Nhiều khó khăn, thách thức
Theo báo cáo của UBND tỉnh Hòa Bình, 9 tháng đầu năm nay, một số ngành, lĩnh vực của tỉnh đã có những chuyển biến tích cực và có xu hướng tăng trưởng trong các tháng gần đây. Cụ thể, kim ngạch xuất khẩu 9 tháng ước đạt 1.224,824 triệu USD, tăng 15,9% so với cùng kỳ, bằng 72,26% kế hoạch năm. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ ước đạt 47.183 tỷ đồng, bằng 76% kế hoạch năm, tăng 18,68% so với cùng kỳ năm trước. Tổng khách du lịch đến Hòa Bình ước đạt 3,2 triệu lượt, tăng 16,5% so với cùng kỳ, đạt 91,4% kế hoạch năm (trong đó khách quốc tế 320 nghìn lượt); tổng doanh thu du lịch ước đạt 3.100 tỷ đồng, tăng 6% so với cùng kỳ, đạt 79,5% kế hoạch năm...
Toàn tỉnh có 32 dự án đầu tư trong nước được chấp thuận chủ trương đầu tư, cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư với tổng vốn đăng ký khoảng 14.000 tỷ đồng. Công tác giải quyết việc làm, bảo đảm an sinh xã hội được tăng cường, lĩnh vực văn hóa, y tế, giáo dục tiếp tục được quan tâm; an ninh, quốc phòng được giữ vững…
Tuy nhiên, tình hình kinh tế - xã hội tiếp tục chịu ảnh hưởng kéo dài bởi các khó khăn, thách thức. Trong đó, tốc độ tăng trưởng GRDP của tỉnh giảm 0,95% so với cùng kỳ; mức tăng trưởng ngành công nghiệp giảm 8,05% so với cùng kỳ, nhất là ngành sản xuất và phân phối điện. Thu ngân sách nhà nước khó khăn, ước đạt 2.820 tỷ đồng, bằng 53% dự toán Thủ tướng Chính phủ giao và bằng 39% dự toán HĐND tỉnh giao. Đặc biệt thu tiền sử dụng đất và thu từ bán tài sản dôi dư theo Nghị định số 167/2017/NĐ-CP, ngày 31.12.2017 của Chính phủ chỉ đạt 8% kế hoạch năm. Tiến độ triển khai thực hiện các dự án đầu tư còn chậm, tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công đạt thấp…
Đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án
Thảo luận về tình hình kinh tế - xã hội 9 tháng vừa qua, các đại biểu cho rằng: tăng trưởng kinh tế gặp nhiều khó khăn do ảnh hưởng tình hình kinh tế thế giới và trong nước. Đặc biệt, thị trường bất động sản những tháng đầu năm trầm lắng; năng lực của một số nhà đầu tư yếu; công tác quy hoạch, giải phóng mặt bằng nhiều dự án còn vướng mắc, dẫn tới thu tiền sử dụng đất gặp rất nhiều khó khăn. Do biến đổi khí hậu, lượng mưa quá ít dẫn đến lưu lượng nước về hồ thủy điện quá thấp so với cùng kỳ, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sản lượng sản xuất điện của Nhà máy thủy điện Hòa Bình, là lĩnh vực chiếm tỷ trọng lớn trong cơ cấu GRDP ngành công nghiệp của tỉnh.
Bên cạnh đó, công tác chỉ đạo, điều hành, tổ chức thực hiện, kiểm tra, giám sát, theo dõi, đôn đốc công việc của lãnh đạo tại một số sở, ngành, địa phương chưa thực sự hiệu quả, có lúc, có nơi chưa chủ động, quyết liệt, chưa theo kịp yêu cầu thực tiễn; công tác tham mưu thực hiện chính sách trong một số trường hợp còn bị động; còn hạn chế trong phân tích, dự báo tình hình, trong xây dựng và triển khai thực hiện các kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội…
Cơ bản nhất trí với nội dung các dự thảo tờ trình trình tại hội nghị, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Bùi Văn Khánh nhấn mạnh: các sở, ngành cần quan tâm đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng, thủ tục chuyển đổi mục đích sử dụng rừng, đất để đẩy nhanh tiến độ các dự án. Đối với vấn đề thu ngân sách Nhà nước, đề nghị các sở, ngành tiếp tục rà soát, đôn đốc, giải quyết dứt điểm các dự án chưa thực hiện nghĩa vụ tài chính.
Với các dự án chậm tiến độ, không triển khai thì kiên quyết thu hồi, không nương nhẹ, không giải quyết việc điều chỉnh chủ trương đầu tư. Tiếp tục hoàn thiện quy hoạch tỉnh trong thời gian sớm nhất để trình HĐND tỉnh cho ý kiến và trình Chính phủ thông qua…