnh chuyển đổi số, không chỉ dừng lại ở việc xây dựng chính quyền số; mà cần có cơ chế khuyến khích, đẩy nhanh chuyển đổi số trong doanh nghiệp và Nhân dân. Chuyển đổi số phải hướng đến những mục tiêu cụ thể và thiết thực cho người dân và doanh nghiệp, đó là thủ tục hành chính được rút ngắn, thời gian được cắt giảm và chi phí tiết kiệm nhất. Lựa chọn thu hút những lĩnh vực công nghệ cao, tạo ra nhiều giá trị gia tăng, hạn chế thu hút ngành nghề lĩnh vực công nghệ thấp, sử dụng nhiều tài nguyên, gây ô nhiễm môi trường…