Tại Kỳ họp lần thứ 22, HĐND tỉnh Khóa XIX, UBND tỉnh đã báo cáo thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2024 trên cơ sở số liệu thực tế 10 tháng đầu năm và dự báo các tháng cuối năm. Đến nay, sau khi rà soát, kết quả thực tế có một số chỉ tiêu thay đổi, bổ sung như: Tổng sản phẩm (GRDP) tăng 10,01%, điều chỉnh giảm nhẹ so với mức 10,35% trước đó. Cơ cấu kinh tế lĩnh vực nông, lâm nghiệp, thủy sản chiếm 17,7%, tăng so với 16% báo cáo trước. Sản lượng thủy sản đạt 202.580 tấn, tăng 4,7%, điều chỉnh giảm nhẹ từ 5,1%. Có 97,26% xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, giảm nhẹ so với 97,5% trước đó. Chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) tăng 14,56% (trước đó 14,5%). Kim ngạch xuất khẩu đạt 3 tỷ USD, giảm từ 3.300 triệu USD. Có 90 dự án được cấp giấy chứng nhận đầu tư (trước đó 73 dự án). Cấp giấy đăng ký cho 1.311 doanh nghiệp mới (trước đó 1.155 doanh nghiệp). Thu ngân sách đạt 14.828 tỷ đồng, vượt 23% dự toán và tăng 42% so với năm 2023. Dư nợ tín dụng cho vay đạt 123.043 tỷ đồng, tạo việc làm mới cho 34,8 nghìn người…
Hai tháng đầu năm 2025, Nam Định tăng cường sản xuất nông nghiệp và phát triển công nghiệp; đẩy mạnh phát triển hạ tầng giao thông, đô thị và khu công nghiệp. Tăng thu ngân sách, hỗ trợ doanh nghiệp và người dân; cải thiện an sinh xã hội và môi trường sống; tiếp tục đẩy mạnh quy hoạch và bảo vệ tài nguyên; triển khai sắp xếp lại bộ máy hành chính, hợp nhất sở, phòng. Bên cạnh đó, cải thiện công tác cán bộ, thi đua và quản lý tôn giáo; đẩy mạnh chuyển đổi số, cải cách hành chính và hỗ trợ doanh nghiệp. Tăng cường quốc phòng, an ninh và phòng, chống tội phạm, đặc biệt trong dịp Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025; thực hiện giải pháp bảo đảm an toàn giao thông, phòng cháy chữa cháy, giải quyết khiếu nại, tố cáo, hỗ trợ pháp lý cho người dân và doanh nghiệp.
Năm 2025 là năm có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, không chỉ là năm cuối thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm (2021-2025), mà còn là năm chuẩn bị cho đại hội Đảng các cấp tiến tới Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIV của Đảng, vì vậy Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Đình Nghị đề nghị các cấp, ngành, đơn vị cần triển khai đồng bộ và quyết liệt các nhiệm vụ và giải pháp ngay từ những ngày đầu, tháng đầu năm, căn cứ vào chức năng, nhiệm vụ được giao.
Trong đó, các cấp chính quyền, các ngành cần: chuẩn bị tốt các điều kiện để nhân dân đón Tết Nguyên đán vui tươi, lành mạnh, an toàn, tiết kiệm. Các địa phương cần chủ động nắm bắt tình hình tiền lương, thưởng Tết tại các doanh nghiệp, đảm bảo mọi người dân đều có điều kiện đón Tết. Trong dịp Tết, cần chú trọng kiểm soát giá cả thị trường, phòng chống buôn bán, vận chuyển, đốt pháo nổ, đảm bảo an toàn thực phẩm và chăm sóc sức khỏe cho người dân. Đảm bảo trật tự, an toàn giao thông trong dịp Tết và lễ hội, quản lý vận tải và đáp ứng nhu cầu đi lại của người dân. Các đơn vị cần đảm bảo công tác chăm sóc sức khỏe, an toàn thực phẩm và các dịch vụ y tế xuyên suốt trong dịp Tết. Quan tâm công tác thăm, tặng quà đối tượng chính sách, người nghèo, xóa nhà dột nát và tổ chức lễ hội đầu xuân an toàn, lành mạnh, phát huy giá trị văn hóa truyền thống.
Mặt khác, tập trung thực hiện hiệu quả các phần việc trọng tâm về tổng kết Đề án số 06, triển khai các dự án cao tốc, bảo đảm hoàn tất các thủ tục hành chính để đầu tư và kiểm điểm tiến độ các dự án trọng điểm… Tiếp tục đẩy nhanh tiến độ các dự án giao thông quan trọng như đường trục, cao tốc, cầu vượt và các dự án y tế, hạ tầng đô thị, khu dân cư. Đặc biệt, tập trung giải phóng mặt bằng và triển khai các dự án lớn, như các dự án đường cao tốc…